Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012: Môn Toán vừa sức

Sáng nay, 4-6, các thí sinh tiếp tục hoàn thành môn thi thứ năm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012 - môn Toán với thời gian 150 phút.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012: Môn Toán vừa sức

(SGGPO). - Sáng nay, 4-6, các thí sinh tiếp tục hoàn thành môn thi thứ năm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2012 - môn Toán với thời gian 150 phút.

Hoàn thành môn thi Toán, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì đề Toán không dài, không khó, cơ bản là kiến thức đã học trong chương trình.

Thí sinh Bùi Thị Lan (trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đề thi bám sát chương trình học sinh đã được học, được ôn. Chỉ có ý 3 của câu 2 (1 điểm) là hơi lạ so với các bạn có học lực trung bình, vì câu này nằm ở kiến thức học kỳ 1, còn lại tất cả các câu khác đều dạng quen thuộc, học sinh hoàn toàn làm được hết nếu nắm chắc kiến thức toán lớp 12.

Thí sinh Nguyễn Văn Linh (trường THPT Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đối với em, đề Toán quá đơn giản. Em làm hết toàn bộ bài, chắc chắn đúng 100% và chỉ hết 2/3 thời gian. Em còn đủ thời gian để chép lại toàn bộ bài thi sang tờ giấy thi khác cho sạch sẽ. Đề này chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là làm tốt, vì không có câu nào khó và lạ.

Không chỉ ở Hà Nội, nhiều thí sinh khác ở Nam Định, Nghệ An, Thái Bình cũng chung nhận định, môn Toán là môn dễ kiếm điểm vì đề thi vừa sức thí sinh.

Thầy Ngọc ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Củ Chi trao đổi với các em học sinh sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng Thi Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thầy Ngọc ở Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Củ Chi trao đổi với các em học sinh sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng Thi Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Chiều nay, thí sinh sẽ hoàn thành môn thi cuối cùng (môn ngoại ngữ hoặc môn Vật lý đối với thí sinh chọn môn thi thay thế).

Chiều nay, vào lúc 17h, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ họp báo công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012.

 

Hà Nội: Thầy cô “đi thi” cùng sĩ tử

Tại Hội đồng thi trường THPT Trần Phú (Hà Nội) có một “đội hỗ trợ đặc biệt” hỗ trợ thí sinh. “Đội” này luôn túc trực ở cổng trường từ rất sớm, nhắc nhở từng em học sinh khi bước vào cổng trường xem có quên bút, dụng cụ phục vụ cho việc làm bài thi không.

Trước khi hết giờ làm bài khoảng 5 phút, đội hỗ trợ đã có mặt, hỏi từng em hiệu quả làm bài, nhắc các em đến đúng giờ trong buổi thi sau… Đó chính là nhóm thầy cô giáo của trường THPT Hoàng Diệu (Hà Nội).

Theo cô Nguyễn Thủy Lan – Hiệu phó trường THPT Hoàng Diệu, tại Hội đồng thi trường THPT Trần Phú có 116 học sinh của trường, nhà trường bố trí gần chục cán bộ, giáo viên đến từ sớm, động viên, nhắc nhở các em làm bài tốt. “Chúng tôi có danh sách học sinh, phụ huynh cũng như toàn bộ số điện thoại phòng khi các em đến muộn hay quên giấy tờ sẽ gọi điện nhắc nhở. Ngoài ra, hai điểm thi khác có học sinh của trường dự thi, trường đều cử cán bộ, giáo viên túc trực. Trước khi thi, trường đã tặng mỗi học sinh 2 bút bi, 1 bút chì và một thước kẻ. Riêng buổi thi môn Địa, chúng tôi mang khá nhiều Atlat theo dự phòng em học sinh nào quên sẽ phát cho các em”, cô Lan cho biết. Đây là hoạt động mà năm nào trường cũng tổ chức và với các em học sinh, điều này đã thực sự mang lại yên tâm, khích lệ rất lớn.

Đà Nẵng: Nhiều kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các địa phương khác

Hôm qua, 3-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã kiểm tra đột xuất tại hai Hội đồng Thi trường THPT Nguyễn Trãi (Quận Liên Chiểu) và Hội đồng Thi trường THCS Phan Đình Phùng (Quận Thanh Khê).

Thứ trưởng đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành giáo dục, chính quyền địa phương cùng các ban ngành có liên quan trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và kỷ luật trường thi.

Đà Nẵng đã có những biện pháp rất thiết thực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh yên tâm dự thi như cấm xe ben lưu thông vào các giờ cao điểm: từ từ 6-7 giờ và từ 12-13 giờ vào các ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên các tuyến đường trong nội thành có nhiều trường THPT.

Ở các Hội đồng thi đều có phòng riêng để cho thí sinh gửi túi xách, mũ nón, tài liệu và các vật dụng không được phép mang vào phòng thi. Hội đồng thi nào cũng đều mở cửa phòng thi để cho những học sinh ở xa có thể nghỉ lại buổi trưa tại trường. Ngoài ra, 22 em học sinh dân tộc thiểu số của trường Phạm Phú Thứ đã được nhà trường bố trí giáo viên phụ trách đưa đón, ăn ở cho các em trong suốt các ngày thi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, chính sự chuẩn bị chu đáo, chi tiết trong việc hướng dẫn công tác tổ chức thi và coi thi nên các Hội đồng thi của Đà Nẵng đảm bảo tốt khâu an ninh trật tự, an toàn và rất nghiêm túc; không có giám thị và thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Phụ huynh đợi con đi thi phải đứng cách xa cổng trường thi tối thiểu là 100m; hiện tượng phát tờ rơi, quảng cáo xung quanh khu vực thi đã được hạn chế tối đa. Đây là những kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các địa phương khác.

Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế: 100% thí sinh không vi phạm quy chế thi

10 giờ sáng nay 4-6, thống kê từ Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 16 thí sinh bỏ thi, trong đó, 13 thí sinh THPT bỏ thi và Bổ túc THPT có 3 thí sinh bỏ thi; số thí sinh bị ốm không thể dự thi là 6 em. Tình hình an ninh trật tự ở các hội đồng thi đảm bảo an toàn. Không có trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi.

Ông Tôn Thất Viễn Tương, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vẫn chưa có thí sinh cũng như giám thị bị lập biên bản vi phạm quy chế thi.

Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Báo SGGPO, sáng nay 4-6, phụ huynh và thí sinh vẫn vì bị các loại hình dịch vụ như: luyện thi, xem điểm thi níu kéo để phát tờ rơi quảng bá.


        Văn Thắng

P.THẢO

Tin cùng chuyên mục