Sách tham khảo ngành giáo dục không được cẩu thả

Tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc nhiều sách tham khảo dành cho trẻ em có in hình cờ Trung Quốc. Xung quanh vụ việc này phát sinh nhiều vấn đề được đặt ra. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP chung quanh vấn đề này.
Sách tham khảo ngành giáo dục không được cẩu thả

Tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm việc nhiều sách tham khảo dành cho trẻ em có in hình cờ Trung Quốc. Xung quanh vụ việc này phát sinh nhiều vấn đề được đặt ra. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của PV Báo SGGP chung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Ông suy nghĩ gì về vụ sách tham khảo in hình cờ Trung Quốc mà công luận xôn xao tuần qua?

* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Theo tôi cần phân biệt rõ từng vấn đề. Thứ nhất, nếu là cuốn sách đó mua bản quyền để dịch và họ không cho phép sửa đổi thì người làm sách phải tôn trọng bản quyền. Trong trường hợp này, nếu 2 nước có quan hệ ngoại giao thì hiển nhiên phải tôn trọng quốc kỳ của nhau, vì vậy nếu chúng ta có thái độ kỳ thị quốc kỳ của bất cứ quốc gia nào đều không nên. Đó là chưa kể, trong quá trình dạy dỗ trẻ nhỏ chúng ta cũng có thể dạy cho các cháu cách phân biệt quốc kỳ của các nước, vì vậy cũng không nên có thái độ thái quá hoặc kích động trong việc phân biệt quốc kỳ các nước. Nhưng nếu cuốn sách do tác giả Việt Nam viết nhưng lại sai về quốc kỳ thì không thể chấp nhận được.

Cho nên ở đây, tôi cho rằng không nên có thái độ kích động quá trong việc phân biệt quốc kỳ, chúng ta quan hệ ngoại giao với họ thì phải công nhận quốc kỳ của họ. Trẻ cũng cần được dạy để biết quốc kỳ của nhiều nước khác nhau. Vấn đề là không để xảy ra sai sót. Nếu cuốn sách của Việt Nam mà in sai quốc kỳ nước khác mới là điều không thể chấp nhận.

Ông Đào Trọng Thi.

Ông Đào Trọng Thi.

* Nhiều ý kiến đồng ý là phải tôn trọng bản quyền. Nhưng ở đây, đối với cuốn sách thứ nhất, “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của NXB Dân Trí thì bà Ngô Thị Hợp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT nói qua kiểm tra hợp đồng, thấy phía đối tác cho phép nhà xuất bản được điều chỉnh nội dung. Vậy người làm sách ở phía Việt Nam có nên bắt buộc phải tôn trọng bản quyền để phát hành một cuốn sách gây phản cảm xã hội như vậy?

* Về cuốn sách này, theo tôi khi làm sách dịch, nếu họ cho phép điều chỉnh nội dung thì nên điều chỉnh, biên tập lại cho phù hợp với chúng ta. Thậm chí người làm sách có thể dựa trên nội dung của họ để viết lại nội dung cho phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em Việt Nam. Mặt khác, cái sai của cuốn sách này khiến dư luận bất bình đó là sự thiếu minh bạch, nhập nhèm trong giới thiệu nội dung. Nếu đã tuân theo bản quyền, nhà xuất bản phải nói rõ cuốn sách dựa trên nội dung của Bộ GD-ĐT Trung Quốc, được giới thiệu bởi các tác giả Trung Quốc, như thế mới sòng phẳng.

* Còn ở cuốn sách thứ 2 là cuốn “Bé làm quen với chữ cái” của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại học Sư phạm đã mắc sai sót khi để “lọt sạn” (được phát hiện có in cờ Trung Quốc) thì sao? Vì đó là một cuốn sách do tác giả là người Việt Nam viết?

* Đúng là cuốn này do tác giả Việt Nam viết mà in cờ Trung Quốc như thế là không nên. Tại sao lại có sự sai sót này? Cũng có thể các tác giả dựa trên một cuốn sách của Trung Quốc nên đã sơ ý không chỉnh sửa. Đây là sai sót không chấp nhận được, thể hiện sự thiếu thận trọng, cách làm sách cẩu thả của tác giả và những người liên quan. Đó cũng là điều khiến dư luận đặt vấn đề không cẩn trọng trong làm sách hiện nay, nhất là sách tham khảo dành cho trẻ nhỏ.

* Vậy theo ông cách nào để quản lý đội ngũ những người làm sách tham khảo hiện nay. Vì thực tế đang có một ma trận sách tham khảo, trong đó có nhiều sách kém chất lượng và các em học sinh, phụ huynh thì không dễ trở thành “người chọn sách thông thái”?

* Theo quy định hiện nay các tổ chức, cá nhân được làm sách, miễn là sách in ra không vi phạm. Nhưng có một thực tế nhức nhối hiện nay là sách tham khảo rất nhiều, lại có sự lập lờ. Sách tham khảo nhưng lại bị coi là sách bắt buộc. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã từng có một cuộc khảo sát và có ý kiến về vấn đề này. Trong vấn đề này, Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo rõ ràng sách giáo khoa là bắt buộc và nhà trường không được giới thiệu sách tham khảo. Hiện đang có tình trạng lợi dụng hệ thống nhà trường để phát hành sách tham khảo khiến nhiều giáo viên, phụ huynh ngộ nhận đó là sách bắt buộc phải mua và sử dụng. Việc này ngành giáo dục phải hết sức quyết liệt ngăn chặn.

Học sinh đang lựa chọn sách tham khảo. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh đang lựa chọn sách tham khảo. Ảnh: MAI HẢI

Dĩ nhiên, sách tham khảo là cần thiết, phụ huynh và học sinh đều có nhu cầu nhưng vấn đề là chúng ta phải có sự định hướng lựa chọn. Về phía phụ huynh, chúng ta cũng không thể can thiệp được nhu cầu lựa chọn sách tham khảo của họ, nên điều quan trọng là ngành giáo dục giúp định hướng cho phụ huynh và chính bản thân các bậc phụ huynh cũng phải cẩn trọng trong việc lựa chọn sách tham khảo cho con em mình, nhất là sách cho các cháu bé.

* Như ông phân tích thì rõ ràng phải có giải pháp để khắc phục tình trạng làm sách tham khảo cũng như sử dụng sách tham khảo. Theo ông đâu là giải pháp hiệu quả?

* Để khắc phục tình trạng này, trước hết phải xuất phát từ các nhà xuất bản. Chưa vội nói đến vì lợi ích cộng đồng, xã hội mà họ phải vì uy tín, lợi ích của chính họ khi làm sách. Các nhà xuất bản phải có trách nhiệm làm ra những cuốn sách tốt đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người đọc. Tiếp đó chúng ta sử dụng công cụ quản lý nhà nước, nhà xuất bản thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó phải đứng ra xử lý nếu để xảy ra sai phạm. Như vừa qua trong số các cuốn sách có in hình cờ Trung Quốc, Bộ GD-ĐT đã ngay lập tức chỉ đạo Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tiến hành xử lý cuốn sách thứ 2, như thế là kịp thời.

Còn đối với những cuốn như “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của Nhà xuất bản Dân Trí chẳng hạn, dù không có cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra xử lý, nhưng bản thân Nhà xuất bản Dân Trí vì muốn giữ uy tín của chính mình, họ cùng với đối tác liên kết làm sách phải ngay lập tức giải quyết hậu quả. Đó là sự tự điều chỉnh của xã hội. Có một nguyên tắc chung là để xử lý theo quy định của pháp luật cần phải đủ căn cứ để xử lý, còn không phải dùng đến phản ứng của xã hội để xử lý, tự điều chỉnh. Vì vậy, tôi vẫn tin là các nhà xuất bản muốn có uy tín, muốn có được sự lựa chọn của người tiêu dùng họ phải tự điều chỉnh để làm sách tốt hơn. Còn lại, như tôi đã nói, hiện đang có tình trạng lợi dụng để đưa sách tham khảo vào nhà trường, vấn đề này ngành giáo dục phải ngăn chặn triệt để. Cuối cùng là phụ thuộc vào sự cẩn trọng trong lựa chọn mua sách của các bậc phụ huynh cho con em mình.

* Xin cảm ơn ông! 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục