Bùng nổ du học tự túc - Thị phần màu mỡ

Đổ tiền vào du học
Bùng nổ du học tự túc - Thị phần màu mỡ

Hiện Việt Nam có trên 100.000 du học sinh đang học tập, nghiên cứu tại các nước trên thế giới, trong đó hơn 90% là du học tự túc. Nếu tính bình quân mỗi du học sinh tốn chi phí học tập ở nước ngoài khoảng từ 20.000 - 40.000 USD/năm thì nguồn ngoại tệ đổ vào lĩnh vực du học “khủng” cỡ nào?

Giới trẻ tìm hiểu nền giáo dục Malaysia tại triển lãm giáo dục do Sở GD - ĐT TPHCM tổ chức. Ảnh: Mai Hải

Giới trẻ tìm hiểu nền giáo dục Malaysia tại triển lãm giáo dục do Sở GD - ĐT TPHCM tổ chức. Ảnh: Mai Hải

Đổ tiền vào du học

Những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở Việt Nam đều vạch lộ trình đầu tư cho con cái đi du học ngay từ khi con mới bước vào bậc tiểu học. Ngoài chuẩn bị hành trang ngoại ngữ - tiếng Anh ở môi trường dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, nhiều gia đình cho con làm quen với môi trường học tập tiên tiến, hiện đại ở các trường quốc tế hoặc dạy chương trình quốc tế. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh Việt Nam có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn, được trang bị các kỹ năng cần thiết để hội nhập nền giáo dục tiên tiến không ngừng gia tăng. Không chỉ có gia đình khá giả, có dư 1 - 2 căn nhà mới mạnh dạn đầu tư cho con đi du học mà nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình khá cũng ấp ủ giấc mơ, tìm mọi cách cho con đi nước ngoài học tập, kể cả vay mượn tiền ngân hàng lẫn bán nhà. Chị Nguyễn Thị Hoàng nhà ở quận Tân Bình chỉ có một căn nhà phố duy nhất nhưng quyết định bán, chuyển đến ở một căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, dành tiền cho con trai đi du học ở Mỹ. Thực tế này cho thấy nhu cầu và khát khao cháy bỏng cho con cái đi du học-thụ hưởng tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến của các gia đình Việt Nam rất lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT), những năm gần đây số lượng du học sinh (DHS) Việt Nam tăng nhanh và hiện có trên 100.000 sinh viên, học sinh đang du học ở 47 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số này chỉ có khoảng 10% là du học bằng ngân sách, chương trình học bổng hiệp định chính phủ, tổ chức nước ngoài cấp cho Việt Nam… còn lại là du học tự túc. Theo thống kế, số lượng DHS tập trung học nhiều nhất ở Australia (25%), Mỹ (16%), Trung Quốc (13%), còn lại là các nước khác như Canada, New Zeland, Anh, Nhật… Theo số liệu mới nhất của báo cáo trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors, trong năm học 2012 - 2013, số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại các trường cao đẳng, đại học của Mỹ tăng thêm 3,4% với 16.098 người, đứng thứ 8 trong số các nước có đông sinh viên học tại nước này. Ở chiều ngược lại, chỉ có 878 sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập, chủ yếu là học tiếng Việt.

Các du học sinh Việt Nam của Worldlink Education đạt thành tích xuất sắc tại Trường trung học nội trú St.Croix, Mỹ. Ảnh: HOA LAU

Các du học sinh Việt Nam của Worldlink Education đạt thành tích xuất sắc tại Trường trung học nội trú St.Croix, Mỹ. Ảnh: HOA LAU

Mừng hay lo?

Điểm qua các trường THPT có tên tuổi, thương hiệu ở TPHCM sẽ thấy làn sóng đi du học tăng chóng mặt trong thời gian gần đây. Điển hình như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), Trường THPT Lê Quý Đôn)…, mỗi năm “mất” ít nhất từ 1 - 2 lớp cuối cấp. Theo thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, bình quân mỗi năm, có khoảng 100 học sinh khối lớp 12 của trường đi du học bằng con đường tự túc hoặc “săn” học bổng và nhà trường chỉ biết ký hồ sơ chứ không biết rõ các em đi nước nào, học ngành gì. Nhìn hàng trăm, hàng ngàn học sinh giỏi ngoại ngữ, học lực khá giỏi ùn ùn đi du học từ kết thúc lớp 11 đến đầu năm lớp 12 hoặc vừa tốt nghiệp THPT, nhiều hiệu trưởng không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối. Với họ, bên cạnh niềm vui, sự tự hào vì học trò của mình có được đào tạo kiến thức nền tốt, chủ động trang bị hành trang ngoại ngữ, kỹ năng mềm để có thể hội nhập với nền giáo dục tiên tiến thì nỗi lo, niềm trăn trở cũng nặng trĩu. Đó là trong số học trò giỏi sáng giá ở các trường hoặc các trường ĐH đã đi du học sẽ có bao nhiêu em quay về nước?

Hội nhập với nền giáo dục quốc tế đang trở thành xu thế toàn cầu, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển và có nền giáo dục chậm đổi mới như Việt Nam. Thế nhưng, khi nhà nhà có điều kiện đều muốn cho con cái đi du học thì chúng ta mừng hay lo? Như các chuyên gia giáo dục đã phân tích, nguyên nhân đẩy nhu cầu này tăng cao ở Việt Nam là do phụ huynh, người học chưa tin tưởng vào nền giáo dục, chất lượng đào tạo ở bậc đại học. Dù đang cố gắng chuyển mình, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhưng đến bao giờ Việt Nam mới có trường ĐH lọt vào tốp khu vực và tốp 500 trên thế giới? Theo TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM), cách đây khoảng 10 năm, Trung Quốc cũng đau đầu với tình trạng “bùng nổ” du học với hàng trăm ngàn sinh viên tìm đường đi du học mỗi năm. Thế nhưng, bây giờ làn sóng du học đã giảm nhiệt. Bí quyết thành công của họ là biết cách cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong nước, mở rộng cánh cửa đầu tư, liên kết đào tạo quốc tế một cách hiệu quả.

Ở góc độ khác, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Công ty Hợp Điểm, nhận định: “Ngày nay không chỉ có giới trẻ ở các nước phát triển đến các nước tiên tiến học tập mà bản thân sinh viên các nước này cũng qua nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển để học. Người ta gọi đó là trao đổi giáo dục quốc tế - một phần của xu thế toàn cầu hóa và xuất khẩu giáo dục phát triển mạnh mẽ là tất yếu. Như thế Việt Nam có số lượng DHS tăng nhanh là điều đáng mừng”. Trên thực tế, số lượng DHS Việt Nam mới chiếm khoảng 1% so với tổng số sinh viên cả nước và thay vì “hốt hoảng” với những con số nhập siêu giáo dục, chúng ta thử hỏi nhà nước đã có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài như thế nào để tận dụng nguồn lực chất xám được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về?

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục