Tây Nguyên: Gần 1,5 triệu học sinh nô nức tựu trường

(SGGPO).- Sáng nay, 5-9, cùng với cả nước, gần 1,5 triệu học sinh (HS) các cấp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức đến trường khai giảng năm học mới 2010 – 2011.
Tây Nguyên: Gần 1,5 triệu học sinh nô nức tựu trường

(SGGPO).- Sáng nay, 5-9, cùng với cả nước, gần 1,5 triệu học sinh (HS) các cấp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã nô nức đến trường khai giảng năm học mới 2010 – 2011.
 
Tại Trường THPT chuyên Thăng Long (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), các thầy giáo, cô giáo và HS có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho lễ khai giảng và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đây là một trường có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp và đại học cao nhất của tỉnh (năm 2009-2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100%, 96,2% đậu đại học).

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng diễn văn nghệ trong lễ khai giảng. (Ảnh: Nam Viên)

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng diễn văn nghệ trong lễ khai giảng. (Ảnh: Nam Viên)

Trường PT Dân tộc nội trú Lâm Đồng cũng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với việc phát triển tốt mô hình bán trú, phục vụ tốt cho việc dạy và học cho HS đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…

Năm học này, tỉnh Lâm Đồng có hơn 300.000 HS (trong đó có 83.000 HS dân tộc thiểu số). Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã cấp 720.000 tập vở, 7.000 bộ sách giáo khoa các cấp cấp cho các HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số và HS đối tượng chính sách.

* Tại Đắc Lắc, hơn 480.000 HS các cấp (trong đó có hơn 160.000 HS dân tộc thiểu số) đã bước vào khai giảng năm học mới. Trong những năm qua, ngành giáo dục  Đắc Lắc không ngừng đầu tư xây dựng trường học. Toàn tỉnh hiện có 902 trường các cấp với hơn 15.000 lớp học, tăng 95 trường so với năm 2004.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng được tăng cường về cả số lượng lẫn chất lượng và hiện có hơn 30.000 cán bộ, giáo viên các cấp (tăng 8.000 người so với năm 2004), trong đó 62 thạc sỹ và 100 cán bộ, giáo viên đang học cao học.

Dịp này, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP Buôn Ma Thuột) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Buôn Ma Thuột) được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

* Cùng ngày, 310 trường học ở Đắc Nông đồng loạt tổ chức lễ khai giảng bước vào năm học mới. Năm học này, tổng số HS từ bậc mầm non đến trung học phổ thông ở tỉnh Đắc Nông có hơn 140.000 em, tăng 5.000 em so với năm học trước, trong đó có 1/3 là học sinh người dân tộc thiểu số. Tỉnh Đắc Nông đã chi hơn 6 tỷ đồng mua sách giáo khoa và vở viết cấp cho các em, đồng thời hỗ trợ 70.000 đồng/tháng cho mỗi HS dân tộc thiểu số từ cấp trung học cơ sở trở lên.
 
Chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh Đắc Nông đã huy động từ nhiều nguồn hơn 100 tỷ đồng để xây dựng 360 phòng học mới. Các ngành, các cấp và nhiều tổ chức xã hội đã tặng hàng ngàn  suất học bổng động viên các HS nghèo vượt khó học giỏi.

Đến nay, địa phương này mới kiên cố hóa được gần một nửa số phòng học, và năm học này, HS vẫn phải học trong  gần 100 phòng học tạm, phòng học mượn, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa.

* Trong năm học mới 2010 – 2011, tỉnh Gia Lai có 346.015 HS các cấp theo học tại 757 trường học, tăng hơn 11.000 HS so với năm học trước… Trước thềm năm học mới, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thêm được hơn 570 phòng học, nhưng toàn tỉnh vẫn còn thiếu hơn 700 phòng, phải học mượn, học tạm ở các nhà rông, hội trường thôn. Tỉnh cũng còn thiếu hơn 350 giáo viên mầm non.

* Tại tỉnh Kon Tum, hơn 130.000 HS các cấp học bước vào khai giảng năm học mới. Tại các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Kon Plông, trời mưa nhiều nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của HS trong ngày khai trường.

Học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vượt khó khăn về thời tiết để đi khai giảng năm học mới. (Ảnh: Đức Trung)

Học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vượt khó khăn về thời tiết để đi khai giảng năm học mới. (Ảnh: Đức Trung)

Trong năm học mới, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum vẫn phải bộn bề những khó khăn, nỗi lo cũ như: nhiều trường thiếu phòng học bộ môn, nhà vệ sinh; vẫn còn nhiều trường học ghép giữa các bậc học mầm non – tiểu học – THCS; vẫn còn các xã chưa có trường THCS độc lập...

Bên cạnh đó, vấn đề duy trì sĩ số HS, đặc biệt là HS người dân tộc thiểu số vẫn là vấn đề nan giải của ngành (năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 1.237 học sinh bỏ học).

Đáng chú ý, tại một số địa phương nằm hai bên dòng sông Pô Kô, do các cây cầu treo đã bị lũ cuốn trôi trong các cơn bão số 9 và 11 xảy ra trong năm 2009 nên HS vùng sâu phải đi đường vòng xa hàng chục cây số để đến trường.


Hoài Hương – Công Hoan – Đức Trung

Tin cùng chuyên mục