Một chương trình, nhiều sai phạm

Khi Bộ GD-ĐT chưa cấp phép thì chương trình liên kết đào tạo cử nhân quốc tế ngành Quản lý nhà hàng khách sạn giữa Trường ĐH Hoa Sen với Trường Du lịch và khách sạn Vatel (Pháp) đã tuyển sinh “chui”. Đến khi được cấp phép, chương trình đào tạo này lại có nhiều vấn đề bất ổn như chất lượng giảng viên không đúng quy định, thu học phí vượt khung, chuyển sinh viên cho một công ty để đào tạo.

Khi Bộ GD-ĐT chưa cấp phép thì chương trình liên kết đào tạo cử nhân quốc tế ngành Quản lý nhà hàng khách sạn giữa Trường ĐH Hoa Sen với Trường Du lịch và khách sạn Vatel (Pháp) đã tuyển sinh “chui”. Đến khi được cấp phép, chương trình đào tạo này lại có nhiều vấn đề bất ổn như chất lượng giảng viên không đúng quy định, thu học phí vượt khung, chuyển sinh viên cho một công ty để đào tạo.

Cầm đèn chạy trước ô tô

Chương trình liên kết đào tạo cử nhân quốc tế ngành Quản lý nhà hàng khách sạn giữa Trường ĐH Hoa Sen với Trường Du lịch và khách sạn Vatel được Bộ GD-ĐT chính thức cấp phép vào ngày 15-6-2012. Và đến nay đã tuyển sinh 138 sinh viên.

Tuy nhiên, trước đó, Trường ĐH Hoa Sen đã âm thầm tuyển sinh và đào tạo “chui” một số sinh viên theo học chương trình này. Việc “cầm đèn chạy trước ô tô” này đã bị thanh tra Bộ GD-ĐT “tuýt còi” và yêu cầu Trường ĐH Hoa Sen tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài của trường.

Ngày 17-5-2012, Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Cục Đào tạo nước ngoài chỉ xem xét trình lãnh đạo bộ phê duyệt chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Hoa Sen với Trường Du lịch và khách sạn Vatel sau khi Trường ĐH Hoa Sen đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT về việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và việc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài. Thế nhưng, chỉ sau đó một tháng, Bộ GD-ĐT đã cấp phép cho chương trình này. Việc chương trình này vi phạm nhưng sau đó được cấp phép một cách chóng vánh cũng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

Nhiều bất ổn

Sau khi được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh, trong năm 2012 và 2013, chương trình Vatel chỉ học 1 tuần đầu tiên tại Trường ĐH Hoa Sen, còn lại cả lý thuyết và thực hành, trường này chuyển toàn bộ sinh viên sang dạy tại cơ sở 120 Bis Sương Nguyệt Anh, quận 1 (đây là địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và du lịch Vĩnh An (gọi tắt Công ty Vĩnh An). Đến đầu năm 2014, sinh viên theo học chương trình này mới được chuyển về học tại Trường ĐH Hoa Sen.

Theo TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen: “Công ty Vĩnh An được thành lập trên cơ sở hỗ trợ giáo dục cho chương trình liên kết giữa Trường ĐH Hoa Sen và Trường Kinh doanh quốc tế quản lý du lịch và khách sạn Vatel Development. Nhưng do là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam nên khi thực hiện có những thiếu sót, cũng như không có đầy đủ các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, dẫn đến việc phối hợp chưa phù hợp…”. Tuy nhiên, từ tháng 3-2012, TS Bùi Trân Phượng đã có văn bản ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Giang, nhân viên Công ty Vĩnh An làm Giám đốc Học vụ chương trình Vatel và thực hiện các công việc có liên quan như thu học phí, ký hợp đồng với giảng viên, đào tạo... Trong khi đó, theo quy định hiện hành công ty không có chức năng đào tạo trình độ đại học, cao đẳng.

Trong giấy phép Bộ GD-ĐT cấp cho chương trình này, mức học phí sinh viên phải đóng là 65 triệu đồng/năm. Thế nhưng, với những sinh viên nhập học từ năm 2013, mức học phí được trường thu đến 78 triệu đồng/năm. Theo lý giải của trường, việc học phí tăng 20% so với quy định một phần do sinh viên được phục vụ ăn trưa và vận dụng theo Nghị định 49 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế Nghị định 49 chỉ áp dụng cho mức tăng học phí của các trường công lập.

Một chương trình được cam kết 100% giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng tại buổi giảng dạy mà đoàn thanh tra tham dự, giảng viên đều dạy bằng tiếng Việt. Hơn nữa, đội ngũ giảng dạy của chương trình lại không đạt chuẩn theo quy định. Theo tìm hiểu, chương trình có 36 giảng viên tham gia giảng dạy. Trong đó 1 giảng viên là người nước ngoài chưa có hợp đồng giảng dạy, 7 giảng viên chưa có bằng thạc sĩ trở lên (trong đó 5 người có bằng cử nhân, 2 người không có bằng cử nhân). Về ngoại ngữ có 3 giảng viên không đạt quy định, trong đó 2 người có bằng C tiếng Anh và 1 người có bằng C tiếng Pháp.

Nghị định 73 về Hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ quy định: “Đối với liên kết đào tạo trình độ đại học thì giảng viên ít nhất phải có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành giảng dạy; giáo viên, giảng viên giảng dạy bằng ngoại ngữ trong chương trình liên kết đào tạo phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ C1 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương”.

Có thể chấm dứt liên kết đào tạo

Như vậy, căn cứ theo những điều kiện, quy định của Nghị định 73, chương trình này có thể bị đình chỉ tuyển sinh và chấm dứt liên kết đào tạo. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 18 chương trình không đảm bảo về đội ngũ giảng viên sẽ bị đình chỉ tuyển sinh; điểm d khoản 2 Điều 18 chương trình vi phạm quy định của quyết định phê duyệt sẽ bị chấm dứt đào tạo.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục