Vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang: Sự thật đau đớn nhưng đắt giá

Vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang: Sự thật đau đớn nhưng đắt giá

Hàng năm, khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, lại có nhiều thông tin cho rằng kỳ thi diễn ra không thực sự nghiêm túc. Đó cũng là lý do mà xã hội kiên quyết phản đối ý tưởng về một kỳ thi “2 trong 1” (lấy kết quả thi tốt nghiệp xét vào ĐH-CĐ) mà ngành giáo dục manh nha đưa ra.

Bài học đắt giá

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của thí sinh, thậm chí của nhiều giám thị coi thi về chuyện thí sinh vẫn thoải mái mang tài liệu vào phòng thi. Tại nhiều phòng thi, thí sinh vô tư quay cóp còn giám thị chỉ nhắc nhở, thu hồi tài liệu mà không đình chỉ thi. Hình ảnh phao thi được học sinh vứt lại rải rác khắp các hội đồng coi thi ở nhiều nơi trong cả nước cũng được báo chí phản ánh bằng hình ảnh sinh động.

Thế nhưng, toàn bộ những phản ánh đó dường như đi ngược hoàn toàn với báo cáo của Bộ GD-ĐT về “một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” với chỉ 34 thí sinh và 8 giám thị bị đình chỉ thi. Sau kỳ thi, mặc cho báo chí mạnh mẽ lên tiếng phản ánh về việc thiếu nghiêm túc ở nhiều nơi nhưng những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng, đó chỉ là phản ánh, còn Bộ GD-ĐT thì.. cần chứng cứ.

Và đúng là chứng cứ đã có ngay sau khi kỳ thi kết thúc. Những hình ảnh từ clip gian lận thi cử ở Bắc Giang đã khiến xã hội sốc, còn những người làm công tác quản lý Nhà nước thì “giật mình”, “buồn bã”, “đáng tiếc”. Dĩ nhiên, khi sự việc xảy ra, những người có trách nhiệm liên quan thường bị quy trách nhiệm. Ở đây, Sở GD-ĐT Bắc Giang phải là người đứng mũi chịu sào đầu tiên. Việc Sở GD-ĐT Bắc Giang ngay lập tức thừa nhận sự thật, tiến hành xác minh vụ việc, bước đầu xử lý người trực tiếp liên quan đã phần nào giải tỏa cơn sốc của dư luận.

Lời giải được gửi từ bên ngoài vào phòng thi, thí sinh chép vô tư (Ảnh chụp từ clip).

Lời giải được gửi từ bên ngoài vào phòng thi, thí sinh chép vô tư (Ảnh chụp từ clip).

Việc cả Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, công an tỉnh này khẩn trương vào cuộc để chỉ đạo giải quyết, điều tra cũng khiến dư luận tin rằng vụ việc này sẽ không chìm xuồng. Một phần nào đó, Bộ GD-ĐT “may mắn” khi năm nay là năm đầu tiên thực hiện phân cấp, giao quyền chủ động cho địa phương trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, nên trách nhiệm xử lý chính sẽ thuộc về tỉnh Bắc Giang mà không phải thuộc về bộ.

Tuy vậy, từ vụ việc có thể thấy, Bộ GD-ĐT đã có một bài học đắt giá về việc trao sự chủ động cho các địa phương trong kỳ thi này. Vì ngay trước khi diễn ra kỳ thi năm nay, nhiều ý kiến đã lo ngại, với việc trao quyền chủ động, bộ lại rút hết thanh tra cắm chốt, các địa phương có thể để xảy ra nhiều tiêu cực vì sức ép thành tích.

Phải xử lý nghiêm

Theo ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vụ lộn xộn liên quan đến clip quay cóp, ném bài trong phòng thi ở Bắc Giang, lỗi đầu tiên là ở người lớn vì thiếu nghiêm minh. “Sau việc này, ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm, quán triệt trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các tỉnh khi được phân cấp”, ông Bành Tiến Long phân tích.

Trao đổi với chúng tôi bên lề Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng: “Khi làm bài thi dối trá mà kết quả vẫn được chấp nhận thì những học sinh đó ra đời khó trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt. Đây là sự thật đau đớn nhưng ngành giáo dục phải thừa nhận”.

Dư luận đều đang chờ đợi những người vi phạm phải bị xử lý nghiêm. “Sự gian dối trong ngành giáo dục có tác động đặc biệt, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách học sinh. Dĩ nhiên tỉnh Bắc Giang phải xử nghiêm vụ này nhưng Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem lại, nếu vụ việc không phải cá biệt mà là phổ biến thì lãnh đạo ngành giáo dục phải xem xét về việc hoàn thành nhiệm vụ tới đâu”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho biết.

Ông Bành Tiến Long cũng cho rằng, vì vụ việc xảy ra trong năm đầu tiên phân cấp cho tỉnh về thi tốt nghiệp THPT, nên ngành giáo dục cần rút kinh nghiệm nhiều. “Sau vụ này, bộ nên kiểm tra trong toàn ngành xem địa phương nào làm tốt, chưa tốt. Việc chấm thẩm định nên chấm nhiều hơn ở những năm đầu tiên phân cấp để xem độ chính xác ra sao”, ông Long đề nghị.

Tuy buồn lòng về thực tế tiêu cực thi cử hiện nay nhưng GS Văn Như Cương vẫn tin rằng vụ việc ở Bắc Giang chỉ là cá biệt. “Phao thi có thể còn nhiều, học sinh quay cóp không ít nhưng gian lận thi cử có tổ chức, sắp xếp và có đồng thuận cao như vụ việc ở Bắc Giang có lẽ hiếm. Vì vậy cần xử lý thật nghiêm để có tác dụng răn đe. Nếu ở đâu cũng gian lận kiểu như ở Bắc Giang thì quá nguy hiểm cho nền giáo dục nước nhà”, GS Văn Như Cương nói.

 GS Văn Như Cương thẳng thắn cho rằng, cuộc vận động “2 không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) đã phá sản từ lâu, thậm chí ngay từ lúc nó mới ra đời. Ông lý giải, năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện “2 không”, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó chỉ đạt tỷ lệ đậu 66,7% thay vì trên 90% những năm trước đó. Có tỉnh tỷ lệ đậu dưới 15% (Tuyên Quang), có trường THPT 100% thí sinh rớt tốt nghiệp (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Quảng Ngãi).

“Tôi cho đó là kết quả thực chất, phản ảnh đúng trình độ học sinh. Nhưng xã hội chưa kịp tin tưởng thì Bộ GD-ĐT đã nghĩ ra đợt thi “vớt” (tiền lệ chưa bao giờ có) để cứu trên nửa triệu học sinh rớt tốt nghiệp năm đó. Kết quả, cơ bản những thí sinh trượt đợt 1 đều đỗ đợt 2. Quyết định cho thi đợt 2 là dấu hiệu thất bại đầu tiên của “2 không”, vì nó vẫn chưa thoát được bệnh thành tích. Chính những người dám đứng lên chống tiêu cực trong thi cử cuối cùng vẫn run, không làm đến nơi đến chốn”, GS Văn Như Cương nói.

LÂM NGUYÊN

Thông tin liên quan

>>Sẽ sớm công bố kết quả điều tra vụ gian lận thi cử ở Bắc Giang

>>Công an Bắc Giang điều tra xác minh đoạn clip tiêu cực phòng thi

Tin cùng chuyên mục