Đánh giá học sinh tiểu học: Nhẹ nhàng, hiệu quả!

Ngày 15-10, ngày đầu tiên Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học (trong đó yêu cầu không chấm điểm mà thay bằng nhận xét, đồng thời bãi bỏ các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến) bắt đầu có hiệu lực. Tuy chất lượng thực hiện ở các nơi chưa đồng đều, nhưng nhìn chung phản hồi của phụ huynh tương đối tốt, giờ tan trường rộn rã tiếng cười…
Đánh giá học sinh tiểu học: Nhẹ nhàng, hiệu quả!

Ngày 15-10, ngày đầu tiên Thông tư 30 quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học (trong đó yêu cầu không chấm điểm mà thay bằng nhận xét, đồng thời bãi bỏ các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến) bắt đầu có hiệu lực. Tuy chất lượng thực hiện ở các nơi chưa đồng đều, nhưng nhìn chung phản hồi của phụ huynh tương đối tốt, giờ tan trường rộn rã tiếng cười…

Hình minh họa: Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá là một trong những cách giải tỏa áp lực học tập cho học sinh.

“Mẹ ơi, hôm nay học vui lắm!”

Đó là ghi nhận chung của chúng tôi vào giờ tan học tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp TPHCM) vào chiều 15-10. Khác với không khí vội vã thường ngày, hầu hết phụ huynh sau khi đón con đều nán lại cổng trường để bàn tán, chia sẻ về những lời nhận xét con mình nhận được trong ngày. Chị Nguyễn Thị Thu, phụ huynh có con đang học lớp 3 cho biết, năm lớp 1 bé nhà chị đã quen với việc được cô giáo ghi lời nhận xét, đến năm lớp 2 giáo viên ít cho nhận xét và chủ yếu cho điểm. Từ đầu năm lớp 3 đến giờ bé vẫn được cô cho điểm. Hôm nay là ngày đầu tiên đón con ở cổng trường mà tôi không thấy con phụng phịu vì bạn này, bạn kia hơn điểm con. Thay vào đó, bé vui vẻ, tự tin hơn hẳn vì được cô giáo phê vào vở: “Cô rất thích cách suy luận và trình bày vở của con. Cố gắng phát huy con nhé”. Tuy vẫn còn trường hợp lớp này nhận được nhiều lời phê hơn lớp kia, bạn này có lời nhận xét dài hơn bạn kia nhưng nhìn chung tâm trạng của các bé đều rất phấn khởi, phụ huynh cũng không còn tâm lý so sánh điểm số của con.

Một trường hợp khác, anh Hồ Khánh Minh, phụ huynh có con đang học lớp 3 Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3) cho biết, anh rất ngạc nhiên vì không chỉ giáo viên mà ngay cả lực lượng bảo mẫu cũng hào hứng chia sẻ những lời nhận xét các cháu nhận được trong ngày. Anh Minh nói: “Mặc dù nội dung Thông tư 30 đã được ban giám hiệu tải lên website trường và dán ở bảng thông báo, nhưng nếu phụ huynh thắc mắc có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên hoặc bảo mẫu vào giờ tan học”. Giải thích điều này, bà Phan Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không chỉ giáo viên mà tất cả bộ phận gián tiếp tham gia vào việc dạy học như bảo mẫu, bảo vệ cũng được tập huấn để nắm rõ tinh thần và mục tiêu của thông tư. Nhờ đó, việc thay đổi hình thức đánh giá được thực hiện với sự nhất quán cao, tạo được lòng tin và sự yên tâm cho phụ huynh.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Đại diện các trường đều thừa nhận quá trình triển khai thông tư đã được Sở GD-ĐT TPHCM chuẩn bị kỹ, tạo mọi điều kiện cho giáo viên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, sau khi trải qua 2 buổi tập huấn vào cuối tuần rồi, các giáo viên đều cho biết cảm thấy hài lòng với hình thức đánh giá mới, nhưng để làm tốt việc ghi lời nhận xét đòi hỏi giáo viên phải có ý thức nâng cao chuẩn kiến thức và kỹ năng trong mỗi tiết dạy, tự rèn luyện thêm về mặt chữ viết và kỹ năng sử dụng ngôn từ. Sắp tới, Phòng GD-ĐT quận 5 sẽ cử chuyên viên xuống dự giờ các trường để có tổng kết, đánh giá, chuẩn bị cho buổi họp sơ kết diễn ra vào cuối tháng 10.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), ông Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc thay đổi hình thức đánh giá từ điểm số sang nhận xét đã được trường thực hiện từ đầu tuần, tức thứ hai 13-10. Sau đó, tổ chức họp tổ, khối chuyên môn ở từng khối lớp để giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, hoàn thiện hơn kỹ năng ghi nhận xét”. Thêm vào đó, để giảm áp lực cho giáo viên, các trường sẽ kết hợp việc triển khai tinh thần mô hình trường học mới (VNEN) vào việc thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá đối với học sinh tiểu học. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát huy vai trò của hội đồng tự quản lớp học, rèn luyện cho học sinh thói quen tự nhận xét, nhận xét lẫn nhau giữa các tổ, nhóm nhằm hỗ trợ thêm nhận xét của giáo viên. Riêng quy trình xét thưởng sẽ không còn danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như mọi năm mà giáo viên sẽ chọn ra các khía cạnh nổi trội để tuyên dương học sinh.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 TPHCM cho biết, trước đây việc không cho điểm mà thay bằng nhận xét đã thực hiện ở khối lớp 1, hiệu quả tương đối tốt. Nay áp dụng với các khối còn lại của bậc tiểu học nên đối tượng và quy mô mở rộng hơn. “Chắc chắn trong 1 - 2 tháng đầu thực hiện sẽ có nơi này, nơi kia chệch choạc, nội bộ giáo viên cũng có người làm tốt, người chưa. Nhưng nếu có sự đôn đốc, kiểm tra thường xuyên của đơn vị quản lý, phụ huynh có thể kỳ vọng sau học kỳ 1 việc thực hiện sẽ đi vào ổn định, góp phần đáng kể vào việc gỡ bỏ áp lực học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, hình thức kiểm tra, đánh giá mới theo hướng động viên, khuyến khích điểm mạnh, đề ra biện pháp khắc phục điểm yếu cho học sinh sẽ tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp mỗi ngày đến trường đối với cả cô lẫn trò đều là “một ngày vui”.

* Ông BÙI DUY PHƯƠNG - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1:

"Theo quy định của Thông tư 30, giáo viên không bắt buộc nhận xét tất cả học sinh trong cùng một lớp ở một tiết dạy mà có thể chọn ra một nhóm từ 5 - 8 học sinh tiến hành ghi nhận xét, kết hợp cả hai hình thức nhận xét trực tiếp bằng miệng ngay tại lớp học và ghi nhận xét vào vở cho học sinh mang về nhà, bảo đảm mỗi học sinh trong cùng một tháng đều được nhận xét ở tất cả môn học."

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục