Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học: Giáo viên phải chủ động hơn

Thời gian gần đây, dư luận có nhiều băn khoăn về Thông tư 30 quy định việc đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, trong đó có việc không chấm điểm học sinh tiểu học. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh vấn đề này. * Phóng viên:
Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học: Giáo viên phải chủ động hơn

Thời gian gần đây, dư luận có nhiều băn khoăn về Thông tư 30 quy định việc đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, trong đó có việc không chấm điểm học sinh tiểu học. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa ông, Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT vừa ban hành yêu cầu giáo viên (GV) không tiến hành cho điểm mà đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét. Làm thế nào để một GV có thể làm tốt việc nhận xét tất cả HS trong cùng một lớp, ở nhiều môn học trong suốt học kỳ mà không bị quá tải công việc, áp lực về mặt tâm lý?

* Ông NGUYỄN QUANG VINH: Trước đây, Thông tư 32 (ban hành năm 2009) quy định về đánh giá và xếp loại HS tiểu học yêu cầu GV đảm bảo cả hai bước cho điểm và ghi nhận xét. Nay với việc thực hiện quy định mới của Bộ GD-ĐT, yêu cầu cho điểm đã bị bãi bỏ, thực tế là giảm bớt công việc cho GV. Việc đánh giá HS bằng nhận xét ngoài việc giúp GV đổi mới, điều chỉnh phương pháp dạy học còn giúp HS rèn luyện khả năng tự học và tự đánh giá, tạo sự hứng thú, phấn khởi trong học tập đối với các em.

Để giảm bớt áp lực công việc, GV không nhất thiết nhận xét tất cả môn học hay tất cả tiết học trong cùng một lớp mà có thể chủ động điều phối giữa các tiết học, các tổ, nhóm HS trên cơ sở đảm bảo tất cả HS đều được nhận xét trong suốt học kỳ. Thêm vào đó, GV có thể nhận xét bằng lời ngay trong tiết học chứ không bắt buộc chỉ có hình thức ghi nhận xét vào vở. Hiểu rõ điều này, GV sẽ xóa bỏ được áp lực tâm lý.

Giáo viên cần thường xuyên động viên, khuyến khích năng lực tự học và tự đánh giá của học sinh.

* Về mặt quản lý, đã có ý kiến cho rằng việc đánh giá bằng nhận xét sẽ dẫn đến tình trạng dạy và học đối phó, không có sự công bằng giữa học sinh này với học sinh kia. Làm thế nào để hạn chế tình trạng đó?

* Tuy không cho điểm, nhưng việc đánh giá vẫn dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, kết quả đánh giá bài làm của HS không chỉ dựa trên chuẩn kiến thức mà còn quan tâm đến các vấn đề như chữ viết, cách trình bày, quá trình tiến bộ của từng em. Để việc thực hiện không rơi vào tình trạng dạy và học đối phó, sắp tới Phòng Giáo dục tiểu học sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết, đồng thời tổ chức tập huấn cho lực lượng GV nòng cốt của các quận, huyện nhằm đảm bảo việc đánh giá thực hiện một cách đồng bộ và có chất lượng.

Bên cạnh đó, thông qua các hình thức dự giờ, kiểm tra định kỳ tập vở của HS và hồ sơ chuyên môn của GV, hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở, góp ý nhận xét của GV, giúp các thầy cô điều chỉnh mức độ đánh giá để khoảng cách giữa các lớp không quá chênh lệch. Ngoài ra, trong từng tổ khối chuyên môn cũng sinh hoạt định kỳ 2 tuần 1 lần để có sự trao đổi, đảm bảo yêu cầu không so sánh HS này với HS khác, không tác động xấu đến tâm lý HS.

* Việc đánh giá bằng nhận xét giữa học sinh lớp 1 và học sinh các khối lớp còn lại giống và khác nhau ở điểm nào? Phương pháp dạy học ở bậc tiểu học có gì thay đổi không, thưa ông?

* Đối với khối lớp 1, trong những tuần lễ đầu tiên của năm học, HS chưa đọc được lời nhận xét, GV có thể nhận xét bằng lời nói, kết hợp nhiều hình thức sáng tạo như hình bông hoa, mặt cười tạo tâm lý vui, hứng thú cho HS. Đến học kỳ 2, khi khả năng đọc chữ của các em tốt hơn, GV sẽ ghi nhận xét vào vở. Trước đây, khi xét lên lớp đối với các khối 2, 3, 4 và xét hoàn thành chương trình tiểu học đối với khối lớp 5 chỉ dựa hoàn toàn vào điểm số, nay sẽ đánh giá toàn diện hơn bằng nhiều yếu tố vừa điểm số vừa đánh giá năng lực, phẩm chất của HS.

Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá yêu cầu GV đẩy mạnh hơn phương pháp dạy học cá thể mà mô hình trường tiểu học mới (VNEN) là một trong những kiểu mẫu GV có thể tham khảo thực hiện.

* Xin cảm ơn ông.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục