Ngày đầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Dễ thở!

Hà Nội: Vẫn còn “phao” thi
Ngày đầu thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Dễ thở!

Hôm qua 2-6, gần một triệu sĩ tử cả nước đã hoàn tất ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT với hai môn thi là Văn và Hóa học. Ghi nhận chung cho thấy trong điều kiện thời tiết có phần dịu mát, các thí sinh đã tỏ ra phấn khích trước đề thi tương đối “dễ thở”, với các câu hỏi – đúng như tuyên bố trước kỳ thi của Bộ GD-ĐT – đều nằm trong chương trình phổ thông – và không có bất kỳ sự “đánh đố” hay “lắt léo” nào. Điều đáng mừng nữa, công tác an toàn thi được thực hiện nghiêm, không có sự cố trầm trọng như mọi năm.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm kiểm tra bài thi của các học sinh sau giờ thi môn Hóa tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm kiểm tra bài thi của các học sinh sau giờ thi môn Hóa tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Hà Nội: Vẫn còn “phao” thi

Tại Hà Nội, sau cơn mưa to đêm 1-6, ngày 2-6, học sinh được làm bài thi trong tiết trời rất mát mẻ. Vì là ngày thứ bảy, giờ thi lại diễn ra sớm nên về cơ bản việc đến trường thi cử không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Nhìn chung học sinh hài lòng với ngày thi đầu tiên khi cả đề Văn, Hóa đều được đánh giá là dễ thở, dễ kiếm điểm.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Hà Nội có gần 75.000 thí sinh đăng ký dự kỳ thi. Hà Nội đã chuẩn bị 149 hội đồng coi thi với gần 3.200 phòng thi đủ điều kiện phục vụ kỳ thi. Số lượng giáo viên được huy động làm nhiệm vụ coi thi là gần 8.000 người.

Theo quan sát của phóng viên, tại cổng các hội đồng thi của Hà Nội luôn bị bủa vây bởi lực lượng phát tờ rơi. Bất cứ phụ huynh nào, thí sinh nào cũng được lực lượng này “ấn” vào tay tờ rơi quảng cáo. Chủ yếu là quảng cáo ôn luyện thi ĐH-CĐ, tờ rơi chiêu sinh của các trường trung cấp... Điều đáng tiếc là sau khi đọc tờ rơi, nhiều bậc phụ huynh, thí sinh vứt luôn xuống cổng trường, tạo nên hình ảnh không đẹp mắt.

Năm nay, chợ “phao” thi ở Hà Nội không hoạt động sôi động như các năm; tình trạng “phao” thi trắng sân trường cũng không còn, tuy vậy, theo phản ánh của nhiều thí sinh ở Hà Nội, dù không quá phổ biến nhưng tình trạng mang “phao” thi và sử dụng “phao” trong phòng thi vẫn diễn ra.

Và dường như để có kết quả “thi đẹp”, thí sinh sử dụng tài liệu chủ yếu chỉ bị giám thị nhắc nhở, thu tài liệu mà không đánh dấu bài, lập biên bản hoặc đình chỉ thi. Ngoài ra, chuyện thí sinh trao đổi bài diễn ra khá phổ biến và chỉ bị giám thị nhắc nhở.

Điều đáng nói là ở các địa phương khác tuy vẫn còn vương vấn “phao” trôi nổi nhưng các cơ quan chức năng đã mạnh dạn nói “không” với “chợ phao”, như Hà Tĩnh đã phát hiện và xóa số 16 cơ sở in sao “phao thi”, thu giữ và tiêu hủy trên 2.000 cuốn SGK và tài liệu dạng “thu nhỏ”…

TPHCM: 64 thí sinh bỏ thi

Tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã đến thăm hỏi và động viên các thí sinh tại Hội đồng thi Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Cũng trong ngày, đoàn thanh tra thi của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã kiểm tra công tác thi ở Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Hồng Đào (Hóc Môn), THPT Tây Thạnh (Tân Phú) và THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi, động viên thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi, động viên thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận 1, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Ngày thi diễn ra vào ngày thứ bảy nên hầu hết các tuyến đường tại TPHCM thông thoáng, không xảy ra tình trạng kẹt xe. Thí sinh ở các hội đồng thi đến sớm hơn so với thời gian thi từ 15 - 30 phút.

Nhận định chung của các thí sinh dự thi năm nay là đề thi không khó. So với các đề thi thử mà nhà trường tổ chức trước đó có phần dễ hơn. Thí sinh Trác Văn, học sinh Trường THPT Hùng Vương dự thi tại Hội đồng thi Trường THCS Trần Bội Cơ, cho biết: “Môn Văn vào buổi sáng em làm bài khá tốt. Tuy nhiên, câu 1 sẽ thật sự là thử thách đối với các bạn học tủ. Bởi so với đề thi năm ngoái, câu 1 có nội dung tương tự, chỉ khác ở phần câu hỏi mà thôi”.

Thí sinh Thanh Trúc, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết thêm: “Câu nghị luận xã hội (câu 2 phần 1) có nội dung rất gần với chúng em. Tuy nhiên, câu trả lời hay hoặc dở lại phụ thuộc vào sự trung thực của mỗi bạn thí sinh. Theo em nghĩ, dám nhìn nhận sự dối trá từ chính bản thân và mọi người xung quanh, đồng thời đưa ra được những giải pháp cụ thể mà bản thân thực hiện được để bài trừ sự dối trá chính là nội dung đề thi muốn hướng tới”.

Sau hai buổi thi, hầu hết các thí sinh đều phấn khởi ra về vì đề thi tương đối dễ. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi tương đối dễ nên chỉ cần học lực trung bình sẽ đủ khả năng làm tốt 60% đề thi.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, ngày thi đầu tiên có 64 thí sinh (THPT) bỏ thi, ở hệ giáo dục thường xuyên buổi sáng vắng 333 thí sinh, buổi chiều 202 thí sinh (chủ yếu là những thí sinh tự do năm ngoái thi rớt nên năm nay đăng ký thi lại). Nhìn chung ở 109 hội đồng thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc. Chỉ có một trường hợp thí sinh là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Tân thi tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi.

Hôm nay 3-6, thí sinh tiếp tục thi môn Địa lý (buổi sáng) và Lịch sử (buổi chiều).

Bộ GD-ĐT: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Báo cáo nhanh về ngày thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng coi thi, phòng thi và thí sinh.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, đề thi của các môn Ngữ văn và Hóa học có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức với học sinh, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ của thí sinh. Đề thi Ngữ văn tiếp tục được ra theo hướng mở; đặc biệt, câu nghị luận xã hội được coi là thiết thực. Trong cả hai buổi thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt và không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi.

Toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, thành lập 2.307 hội đồng coi thi với tổng số 40.620 phòng thi, huy động 124.153 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả nước là 963.474, có 2.584 thí sinh không đến dự thi (tỷ lệ 0,76%), có 3 thí sinh không được dự thi do đến chậm quá 15 phút sau thời điểm tính giờ làm bài.

Ngày đầu tiên, cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi, 4 thí sinh GD THPT và 10 thí sinh GDTX bị đình chỉ thi.

Bộ này cho rằng, nhìn chung, ngày thi thứ nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Nhóm PV


Đề thi vừa sức

  • Môn Văn

Thạc sĩ Triệu Thị Huệ, tổ trưởng bộ môn Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nhận định: “Đề thi năm nay mang lại cảm giác khá yên tâm cho người dạy và người học. Các câu hỏi đề cập đến nhiều khu vực kiến thức khác nhau, đảm bảo được tính toàn diện và hợp lý với trình độ học sinh, phù hợp với cấu trúc đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành. Các câu nghị luận xã hội và văn học đều rất quen thuộc với thí sinh. Vì vậy, học sinh trình độ trung bình có thể làm được bài. Vấn đề đặt ra ở câu nghị luận tuy gần gũi nhưng thú vị, mang tính thời sự và giáo dục cao. Để làm tốt đề bài này, bên cạnh việc nắm chắc kỹ năng làm bài, học sinh cần trang bị tốt kiến thức xã hội, biết cách chọn dẫn chứng phù hợp phục vụ cho hệ thống lập luận của mình. Đây cũng là cơ hội để các em bộc lộ suy nghĩ, chính kiến về một vấn đề xã hội nhức nhối, đang thu hút sự quan tâm của toàn thể xã hội. Riêng câu 1 (2 điểm) mặc dù độ khó không cao song hơi dài. Những học sinh có thói quen học tủ, không đọc kỹ và nắm chắc tác phẩm sẽ không trả lời được trọn vẹn”.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong, quận 5, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thơ, Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa cho biết thêm: “Tuy bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng tất cả câu hỏi năm nay đều có tính chất mở, khả năng phân loại học sinh cao. Câu 1 chỉ hỏi về một chi tiết trong tác phẩm “Số phận con người” nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu và nắm chắc ý nghĩa toàn bộ tác phẩm. Câu 2 đề cập đến một vấn đề đạo đức trong xã hội, nội dung khá hay, góp phần giáo dục quan niệm sống nhân văn cho thế hệ trẻ, cảnh báo lối sống suy thoái đạo đức đang tồn tại phổ biến trong xã hội. Đây cũng là vấn đề không xa lạ với học sinh nên các em dễ viết, dễ làm. Câu 3b phân tích hình tượng sông Đà qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng viết văn tốt, biết chọn lựa và phân tích những câu từ sắc sảo trong tác phẩm”.

  • Môn Hóa

Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Trương Vy Việt Huyền, giáo viên Hóa, Trường THPT Thủ Đức, TPHCM cho biết: “Nhìn chung, đề thi Hóa năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa, tất cả các câu hỏi lý thuyết và thực hành đều nằm trong chương trình ôn tập của Bộ GD-ĐT. Trong đề có khoảng 60% câu hỏi kiểm tra thuần về mặt lý thuyết, 40% còn lại đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy, vận dụng kiến thức và làm các phép tính, chỉ có khoảng 2 - 3 câu hỏi “gài bẫy” thí sinh. Tuy nhiên, do có mức độ khó vừa phải nên chỉ cần ôn luyện tốt, thí sinh học lực trung bình, khá vẫn có thể làm được. Mặt khác, so với năm 2010, đề thi năm nay được đánh giá có phần phân hóa cao hơn, dự báo sẽ có rất nhiều điểm 8, 9 nhưng điểm 10 rất khó đạt được”.

Tương tự, thầy giáo Phạm Việt Anh, giáo viên Hóa, Trường Phổ thông Quốc tế VIS (Hà Nội) cũng cho biết, cấu trúc đề thi Hóa năm nay tương tự các năm trước, kiến thức về hóa vô cơ chiếm tỷ lệ nhiều hơn hóa hữu cơ. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ 2, các em vừa học xong nên rất dễ nhớ. Trừ 32 câu hỏi chung, còn lại 8 câu riêng được chia thành phần cơ bản và nâng cao nhưng thực chất, mức độ khó của câu hỏi giữa hai phần không chênh lệch nhiều. Học sinh trung bình chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt điểm 5, 6. Việc đạt điểm 8, 9 với học sinh khá, giỏi là không khó.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số giáo viên tại Hội đồng thi THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM), đề thi năm nay ít câu hỏi bài tập hơn so với các năm trước. Hầu hết bài tập ra đều thuộc dạng căn bản, không có bài tập nâng cao, mang tính chất đánh đố học sinh. Nhiều học sinh ban A tại hội đồng thi này chỉ mất 30 phút để hoàn thành bài thi, riêng thí sinh ban C khó khăn hơn một chút, nhưng việc đạt được điểm số 7, 8 cũng không quá khó.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục