Ngày 9-7, trên 612.000 thí sinh thi ĐH đợt 2

Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành cuối giờ chiều  8-7,  đợt thi thứ 2 có 125 trường đại học (ĐH) tổ chức thi với số điểm thi là 1.050 và 24.407 phòng thi. Số thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 là  829.861 em, nhưng trong ngày làm thủ tục dự thi hôm nay chỉ có 612.237 thí sinh đến làm thủ tục, đạt 73,78%. Như vậy, số lượng thí sinh thi đợt 2 thấp hơn đợt 1 (đợt 1 có trên 650.000 thí sinh tham dự thi).
Ngày 9-7, trên 612.000 thí sinh thi ĐH đợt 2

(SGGPO). – Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành cuối giờ chiều  8-7,  đợt thi thứ 2 có 125 trường đại học (ĐH) tổ chức thi với số điểm thi là 1.050 và 24.407 phòng thi. Số thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 là  829.861 em, nhưng trong ngày làm thủ tục dự thi hôm nay chỉ có 612.237 thí sinh đến làm thủ tục, đạt 73,78%. Như vậy, số lượng thí sinh thi đợt 2 thấp hơn đợt 1 (đợt 1 có trên 650.000 thí sinh tham dự thi).

Do đợt 1 đã có 2 trường hợp thi hộ (ở Học viện An ninh và ĐH Phòng cháy chữa cháy), nên trong đợt thi ĐH thứ 2 này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tăng cường đốc thúc giám thị phải quản lí chặt khâu đối chiếu chứng minh nhân dân, thẻ dự thi và quan sát kỹ thí sinh trực tiếp đến dự thi.

Nhận được chỉ đạo này của Bộ, ĐH Nội vụ Hà Nội đã quát triệt: Trường hợp có nghi ngờ, giám thị có thể hỏi một vài thông tin cá nhân... để phát hiện kịp thời. Tương tự, tại Học viện Báo chí Tuyên truyền, trường đã tập huấn cho cán bộ coi thi để để phòng gian lận thi cử.

Thí sinh tí hon mơ ước thành nhà báo

Trong buổi làm thủ tục dự thi, PV Báo SGGP Online đã gặp thí sinh bị dị tật bẩm sinh với chiều cao chưa đầy 1m là Nguyễn Thị Hải Yến (Hải Dương). Yến đã “trốn” gia đình để dự thi tại trường Đại Học Khoa học Xã hội và nhân văn, thuộc ĐHQG Hà Nội. Thí sinh “tí hon” dự thi chuyên ngành báo chí với mong ước trở thành một nhà báo. Điều đặc biệt là Yến giấu gia đình, một mình đi xe bus từ Hải Dương lên Hà Nội dự thi. Yến cho biết, em sinh ra trong một gia đình bần nông nghèo khó, bị dị tật bẩm sinh từ người cha từng là bộ đội tại chiến trường Tây Nguyên.

“Tạo hóa ban cho em một cơ thể kém may mắn, nhưng bù vào đó em có nghị lực, có sức khỏe và có ước mơ. Em muốn được đứng vững trên đôi chân của mình và cố gắng sống cho ước mơ hoài bão đó”, Yến chia sẻ.

Thực tế, trong suốt 12 năm học, Yến luôn là học sinh khá giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các môn khối C em đều đạt điểm cao (Văn: 9; Địa 9,5).

*Sáng nay 8-7, các thí sinh khối B, C, D và khối năng khiếu đã có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi Đại học đợt 2.

Tương tự đợt 1, trong sáng nay, thí sinh làm thủ tục dự thi, nhận phòng thi, nhận thẻ dự thi, sửa chữa những sai sót trong đăng kí dự thi, nghe phổ biến Quy chế thi. Hội đồng tuyển sinh các trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến làm thủ tục. Các sai sót trong Giấy báo dự thi của thí sinh được trường chủ động xử lý kịp thời. Ngoài ra, cùng với việc phổ biến quy định về thiết bị ghi âm, ghi hình, rút kinh nghiệm từ đợt thi đầu tiên, những thí sinh bị đình chỉ chủ yếu do mang điện thoại di động vào phòng thi, các giám thị khi phổ biến quy chế thi đều nhấn mạnh đến nội dung này, hạn chế thấp nhất những lỗi đáng tiếc xảy ra đối với các thí sinh.

Là đợt thi có nhiều môn thi tự luận, công tác coi thi cũng được tăng cường. Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, trưởng Ban chỉ đạo tuyển snh ĐH-CĐ 2013, các Hội đồng thi phải quán triệt lại qui chế thi đối với tất cả cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh; báo cáo về ban chỉ đạo quốc gia những tình huống bất thường chưa có trong quy chế để được hướng dẫn xử lý. Đồng thời, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh mang các thiết bị được phép vào phòng thi, không được gây khó khăn cho thí sinh.

Sáng mai, 9-7, thí sinh cả nước bước vào thi môn đầu tiên của đợt 2. Cụ thể, thí sinh khối B, D sẽ thi Toán, khối C thi Địa. Các môn thi này đều theo hình thức tự luận.

Năm nay là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT thay đổi thứ tự các môn thi của khối B, C, D để giúp thí sinh bớt căng thẳng khi phải thi hai môn tự luận trong một ngày. Trước đây thứ tự môn thi khối B là Sinh, Toán, Hóa; nay đổi thành Toán, Sinh, Hóa. Khối C thứ tự thi từ môn Ngữ văn, Sử, Địa được đổi thành Địa, Sử, Ngữ văn. Khối D từ Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ chuyển thành Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn.

Lịch thi đại học đợt II, ngày 9 và ngày 10-7-2013, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu:

Xảy ra vụ thí sinh và người nhà lạc nhau hi hữu

Một vụ người nhà và thí sinh dự thi ĐH đợt 2 lạc nhau hi hữu vừa xảy ra tạ Hà Nội. Ngày 6-7, bà Phan Thị Mừng, trú tại xóm miền núi Hang Leo, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, Thái Nguyên dẫn con gái là Đỗ Thị Kim Ngân - thí sinh thi đại học khối C trường Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) về Hà Nội để chuẩn bị dự thi ĐH đợt 2.

Khi tới bến xe Mỹ Đình (Hà  Nội), 2 mẹ con bà Mừng đã bị mất điện thoại di động. Sau đó, khi ổn định chỗ trọ ở khu vực trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (điểm thi của em Ngân), khi ra ngoài mua cơm về ăn bà Mừng bị đi lạc, không thể nhớ đường về nhà trọ. Bà đã vạ vật cả đêm 6-7 tìm đường về nhà trọ mà không được. 3h sáng ngày 7-7, bà mới tìm được đường đến cổng trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sáng cùng ngày, các sinh viên tình nguyện biết chuyện của bà Mừng nên đã trình báo công an.

Sau khi nhận được thông tin, các chiến sĩ công an và sinh viên tình nguyện dò tìm địa chỉ nhà trọ theo mô tả của bà Mừng. Khá vất vả mới tìm thấy nhà trọ thì lại nhận được tin thí sinh Ngân đã xách theo hành lý ra bến xe để về Thái Nguyên. Sinh viên tình nguyện lại cùng bà Mừng ra bến xe để tìm thí sinh Ngân tuy nhiên không thấy.

Lúc này, lực lượng công an đã  có mặt, khai thác thông tin và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để tìm em Đỗ Thị Kim Ngân. Nhưng vì không có số điện thoại liên lạc, cũng không có ảnh nhận dạng nên việc tìm người gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, rất may  một số lái xe ôm đã nhìn thấy thí sinh Ngân có mặt ở bến xe và đã lên xe taxi.

Anh Trần Thanh Tùng, Bí thư Đoàn Công an thành phố Hà Nội và Bùi Mạnh Long, Tổ Cảnh sát trật tự bến xe Mỹ Đình đã lập tức triển khai hướng điều tra tới khắp các hãng taxi và xe khách tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Kạn hoạt động tại bến Mỹ Đình để dò thông tin.

Mãi đến đầu giờ chiều ngày 7-7, công an mới tìm được lái xe taxi và biết em Ngân đã bắt taxi về nhà ở Thái Nguyên. Cùng lúc đó, thí sinh Ngân cũng về tới nhà gặp bố, cả 2 bố con lại ngay đi cùng chuyến taxi đó trở lại Hà Nội tìm bà Mừng. Trong suốt quá trình đi tìm con, bà Mừng đã nhận được sự giúp đỡ hết sức tận tình của lực lượng công an, sinh viên tình nguyện, chủ nhà trọ và những người khác.

Đây là câu chuyện người nhà và thí sinh lạc nhau khá hi hữu trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay. Rất nhiều người mừng vì sau nhiều vất vả, người mẹ khóc hết nước mắt tìm con, cuối cùng mẹ con cũng được đoàn tụ. Tuy nhiên, đây cũng là một câu chuyện rất đáng suy nghĩ về kỹ năng sống của một bộ phận bạn trẻ hiện nay.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục