Giáo sư Ngô Bảo Châu - Tự hào Việt Nam

Trưa 19-8-2010 (giờ Việt Nam), tại TP Hyderabad (Ấn Độ), trong phiên khai mạc của Đại hội Toán học quốc tế 2010, tên của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được xướng lên cùng 3 người khác đoạt giải thưởng Fields 2010 (được xem là giải Nobel của ngành Toán học thế giới). Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 3 châu Á (cùng Nhật Bản và Israel) và thứ 15 trên thế giới có người đoạt giải thưởng danh giá này.
Giáo sư Ngô Bảo Châu - Tự hào Việt Nam

Trưa 19-8-2010 (giờ Việt Nam), tại TP Hyderabad (Ấn Độ), trong phiên khai mạc của Đại hội Toán học quốc tế 2010, tên của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được xướng lên cùng 3 người khác đoạt giải thưởng Fields 2010 (được xem là giải Nobel của ngành Toán học thế giới). Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 3 châu Á (cùng Nhật Bản và Israel) và thứ 15 trên thế giới có người đoạt giải thưởng danh giá này.

  • Bước ngoặt toán học Việt Nam

Tháng 12-2009, khi Tạp chí Time (Mỹ) công bố 10 công trình khoa học nổi bật, mang tính lịch sử của năm 2009, công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon (người Pháp) đã được xếp thứ 7. Vào thời điểm đó, câu chuyện GS Ngô Bảo Châu sẽ đoạt giải thưởng Fields năm 2010 đã được đề cập đến rất nhiều. Với công trình này, hai tác giả đã được tặng giải thưởng danh giá của Viện Toán học Clay (Mỹ) dành cho những thành tựu kiệt xuất.

Cùng giải thưởng Clay, GS Ngô Bảo Châu còn nhận thêm 2 giải thưởng toán học khác của Đức và Pháp. Trước đó, GS Ngô Bảo Châu cũng đã đưa ra một chứng minh xuất sắc cho “Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát”. Chứng minh đó đã được cộng đồng toán học thế giới kiểm tra và khẳng định chính xác. Đánh giá về các công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học Peter Sarnak (Viện Nghiên cứu cao cấp tại Princeton, Mỹ) khẳng định: “Điều này giống như việc có người làm việc ở phía bên kia bờ sông, đợi ai đó bắc một chiếc cầu qua sông và giúp họ chứng minh được sự tồn tại của mình...”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm GS Ngô Bảo Châu tại nhà riêng ở Hà Nội, 10 ngày trước khi GS Châu đoạt giải Fields ở Ấn Độ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm GS Ngô Bảo Châu tại nhà riêng ở Hà Nội, 10 ngày trước khi GS Châu đoạt giải Fields ở Ấn Độ.

Vài ngày, trước khi tên GS Ngô Bảo Châu được xướng lên trên bục vinh quang của giải thưởng Fields, GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng: “Một giải thưởng thực chất không nói lên thành công của một ngành, nhưng nó khẳng định con người Việt Nam có thể vươn tới những đỉnh cao nhất của khoa học. Và ý nghĩa lớn nhất là đem lại vinh quang cho đất nước mà có lẽ khó có cơ hội lặp lại. Việc GS Ngô Bảo Châu bước lên bục danh dự ở Hyderabad nhận giải thưởng ngang với giải Nobel đã giúp ngành toán học Việt Nam có một bước ngoặt lớn...”.
  • Tâm sự nhỏ và hy vọng lớn

Sinh năm 1972, từ năm 18 tuổi GS Ngô Bảo Châu đã qua Pháp học và nghiên cứu toán học. Dù phần lớn thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài song GS Ngô Bảo Châu vẫn dành sự quan tâm và giữ mối liên hệ bền vững với cộng đồng toán học trong nước nói chung và Viện Toán học Việt Nam nói riêng. Mỗi năm khi về nước anh đều làm việc tại Viện Toán học với tư cách là cán bộ hợp đồng, hưởng lương ngạch GS bậc cao nhất. Viện Toán học luôn bố trí một phòng làm việc riêng cho GS Châu bất cứ khi nào anh về nước. GS Ngô Bảo Châu tham gia giảng dạy, đào tạo cũng như trình bày báo cáo tại các seminar khoa học của viện... GS Nguyễn Việt Dũng, Phó Viện trưởng Viện Toán học nhận xét: “Có rất nhiều người Việt Nam giỏi toán đang làm việc ở nước ngoài song không phải ai cũng có tâm huyết với việc truyền ngọn lửa đam mê toán học cho lớp trẻ, đội ngũ kế cận của nền toán học Việt Nam như GS Ngô Bảo Châu”.

Một ngày sau khi đoạt giải Fields, GS Ngô Bảo Châu đã tâm sự trên blog của mình (http://thichhoctoan.wordpress.com) rằng: “...Tôi cũng muốn tin rằng giải thưởng Fields sẽ đánh dấu một bước ngoặt, sẽ đem đến một luồng gió mới cho khoa học và giáo dục đại học ở nước ta. Cá nhân tôi quá bé nhỏ so với một dự kiến lớn như vậy. Nhưng bên cạnh bao nhiêu yếu kém, trì trệ, bảo thủ, tôi còn thấy những người lớn tận tụy vì khoa học, những bạn trẻ tràn trề niềm say mê khoa học. Hy vọng chúng ta sẽ đi cùng một con đường...”. Cũng vào thời điểm đó, Thạc sĩ Phạm Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Khối THPT chuyên Toán - Tin (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), người đã phát hiện ra tài năng toán học và khuyên Châu thi vào chuyên toán năm 1987 cho rằng: “Thành tựu của Ngô Bảo Châu hôm nay cho thấy, Việt Nam có thể làm nên điều kỳ diệu. Giới trẻ Việt Nam hiện nay có niềm say mê nhưng dường như chưa đủ tự tin. Chính Châu sẽ là “cú hích” để giới trẻ Việt Nam dấn thân vào khoa học một cách quên mình...”.

Đầu tháng 9-2010, GS Ngô Bảo Châu đã thông báo về việc thành lập quỹ học bổng “Vì tinh thần hiếu học” với kinh phí thành lập quỹ là toàn bộ tiền đoạt giải thưởng Fiedls (15.000 đôla Canada) và sự ủng hộ tự nguyện của các cá nhân, tập thể trong, ngoài nước. GS Ngô Bảo Châu cho biết, khoản tiền đóng góp của anh không lớn nhưng mang kỳ vọng làm chất xúc tác để các tổ chức và cá nhân vốn vẫn lo lắng đến công việc học tập của thế hệ trẻ hôm nay, tức là tương lai của đất nước ngày mai, có thể xắn tay cùng nhau góp sức. “Khi đoạt giải thưởng Fiedls, tôi thấy mình có trách nhiệm lớn hơn đối với đất nước. Tôi sẽ cố gắng làm những việc có thể dành cho đất nước. Nhưng tôi sẽ cân nhắc phải làm như thế nào, để việc mình làm là có ích và có hiệu quả nhất” – GS Ngô Bảo Châu tâm sự.

Hai ngày trước khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ đồng. Việc xây dựng Viện Nghiên cứu cấp cao về toán học đã được khởi động. Một loạt các việc làm cụ thể của Nhà nước đối với GS Ngô Bảo Châu cũng như nền toán học Việt Nam đã được thực hiện... Tất cả đều với mong muốn, toán học nói riêng và khoa học nước nhà nói chung sẽ sớm bay cao, chứng minh tài trí của người Việt Nam với toàn thế giới

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục