Cứu sự tan rã của nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập: Cách nào?

Vấn đề các trường ĐH-CĐ ngoài công lập khó khăn trong tuyển sinh đã diễn ra vài năm gần đây, đặc biệt trong năm 2012, nhiều trường tuyển sinh không được và đứng trước nguy cơ tan rã. Trước tình hình đó, mới đây Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã gửi kiến nghị khẩn lên Thủ tướng đề nghị có hướng để tháo gỡ khó khăn cho các trường, tránh nguy cơ đổ vỡ.
Cứu sự tan rã của nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập: Cách nào?

Vấn đề các trường ĐH-CĐ ngoài công lập khó khăn trong tuyển sinh đã diễn ra vài năm gần đây, đặc biệt trong năm 2012, nhiều trường tuyển sinh không được và đứng trước nguy cơ tan rã. Trước tình hình đó, mới đây Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã gửi kiến nghị khẩn lên Thủ tướng đề nghị có hướng để tháo gỡ khó khăn cho các trường, tránh nguy cơ đổ vỡ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 5-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì cuộc họp giữa bộ và hiệp hội để giải quyết vấn đề này. Nhưng xem ra, các giải pháp mà 2 bên tìm được tiếng nói chung vẫn chỉ mang tính tình thế và để các trường ngoài công lập phát triển được, cần nhiều hơn thế.

  • “Nới” điểm sàn

Cuộc họp diễn ra trong không khí thẳng thắn, cởi mở, có cả những bức xúc dồn nén. Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để các trường ngoài công lập tuyển sinh được và cơ chế chính sách nào để các trường ngoài công lập tháo gỡ được những khó khăn hiện nay, nhất là các cơ chế về đất đai, thuế.

Tại buổi họp, Hiệp hội các trường ngoài công lập một lần nữa phản ánh việc tuyển sinh khó khăn của mình trong vài năm gần đây, nhiều trường đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động mà trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ cách thức tuyển sinh hiện hành mà Bộ GD-ĐT đang áp dụng. Từ đó, hiệp hội kiến nghị mấy điểm đổi mới tuyển sinh: Về lâu dài, nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH-CĐ thành 1 kỳ thi, bộ tổ chức tốt kỳ thi “2 trong 1” để các trường lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ mà không cần tổ chức thi. Trước mắt, hiệp hội kiến nghị Bộ GD-ĐT bỏ cơ chế điểm sàn chung hiện nay vì bất hợp lý, nguồn tuyển bị thu hẹp, các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.

Sinh viên Trường Đại học Văn Lang trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Trường Đại học Văn Lang trong giờ học nhóm. Ảnh: MAI HẢI

Tất cả các kiến nghị liên quan đến tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong cuộc họp báo chiều qua 5-3 là “Bộ ủng hộ tất cả các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, có thể thi hay xét tuyển, miễn hợp lý, bảo đảm công bằng, không để xảy ra tiêu cực, không tái diễn luyện thi”. Tuy nhiên, ông Ga cũng lưu ý hiệp hội về kiến nghị xét tuyển ĐH-CĐ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Năm nay lần đầu tiên bộ cho phép 10 trường nghệ thuật tuyển sinh riêng, trong đó có môn Văn không phải thi mà xét tuyển trên điểm tổng kết 3 năm, thế nhưng điều này cũng đã bị dư luận phản ứng. Mới chỉ xét tuyển 1 môn, trong một diện hẹp nhưng dư luận vẫn còn lo lắng, nếu xét tuyển ở tất cả các môn, cho tất cả các trường chắc chắn dư luận rất lo lắng. Theo tôi, hiệp hội nên cân nhắc về kiến nghị này”, ông Ga cảnh báo.

Vẫn ông Ga cho rằng, hiện chưa thể ghép kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ vào làm một ngay từ năm 2013 như kiến nghị của hiệp hội vì tính chất 2 kỳ thi này quá khác biệt, nếu thực hiện ghép thì tính chất kỳ thi thay đổi, nên phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu thận trọng. Bộ vẫn bảo lưu quan điểm từ nay đến 2015 vẫn thi ĐH-CĐ theo “3 chung” và có một số điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Sau 2015 sẽ có phương án tuyển sinh lâu dài, đơn giản, bảo đảm nâng cao chất lượng. Vì thế có tổ chức kỳ thi “2 trong 1” hay không, hay thi theo phương thức nào vẫn phải tính toán, sau 2015 mới quyết định.

Ông Ga cũng lưu ý các trường ngoài công lập: ngay trong năm 2013, nếu trường nào trình được phương án tuyển sinh riêng hợp lý sẽ được bộ chấp thuận. Nhưng đừng vì lợi ích trước mắt mà có phương án tuyển dễ dãi. Luật Giáo dục đại học không cấm trường tuyển sinh riêng, nhưng nếu điểm vào quá thấp sẽ khiến xã hội nghi ngờ, quan trọng là các trường đừng vì lợi ích trước mắt, phải biết giữ uy tín cho mình.

Liên quan đến vấn đề điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga tái khẳng định, bộ không phân biệt trường công hay trường tư, vì thế thi theo “3 chung” thì điểm sàn phải là duy nhất, các trường ngoài công lập không thể có điểm sàn riêng. Tuy nhiên, năm nay bộ sẽ cân nhắc, tính toán mức điểm sàn hợp lý hơn các năm trước, vừa đáp ứng ngưỡng đầu vào ĐH-CĐ, vừa có nguồn tuyển dồi dào để các trường ngoài công lập tuyển sinh. Nếu bộ có cơ chế đặc thù về điểm sàn cho các trường ngoài công lập, tức là cho phép có mức điểm sàn thấp hơn thì dẫn đến việc tuyển sinh sẽ dễ dãi hơn. Điều này có thể giải quyết tình thế cho các trường trong 1-2 năm tới nhưng hậu quả về sau là khôn lường, lúc đó nếu tuyển sinh dễ dãi, đầu ra dễ dãi thì xã hội càng quay lưng với ngoài công lập, lúc đó khắc phục hậu quả là không thể.

  • Kiến nghị giảm thuế

Cùng với vấn đề tuyển sinh, hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT, Chính phủ cần tháo gỡ những khó khăn về đất đai, thuế để tránh dẫn đến nguy cơ tan vỡ của hệ thống. Thực tế, cơ chế cho các trường ngoài công lập hiện nay chưa thực hiện tốt ở các địa phương, đơn cử như chưa có trường nào được giao đất sạch; các trường vẫn phải đóng thuế 25%; hầu hết các trường được giao đất xa khu dân cư nên rất khó thu hút người học; cùng là sinh viên nhưng sinh viên ngoài công lập không được hưởng kinh phí đào tạo mà Nhà nước đầu tư như sinh viên công lập... Với những kiến nghị này, Bộ GD-ĐT thừa nhận đó là cái khó cho các trường ngoài công lập. Vì thế bộ sẽ tổng hợp kiến nghị của hiệp hội để đề xuất Chính phủ tháo gỡ. Cụ thể, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các trường ngoài công lập được hưởng mức thuế 10% thay vì 25%; các sinh viên ngoài công lập có điểm đầu vào cao được hưởng kinh phí đầu tư của Nhà nước; quy định các địa phương phải giao đất sạch cho nhà đầu tư…

Như vậy, cuộc họp cũng mới chỉ dừng ở “sản phẩm” là những ghi nhận để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, ngay trong năm 2013 này, các trường ngoài công lập có thể được “dễ thở” hơn trong tuyển sinh khi Bộ GD-ĐT cam kết có mức điểm sàn hợp lý hơn. Chính phủ cũng có thể sẽ xem xét để tạo cơ chế thuận lợi hơn về thuế, đất đai để các trường phát triển. Nhưng có thể khẳng định, sự quyết tâm của các trường trong xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo vẫn phải là yếu tố quyết định để đi đường dài, thay vì chỉ những tháo gỡ trước mắt của Bộ GD-ĐT về cách tuyển sinh. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục