Sáng nay, lãnh đạo Sở TN-MT giao lưu trực tuyến với bạn đọc SGGP

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường

Thanh Hùng - Nam - thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ
Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 1
Từ trái qua phải: Phó GĐ Thường trực Sở TN-MT Nguyễn Văn Chiến, GĐ Sở TN-MT Trần Thế Ngọc và Phó TBT Báo SGGP Võ Hồng Sơn tại buổi giao lưu.

Thanh Hùng - Nam - thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ
- Hiện nay hạ nguồn sông Thị Vải (Cần Giờ) đang ô nhiễm nghiêm trong do nước thải từ các nhà máy và khu công nghiệp thượng nguồn đổ về. Phải chăng TPHCM đã bó tay trong việc khắc phục hậu quả ô nhiễm sông Thị Vải?

- Trước hết cần khẳng định là Sông Thị Vải bị ô nhiễm chủ yếu là do nguồn thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy TPHCM không thể có những quyết định trực tiếp đối với các nguồn thải này. Tuy nhiên, hiện trạng ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải đã được Sở TNMT TPHCM quan tâm, thực hiện công tác giám sát chất lượng môi trường từ năm 2004 đến nay và với kết quả giám sát, Sở đã thực hiện trách nhiệm của mình là:

1. Tham mưu cho UBND Thành phố báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường tình trạng ô nhiễm của sông Thị Vải và Bộ TN-MT đã cùng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức xử lý thông qua công tác kiểm tra hiện trạng các nhà máy trong lưu vực này thuộc tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm 2004 – 2005. Thông qua công tác này, hiện trạng môi trường nước sông Thị Vải đã được cải thiện phần nào trong năm 2006. Cụ thể là một số nồng độ các chất ô nhiễm có xu hướng tốt hơn như: BOD5, TSS, DO .v.v. như sau:

* BOD5
TCVN 6774-2000 cho phép BOD5 < 10 mg/l
- Năm 2005 dao động trong khoảng 3.0 – 12.1 mg/l.
- Năm 2006 dao động trong khoảng 1.1 – 6.5 mg/l.

* DO
TCVN 6774-2000 cho phép DO ≥ 5 mg/l
- Năm 2005 dao động trong khoảng 0.05 – 5.3 mg/l.
Năm 2006 dao động trong khoảng 1.09 – 6.42 mg/l.

* TSS
TCVN 6774-2000 cho phép TSS ≤ 100 mg/l
- Năm 2005 dao động trong khoảng 43.5 – 115.5 mg/l.
- Năm 2006 dao động trong khoảng 45 – 70 mg/l.

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 2

Tuy nhiên, hiện trạng môi trường năm 2006 cho thấy mức độ ô nhiễm vẫn chưa đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn cho phép đối với chất lượng nước sông tại lưu vực này. Do đó Sở đã kiến nghị Bộ TNMT thực hiện công tác kiểm soát và giám sát chất lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp chặt chẽ hơn nữa.

2. Với kết quả giám sát chất lượng môi trường nước sông Thị Vải hàng năm và trong từng đợt trong năm, Sở cũng đã chuyển thông tin kịp thời cho UBND huyện Cần Giờ cùng với những đề nghị cảnh báo cần thiết cho nhân dân địa phương để hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho sản xuất nuôi trồng thủy hải sản trong lưu vực này.

Tập thể người dân xã Đông Thạnh - Nam - Hóc Môn
- Bao giờ bãi rác Đông Thạnh hết ô nhiễm bởi thời gian gần đây, khi bãi rác này tiếp tục tiếp nhận xử lý phân hầm cầu thì khu vực này lại tiếp tục ô nhiễm nặng. Dịch ruồi hoành hành, mùi hôi từ bãi rác và từ các xe bồn chở hầm cầu phát tán rất khó chịu. Xin ông giám đốc Sở TNMT có biện pháp xử lý và trả lời cho người dân?

- Hiện tại bãi chôn lấp Đông Thạnh đang tiến hành tiếp nhận lượng bùn hầm cầu sau khi Công ty phân bón Hòa Bình ngưng tiếp nhận tại Quận Tân Phú. Vấn đề mùi hôi phát sinh từ các phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu theo như phản ảnh của một số hộ dân sống gần bãi chôn lấp Đông Thạnh, các chủ phương tiện chủ yếu là tư nhân, thiếu ý thức về việc hạn chế mùi hôi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Công ty Môi trường - Đô thị có biện pháp giảm thiểu mùi hôi đối với các phương tiện thu gom bùn hầm cầu khi ra vào bãi chôn lấp như: tăng cường phun xịt các chế phẩm khử mùi, yêu cầu các chủ phương tiện thu gom bùn hầm cầu phải có biện pháp giảm thiểu mùi hôi đối với các phương tiện, tăng cường phun xịt các loại hóa chất diệt ruồi nhằm hạn chế sự phát sinh của ruồi muỗi.

Hiện Công ty phân bón Hòa Bình đang gấp rút triển khai xây dựng trạm tiếp nhận và xử lý bùn hầm cầu tại Đa Phước, Bình Chánh. Dự kiến sẽ tiếp nhận bùn hầm cầu vào tháng 7 năm 2007. Khi dự án đi vào hoạt động, các tất cả lượng bùn hầm cầu được thu gom sẽ được vận chuyển về đây.

Nguyễn Thị Hằng - Nữ - xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh
- Chúng tôi là những người dân sống ở khu vực ngoại thành, từ khi di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành đã làm cho các kênh rạch nơi đây ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi nồng nặc. Xin ông giám đốc Sở TNMT lý giải vì sao và Sở có biện pháp gì ngăn chặn hay không?

- Các cơ sở di dời ra ngoài ngoại thành chủ yếu là hoạt động trong các KCN hoặc khu quy hoạch công nghiệp. Trong thời gian qua, vẫn còn một số KCN, cụm công  nghiệp tiểu thủ công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm. Sở TNMT đã tăng cường kiểm tra và xử lý đối với các KCN. Cuối năm 2006, những KCN chưa có HTXL nước thải tập trung đã khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2007.

Riêng về các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới hình thành, Sở TN-MT sẽ phối hợp với các phòng TN-MT quận- huyện tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư quản lý trực tiếp các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định.

Nguyễn Phương Bình, - Nam - phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9
- Qua báo chí tôi biết nước ta đã có lực lượng Cảnh sát Môi trường, vậy từ khi thành lập đến nay lực lượng này đã điều tra hay khởi tố doanh nghiệp hay cá nhân nào về hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa? Tại TPHCM khi người dân phát hiện các cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thì báo theo địa chỉ hay số điện thoại nào?

- Cục Cảnh sát Môi trường (trực thuộc Tổng cục Cảnh sát) chỉ mới được thành lập vào ngày 29/11/2006 và chính thức hoạt động ở cấp Trung ương vào ngày 6/3/2007. Đến thời điểm này, tổ chức Cảnh sát Môi trường chưa được triển khai ở cấp tỉnh thành.

Tại TP.HCM khi phát hiện cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đề nghị báo đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận – huyện để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Minh Phượng - Nữ - pipimipu@yahoo.com
- Tôi thấy chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường tôi chỉ được thời gian đầu. Thiết nghĩ, chương trình phần loại rác cần được triển khai đồng bộ, đồng loạt chứ nơi làm nơi không hay phân loai xong rồi lại dồn vào 1 xe để vận chuyển, rất lãng phí. Ông Giám đốc Sở TNMT đánh giá như thế nào về chương trình này?

- Chương trình phân loại rác tại nguồn hiện nay đang trong giai đoạn thí điểm tại một số phường ở quận 6. Chương trình này bao gồm việc phát miễn phí hai thùng rác có hai màu phân (màu xanh lá cây, màu xám) và 6 tháng sử dụng túi ni lông miễn phí cho từng hộ dân. Sau khi kết thúc 6 tháng này, mọi chi chí phát sinh về thùng và túi đều do người dân tự lo, trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Vì vậy, đối với các hộ dân không còn thùng thì khi chương trình được triển khai chính thức với các quy định cụ thể sẽ bắt buộc phải mua thùng mới theo mẫu chung trên toàn thành phố. Tại trạm trung chuyển Bà Lài, rác thực phẩm hằng ngày vẫn được phân loại và vận chuyển riêng biệt lên bãi chôn lấp Phước Hiệp – Củ Chi, xe thu gom khi vào trạm trung chuyển này đều phải có ngăn để phân rác thành hai loại.

Nguyễn Văn Thắng - Nam - Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú
- Phân hầm cầu đổ ở bãi rác Đông Thạnh là nguyên nhân làm cho ruồi bùng phát ở đây? Tại sao từ trước đến nay thành phố không quan tâm đến vấn đề xử lý phân hầm cầu? Doanh nghiệp tư nhân Hòa Bình là đơn vị duy nhất xử lý loại phân này, TP HCM có chính sách gì để hỗ trợ họ hoạt động không?

- Hiện tại Công ty Phân bón Hòa Bình đã ngưng tiếp nhận bùn hầm cầu tại Quận Tân Phú, do đó nếu không có vị trí lưu chứa và xử lý thì lượng bùn hầm cầu của các chủ phương tiện thu gom hút hầm cầu sẽ không có vị trí đổ và xảy ra tình trạng đổ bùn hầm cầu tràn lan xuống kênh rạch gây mất vệ sinh ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Trước khi tiếp nhận bùn hầm cầu tại Đông Thạnh, Sở TNMT đã yêu cầu Công ty Môi trường Đô thị xây dựng phương án tiếp nhận, xử lý và giảm thiểu các tác động về môi trường khi tiến hành tiếp nhận bùn hầm cầu tại Đông Thạnh. Cụ thể, xây dựng các bể tiếp nhận có mái che, hệ thống thu gom nước sau khi tách bùn hầm cầu, sử dụng các chế phẩm khử mùi có hiệu quả ngăn chặn mùi cao, sử dụng hóa chất diệt ruồi. (Bạn xem lại câu trả lời cho người dân xã Đông Thạnh)

Hồ Xuân Hưng - Nam - Võ Văn Tần, quận 3
- Địa phương nào cũng kêu thiếu người làm công tác bảo vệ môi trường với đủ lý do không có biên chế, không có kinh phí nuôi bộ máy…Trong khi đó hàng năm TP HCM lại phãi bỏ hàng trăm tỷ đồng giải quyết hậu quả do thiếu hụt người làm mà ra. Liệu điều này có hợp lý? Nhất là khi để thảm họa môi trường xảy ra thì không những ta tốn tiền xử lý mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân?

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 3
Ô nhiễm ở kênh Ba Bò do nước thải công nghiệp.

- Sở TNMT cũng đã nhận thức được tình trạng thiếu hụt lực lượng cán bộ trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết các sự cố. Do đó, Sở cũng đã có kế hoạch cùng với UBND quận - huyện tăng cường lực lượng cán bộ trong công tác bảo vệ môi trường để đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Cao Thị Nga - Nữ - P.10 Q. 5
- Hình như thời gian gần đây TPHCM mới quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường. Nếu không như thế thì tại sao sông kênh đầy rác rồi mới đi nạo vét? Nước thải y tế chưa qua xử lý cứ vô tư thải ra ngoài rồi mới thấy nói đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải?

- Trong năm 2006, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra môi trường 109 bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 14 trường hợp với tổng số tiền phạt là 89.500.000 đồng. Sở TNMT đã tổ chức hội thảo giới thiệu về công nghệ xử lý nước thải y tế. Để hỗ trợ vốn cho các bệnh viện trực thuộc thành phố và các trung tâm y tế, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vốn kế hoạch năm 2006 cho Sở Y tế để cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải của một số cơ sở y tế trọng yếu trên địa bàn.

Nguyễn Việt Cường - Nam - sinh viên ĐHQG TPHCM
- Tại sao Nhà nước đã cấm sử dụng xăng pha chì nhưng theo Chi cục bảo vệ môi trường thành phố thì thời gian gần đây khói thải của xe vẫn có chì? Sở Tài nguyên Môi trường có quan tâm đến việc này và nếu có đã kiến nghị ngành chức năng tiến hành kiểm tra việc ấy chưa?

Qua kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh ven đường (không phải chỉ đo khói thải của xe) trên địa bàn TPHCM, theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường nhận thấy hàm lượng chì trong không khí ven đường từ sau tháng 7/2001 (thời điểm không sử dụng xăng pha chì) đến nay có bước giảm đáng kể và đạt mức khuyến cáo của WHO là 0,001mg/m3. Tuy nhiên, từ tháng 6/2005 đến nay hàm lượng chì trong không khí do giao thông đang có xu hướng gia tăng và vượt mức khuyến cáo của WHO là 0,001mg/m3 (tại trạm Ngã tư Điện Biên Phủ – Đinh Tiên Hoàng).

Sở TN-MT đã giao Chi cục Bảo vệ Môi trường tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, một trong những nguyên nhân có thể là do hàm lượng chì trong xăng không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.

Vì vậy ngày 18/08/2006 Chi cục Bảo vệ Môi trường đã gởi Công văn số 268/CCBVMT đến Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành kiểm tra chất lượng xăng để xác định rõ nguyên nhân.

Cho đến nay, Sở TN-MT đang chờ phản hồi về việc này.

Một nguời dân - Nam
Hiện nay nước ngầm khu vực Bình Tân và Hóc Môn đạng tụt xuống thấp, nguồn nước lại ô nhiễm trong khi đó nguồn nước máy lại chưa có nên người dân nơi đây cũng phải dùng. Ông GĐ sở có thể giải thích và có hướng xử lý nguồn nước giúp dân?

- Hiện nay Bình Tân nằm ở cuối nguồn đường ống do đó người dân vẫn phải khai thác nguồn nước ngầm, chính nguyên nhân tập trung khai thác nguồn nước ngầm làm cho mực nước tụt.

Phần lớn các giếng khoan khai thác tại hộ dân khi thi công không bảo đảm kỹ thuật cách ly làm cho nguồn nước đang có xu hướng xấu đi.

Khu vực Hóc Môn hiện nay không có mạng cấp nước chung do đó nguồn nước ngầm là nguồn nước cấp chính cho khu vực này. Phần lớn các giếng thi công được đặt trong hộ gia đình và gần những khu vực gây mất vệ sinh (hầm cầu, hố thải...). Tầng chứa nước của dân đang khai thác là tầng nước nông cách mặt đất khoảng 30m mà tầng nước này được ngấm từ nước mưa và nước mặt, trong đó nước mặt hiện nay đang bị ô nhiễm.

Chính hai nguyên nhân trên đã làm cho chất lượng nước ngày càng xấu đi.

Giải pháp: Tập trung xây dựng các công trình cấp nước quy mô vừa và nhỏ (từ 100 đến 600 hộ). Hiện nay, Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường (Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn) đang thực hiện. Riêng đối với Bình Tân, ngoài việc xây dựng các công trình cấp nước quy mô vừa và nhỏ, Công ty Cấp nước Thành phố đang hoàn thiện đang hoàn thiện mạng cấp nước cho khu vực này lấy từ Nhà máy nước Tân Hiệp.

Thân–Hiệp - Nam - Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận
- Tôi thấy một số một số xe rác dừng để nhận rác gây kẹt xe ở một số tuyến đường và điểm tập kết rác ở ngay trước cửa nhà dân làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Thậm chí một số xe rác còn đi vào cả đường cấm ô tô, xin hỏi Sở TNMT như vậy đúng hay sai?

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 4
Thu gom - vận chuyển rác tại bô rác P. 15 Q. Tân Bình.

- Hiện nay, Sở TN-MT đang quy hoạch tuyến thu vận chuyển, vị trí các điểm tập kết và các bô trung chuyển rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Công tác xây dựng các bô trung chuyển đang được gấp rút triển khai. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.

Do đặc thù của công tác vệ sinh môi trường đô thị việc thu gom rác, xe rác được đi vào 1 số đường cấm ô tô.

Các điểm tập kết xe lấy rác nếu gây ô nhiễm đề nghị bạn đọc cung cấp địa chỉ cụ thể cho phòng TN-MT quận, đội quản lý trật tự đô thị quận hoặc Sở Tài nguyên - Môi trường để kiểm tra xử lý.

Nguyễn Thị Hoa - Nữ - Hóc Môn
- Sở TNMT cho biết tháng 7-2007 sẽ tiếp nhận và xử lý phân hầm cầu tại Đa Phước, Bình Chánh nhưng hiện nay đường đi vào chưa làm xong và nhà máy cũng chưa xây dựng trong lúc đó hiện nay sắp hết tháng 3 rồi, liệu có kịp không?

- Sở TNMT đã có quy hoạch về quản lý chất thải hầm cầu trên địa bàn thành phố. Công ty phân bón Hoà Bình đang triển khai thiết kế cơ sở để xây dựng một nhà máy xử lý phân hầm cầu tại Đa Phước. Công tác xây dựng sẽ bắt đầu vào đầu tháng 4. Và dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành và tiếp nhận xử lý toàn bộ chất thải hầm cầu của thành phố.

Văn Quý - Nam - Quận 6
- Xin ông cho biết những tuyến đường nào tại TPHCM được phép vận chuyển chất thải nguy hại?

-Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Công an thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố hoàn thành dự thảo “Qui định tuyến và thời gian vận chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố” đang trong quá trình thẩm định ban hành. Trong đó qui định thời gian và các tuyến đường vận chuyển chất thải nguy hại như sau:

1. Thời gian vận chuyển chất thải nguy hại: 
- Đối với các tuyến đường vành đai: không hạn chế thời gian.  
- Đối với các tuyến đường nội ô, tuyến xuyên tâm: từ 9h00 đến 16h00 và từ 21h00 đến 6h00 sáng hôm sau.
- Tuyến đường vành đai bao gồm: quốc lộ 1A, quốc lộ 22, quốc lộ 50, Nguyễn Thị Định, Xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát.

2. Tuyến đường vận chuyển chất thải nguy hại
- Từ các khu công nghiệp-khu chế xuất đi theo các tuyến đường sau đến các nhà máy xử lý:
a.Từ khu chế xuất Linh Trung I -> Quốc lộ 1A.
b.Từ khu chế xuất Linh Trung II -> Tỉnh lộ 43 g Quốc lộ 1A.
c.Từ khu chế xuất Tân Thuận -> Nguyễn Văn Linh -> Quốc lộ 1A.
d.Từ khu công nghiệp Bình Chiểu -> Tỉnh lộ 43 -> Quốc lộ 1A.
e.Từ khu công nghiệp Cát Lái II -> Nguyễn Thị Định -> Xa lộ Hà Nội -> Quốc lộ 1A.
f.Từ khu công nghiệp Phong Phú -> Quốc lộ 50 -> Nguyễn Văn Linh -> Quốc lộ 1A.
g.Từ khu công nghiệp Tân Bình -> Tây Thạnh -> Lê Trọng Tấn -> Quốc lộ 1A hoặc từ khu công nghiệp Tân Bình -> Tây Thạnh -> Trường Chinh -> Quốc lộ 1A.
h.Từ khu công nghiệp Tân Phú Trung -> Quốc lộ 22 -> Quốc lộ 1A.
i.Từ khu công nghiệp Tân Thới Hiệp -> Nguyễn Ảnh Thủ -> Tô Ký -> Quốc lộ 1A.
j.Từ khu công nghiệp Tân Tạo -> Quốc lộ 1A.
k.Từ khu công nghiệp Vĩnh Lộc -> Nguyễn Thị Tú g Quốc lộ 1A.
l.Từ khu công nghiệp Hiệp Phước -> Nguyễn Văn Tạo -> Nguyễn Văn Linh -> Quốc lộ 1A.
m.Từ khu công nghiệp Lê Minh Xuân -> Trần Đại Nghĩa -> Quốc lộ 1A.
n.Từ khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi -> Quốc lộ 22 -> Quốc lộ 1A.

- Từ các nhà máy ngoài khu công nghiệp-khu chế xuất đi theo các tuyến đường xuyên tâm sau đó đến các tuyến đường vành đai cụ thể như sau:
         + Hướng từ Đông sang Tây: Xa lộ Hà Nội -> đường Đinh Tiên Hoàng -> đường Võ Thị Sáu -> đường 3 tháng 2 -> đường Hồng Bàng -> đường Kinh Dương Vương.
         + Hướng từ Tây sang Đông: đường Kinh Dương Vương -> đường Hồng Bàng -> đường 3 tháng 2 -> đường Lý Thái Tổ -> đường Điện Biên Phủ -> Xa lộ Hà Nội.
   - Từ thành phố đi các tỉnh thành khác và ngược lại:
         + Từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành khác xử lý: chất thải nguy hại vận chuyển đến các tuyến đường xuyên tâm -> các tuyến đường liên tỉnh hoặc chất thải nguy hại được vận chuyển đến các tuyến đường liên tỉnh -> các địa điểm nhà máy xử lý, chôn lấp.
         + Từ các tỉnh thành khác về thành phố Hồ Chí Minh xử lý: chất thải nguy hại được vận chuyển qua các tuyến đường liên tỉnh -> các tuyến đường vành đai hoặc các tuyến xuyên tâm -> các địa điểm nhà máy xử lý, chôn lấp.
          + Các tuyến đường liên tỉnh bao gồm: quốc lộ 1A, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 13, tỉnh lộ 10.

Hồ Ngọc Cuờng - Nam - Tân Phú
- Việc xử lý ô nhiễm ánh sáng và tiếng ồn hình như chưa đuợc quan tâm đúng mức. Tôi thấy nguời ta đi đường nhấn còi inh ỏi, gắn kiếng chiếu dỏm làm chói mắt nguời đi sau. Sao chưa thấy bị xử lý?

- Hiện nay, có một số phương tiện giao thông gắn còi to quá quy định và thay đổi độ sáng của bóng đèn xe, làm ảnh hưởng đến môi trường và những người cùng tham gia lưu thông, đã được ngành cảnh sát giao thông xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, do mật độ giao thông đường phố quá lớn và ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt, nên vẫn còn hiện tượng như đã phản ánh, chúng tôi sẽ đề nghị ngành công an kiểm tra xử lý mạnh mẽ những vi phạm ấy.

Bùi Thương - Nam - Thủ Đức, TPHCM
- Tôi nghe nói TP HCM đã có kế hoạch xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu? Tình trạng tiêu tiểu bậy đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là quận ven?

- Việc quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM đã được Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở TN-MT xây dựng xong và đã trình UBND TP xem xét phê duyệt. Và hiện nay bản quy hoạch đang được Sở Kế hoạch Đầu tư thẩm định. Nếu quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở cho các nhà đầu tư cả tư nhân và nhà nước triển khai xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng này.

Nguời dân - Nam - Thanh Xuân, Q.12
- Kế bên nhà tôi (ở Thanh Xuân- Q.12) có người cắt đất bán để chôn nguời chết. Điều này làm tôi rất lo vì nhà tôi xài nuớc giếng. Tôi khiếu nại việc này ở đâu? có quy định cho phép chôn nguời chết linh tinh thế không?

- Cắt đất bán chôn người chết không theo quy hoạch chung là vi phạm quy định về quản lý đô thị và môi trường.

Ông có thể khiếu nại tại văn phòng quản lý đô thị hoặc phòng TN-MT quận, huyện. Nếu quận, huyện xử lý chưa thỏa đáng thì ông có thể khiếu nại tại Sở TN-MT.

Nguời dân - Nam
- Nhà máy dệt Việt Thắng có hệ thống xử lý nuớc thải nhưng ít khi hoạt động. Sở TN-MT có biết không? và đã xử lý như thế nào?

- Sở TNMT đã tiến hành kiểm tra và đã đề nghị Công ty thường xuyên vận hành và làm hồ sơ xin phép xả thải, lắp đặt đồng hồ theo dõi lượng nước xả ra từ công ty để qua đó giám sát lượng nước thải được xử lý theo thực tế.

Nếu công ty không thực hiện, Sở sẽ xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Khánh Tùng - Nam - Cán bộ hưu trí, quận 1
- Tôi được biết hiện nay các chủ dây rác thu lợi rất nhiều từ những người đi thu gom rác lẻ trong đường dây của họ? Điều này có đúng pháp luật không? TPHCM có giải pháp nào để giải quyết?

- Việc thu gom rác lẻ trên địa bàn thành phố hiện nay một phần được các tổ rác dân lập thực hiện thông qua công tác quản lý tại UBND các phường xã theo quyết định 5424 của UBND thành phố. Với thực trạng này, có thể có một số cá nhân đứng ra nhận thầu đường dây rác tại nhiều tuyến đường khác nhau để thu lợi mà chưa thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước. Sở TNMT đã hoàn chỉnh dự thảo Quy chế quản lý thu gom rác dân lập để trình UBND thành phố ban hành, nhằm sớm điều chỉnh những bất cập trong thời gian qua như phương tiện thu gom, thiết bị bảo hộ lao động và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo.

Lê Ngọc Dũng - Nam 35 tuổi - dungbotha@yahoo.com
- Xin hỏi Quý Sở, về cải thiện môi truờng tại khu vực ven kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (cầu chữ Y) thuộc quận 8 đã thực hiện đến đâu? Vì từ lâu rồi chưa thấy môi truờng tại đây đuợc cải thiện, quy hoạch thấy có treo bảng. Đề nghị Quý Sở kiểm tra giám sát thực tế , hoàn thành sớm để nguời dân an tâm về môi truờng sống, (vì càng lúc càng ô nhiễm nặng)?

- Dự án cải thiện môi trường tại khu vực kênh Tàu Hủ, kênh Đôi gồm 2 cấu phần: xây dựng hệ thống thoát nước và nạo vét kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Cả hai cấu phần này đang thực hiện, tiến độ chậm hơn so với dự kiến, nhưng tốc độ ngày càng cao hơn. Theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2009. Sở TNMT đã có kế hoạch phối hợp với các ban ngành giám sát thường xuyên về công tác bảo vệ môi trường của dự án này.

Trần Bá Phùng - Nam 37 tuổi - tranbaphung@yahoo.com.vn - Bình Định
- Thưa ông, tôi nghĩ, môi trường là vấn đề không phải chỉ do mỗi một hoặc một vài ngành nỗ lực mà giải quyết được chỉ Cảnh sát Mội trường, ngành Tài nguyên Môi trường thì liệu có giải quyết được vấn đề hay không? Sở có dám hứa bằng một lộ trình cụ thể về vấn đề, chỉ tiêu nào đó cụ thể không?

- Trước hết, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với anh trên quan điểm bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, của mọi ngành và của chính quyền các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này trong quá trình phát triển bền vững (kinh tế xã hội môi trường), thành phố đã có kế hoạch triển khai chương trình hành động của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Kế hoạch bao gồm 5 nhóm giải pháp trong thời kỳ 2006-2010, và hướng tới 2015-2020 với sự tham gia của các Sở ngành, UBND các cấp và mọi người dân:

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường kiểm soát các nguồn ô nhiễm, phát triển mảng xanh đô thị và chống ngập úng. - Thực hiện các biện pháp kinh tế kỹ thuật.
- Hợp tác vùng (với các địa phương trong khu vực) và hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực bảo vệ môi trường.
Như vậy đòi hỏi sự chỉ đạo, hợp tác và thực hiện đồng bộ thì công tác bảo vệ môi trường mới thu được kết quả tốt.

Hải Bằng - Nam - Trần Quốc Thảo, quận 3
- Nên có hình phạt đi lao động công ích dọn dẹp vệ sinh hàng tháng trời cho những người vứt rác bừa bãi, để nước thải chưa xử lý ra môi trường…?

- Hiện nay, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 81 của Chính phủ chưa quy định cụ thể về hình phạt bổ sung như buộc lao động công ích với cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Trong quá trình quản lý Sở TNMT sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các cá nhân và tổ chức để kiến nghị sửa đổi các quy định cho phù hợp.

Đình Mạnh - Nam 24 tuổi - Bình Thạnh
- Tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề thủ công của TP ngày càng trầm trọng do tính chất sản xuất: thủ công, hao phí nhiên liệu, chưa đầu tư đúng mức cho xử lý chất thaỉ.... Nhưng những kết quả khảo sát, nghiên cứu về các vấn đề: nuớc, không khí, đất.. của bên Tài nguyên - Môi truờng chưa đuợc sâu sát. Trong thời gian tới, Sở TN-MT có biện pháp gì để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề thủ công?

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 5

- Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra bởi các cơ sở sản xuất TP có Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 8-7-2002 phê duyệt đề án thực hiện chương trình di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận. Kết quả đến hết năm 2006 đã có 1402 cơ sở thực hiện hoàn tất, bao gồm 622 cơ sở di dời, 498 cơ sở ngưng sản xuất, 63 cơ sở chuyển đổi ngành nghề không hoặc ít ô nhiễm, khắc phục xử lý triệt để 57 cơ sở.

Song song, TP đang thực hiện kế hoạch triển khai chương trình hành động bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với các cơ sở tiểu thủ công nghiệp khi di dời vào cụm công nghiệp, vùng phụ cận thì các cơ sở phải có giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đồng thời cụm công nghiệp đó cũng phải có xử lý tập trung về nước thải. Trong trường hợp các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp không đảm bảo về môi trường, các cơ quan chức năng quản lý môi trường sẽ xử phạt vi phạm buộc ngưng hoạt động, đóng cửa.

Cát Tình - Nữ - Trần Phú, quận 5
- Có cách nào xử lý rốt ráo tình trạng vứt rác bậy không? Gắn camera? Khoán bảo vệ vệ sinh ở từng khu vực cho cảnh sát môi trường hay lực lượng vệ sinh?

- Việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường mất cảnh quan đô thị đã được Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong Nghị định 152 năm 2005 và Nghị định 81 năm 2006. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện tại các khu vực, cụ thể như tại đường phố, nơi sinh hoạt công cộng còn có thiếu sót không kịp thời. Tuy nhiên vấn đề chính yếu vẫn là ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân như bỏ rác đúng nơi quy định, không đưa rác từ nhà ra bỏ ngoài đường phố.

Đình Toàn - Nam - Q 10
- Theo tôi thành phố nên lập một cơ quan chuyên về môi trường để tập trung xử lý những vấn đề về ngập nước, rác thải, nước thải y tế... phát triển mảng xanh thay vì xé lẻ cho nhiều Sở như hiện nay để rồi chẳng phối hợp được?

- Về ý kiến của bạn chúng tôi xin tiếp thu và cân nhắc trong các kiến nghị của sở đối với thành phố về việc tổ chức bộ máy và chức năng của một số sở ngành hiện nay.

Huỳnh Thúy Mai - Nữ 34 tuổi - Phuờng 17 quận Bình Thạnh
- Bỏ rác không đúng nơi qui định, bỏ rác vào nhà nguời khác chắc là sai luật rồi. Nhưng làm sao xử lý nghiêm những hành vi này ? Vì tôi thấy rất nhiều nguời làm các việc không hay đó nhưng không hề bị xử lý?

- Đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định, Nghị định 81 của Chính phủ về hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định về mức xử phạt cho hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất chính là ý thức của người dân về vấn đề này. Thành phố đang triển khai thực hiện các chương trình nâng cao ý thức người dân về lĩnh vực bảo vệ môi trường, với mong muốn người dân sẽ đồng hành phối hợp với thành phố góp phần làm thành phố ngày càng sạch đẹp hơn.

Mai - Nữ - Phú Nhuận
- Theo tôi thành phố không nên chi tiền vớt rác trên sông, kênh và "nuôi" bộ máy quét vệ sinh đường phố. Hãy xã hội hóa công tác quét dọn vệ sinh. Chi phí nêu trên để "nuôi" bộ máy giám sát, xử lý những vi phạm về môi truờng?

- Hiện nay, thành phố cũng đang thực hiện xã hội hoá các công tác này tại 2 quận Bình Tân và Tân Phú. Trong năm 2007, các công tác này cũng được nhân rộng thêm tại 4 quận huyện nữa. Và dự kiến đến năm 2008, toàn thành phố sẽ xã hội hoá toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường trong đó có các công tác mà bạn đã đề cập.

Ngô Quang Minh - Nam 52 tuổi - vvhoamap@gmail.com
- Kính thưa ông Trần Thế Ngọc, vì lý do gì mà thành phố không di dời được cơ sở giết mổ heo của Công Ty Nam Phong trên đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh?. Chắc chắn Nhà nước chỉ thu được một phần nhỏ từ thuế, còn các ông chủ của Nam Phong thì cho tư nhân thuê nơi giết mổ heo với giá 20.000đ/con heo. Mỗi đêm giết vài ngàn con heo, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả khu dân cư. Ông nghĩ sao về việc này?
 
- XN Nam Phong thuộc Tổng Công ty NN Sài Gòn nằm trong danh sách di dời của UBND TP vào năm 2004 và phải hoàn tất vào năm 2006. Đến nay địa điểm di dời của XN tại Củ Chi chưa xong do đó việc di dời chậm, không đúng tiến độ.

Trong thời gian Sở TN-MT cùng với Thường trực Ban chỉ đạo di dời, UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 13 kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính buộc khắc phục ô nhiễm môi trường đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Sở TN-MT yêu cầu Tổng Công ty NN Sài Gòn, phòng TN-MT quận Bình Thạnh, UBND P13, Q.Bình Thạnh giám sát việc vận hành các hệ thống xử lý môi trường, vệ sinh khu vực, thu gom xử lý chất thải rắn. Trong trường hợp XN Nam Phong không chấp hành hoặc không đảm bảo các yêu cầu, Sở TN-MT sẽ đề nghị UBND TP xử phạt hành chính kể cả việc ngưng sản xuất tại xí nghiệp.

Nguời dân - Nam - Thích Quảng Đức, Phú Nhuận
- Kế cận nhà tôi ở đường Thích Quảng Đức có một cơ sở thu gom ve chai. Mỗi lần xe ve chai đến bán hoặc mua, đều gây mùi hôi và làm kẹt đuờng. Tình trạng này kéo dài đã lâu mà chưa thấy ai xử lý?

- Để giải quyết tình trạng này, đề nghị bạn có đơn gửi chính quyền địa phương (UBND phường hoặc Phòng quản lý TNMT quận Phú Nhuận) để các cơ quan này sát minh hiện trạng và xử lý. Nếu việc xử lý không thoả đáng hoặc tình trạng gây ô nhiễm ảnh hưởng đến giao thông mà bạn phản ánh vẫn tiếp diễn, bạn có thể gửi kiến nghị cho Sở TNMT theo địa chỉ số 63 Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Phan Hữu Tài - Nam - Quận 6
- Hàng năm TP HCM phải chi 63 tỷ đồng để vớt rác trên kênh, rạch? Theo tôi điều ấy là không thể chấp nhận được bởi lẽ đây là việc có thể có thể sẽ không xảy nếu như chúng ta phạt thật nặng những hành vi này. Tôi thấy thời gian qua, dường như ngành môi trường chỉ đi theo giải quyết hậu quả mà chưa đưa ra được những giải pháp ngăn chặn hiệu quả? Chi phí để giải quyết các thảm họa môi trường bao giờ cũng rất đắt. Tại sao chúng ta cứ để xảy ra thảm họa rồi mới đi giải quyết?

- Công tác vớt rác trên kênh, rạch hiện nay được thực hiện trên bốn tuyến kênh của thành phố. Trong đó có 3 tuyến kênh lớn: Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Kênh Đôi – Kênh Tẻ; Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm. Trên 3 tuyến kênh lớn, rác được vớt không chỉ là rác sinh hoạt do người dân thiếu ý thức xả ra mà còn bao gồm một lượng lớn lục bình trôi từ sông Sài Gòn vào, lượng lục bình nhiều hay ít phụ thuộc theo mùa và hướng gió, chỉ mỗi tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gồm là rác sinh hoạt ứ đọng nhiều.

Hiện nay, Sở TNMT vẫn đang thực hiện các giải pháp ngăn chặn như là hoàn thiện chính sách quản lý, quy định xử phạt, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và công tác vớt rác trên kênh, rạch là một phần trong công tác tuyên truyền này.

Thu Huyền - Nữ - ĐHNL quận Thủ Đức
- Nghe nói, một lượng phân hầm cầu không nhỏ đã được đổ lén lút ở nhiều sông, kênh? Có đúng không? Nếu có lực lượng bảo vệ môi trường ở đâu mà để điều ấy xảy ra?

- Sau khi công ty môi trường đô thị tiếp nhận bùn hầm cầu để xử lý, thống kê trong hơn 2 tháng qua (từ 1/1/2007 đến 15/3/2007), bình quân mỗi ngày tiếp nhận từ 350 đến 400m3 bùn hầm cầu.
Để tăng cường kiểm tra giám sát quá trình vận chuyển bùn hầm cầu phải có sự tham gia từ cấp phường xã đến phòng quản lý TNMT quận huyện, và đặc biệt sự giám sát phát hiện của mỗi người dân. Nếu phát hiện cần thông báo kịp thời cho phường xã (UBND, Công an phường, cán bộ quản lý phòng TNMT) để xử lý kịp thời với những người điều khiển phương tiện vi phạm.

Minh Trí - Nam - Bình Tân
- Hiện nay xe gắn máy đang góp phần gây ô nhiễm nặng tại các khu đô thị. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm triển khai việc kiểm tra khí thải hai bánh?

- Chúng tôi đồng tình với nhận định của bạn và với đề nghị của bạn. Các sở ngành của thành phố đã có xem xét vấn đề kiểm tra khí thải xe hai bánh, tuy nhiên mặt này cần được nghiên cứu xem xét kỹ nhiều khía cạnh để có cơ sở tổ chức thực hiện sát hợp, để đề xuất với UBND TP quyết định.

Lê Thị Quỳ - Nữ 28 tuổi - Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh
- Các con kênh tại TP hiện vẫn đen ngòm, hôi thuí. Bao giờ thì nguời dân hết sống chung với kênh đen? Ở góc độ nguời quản lý về môi truờng, ông có thể cho biết các giải pháp sắp tới của TP là gì?

- 1. Nguyên nhân:
- Do các kênh rạch là nơi tiếp nhận các loại nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa xử lý đúng quy định. Do nước kênh rạch ở thành phố là phần hạ nguồn, tiếp nhận thêm nước thải từ các địa phương ở thượng nguồn.
- Do chế độ bán nhật triều, nên việc tiêu thoát nước ở kênh rạch hạn chế.

2. Giải pháp:
- Tiến hành nhanh các dự án cải thiện môi trường đang triển khai hiện nay như dự án cải thiện môi trường nâng cấp đô thị, dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án đại lộ Đông Tây...các dự án này đều có nội dung thu gom xử lý chất thải.

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 6

- Trước mắt, các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường.

- Đối với nước thải ở các khu dân cư xây dựng mới, phải xây dựng các hệ thống thu gom xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

- Phối hợp với các địa phương trong dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai để từng bước đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải công nghiệp và sinh hoạt đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường

Bùi Tá Vinh - Nam - Quận 9
- Tiến sĩ Trương Nguyên Việt của Sở TN-MT đã từng phát biểu trên báo là sử dụng túi ni lông rất có hại cho môi trường vì nó khó phân hủy. Thế nhưng hiện nay ở chợ, siêu thị và bất cứ ở đâu người ta cũng dùng túi ni lông để đựng đồ. Sở TN-MT nghĩ sao về việc này?

- Túi nylon như hiện nay là hợp chất polymer khó phân hủy, thời gian phân hủy có thể lên đến 1.000 năm. Trong quá trình thu gom lẫn trong rác gây khó khăn trong quá trình phân hủy các hợp chất khác. Đó là những tác hại của việc sử dụng túi nylon.

Tuy nhiên vì tính tiện dụng cũng như thói quen sử dụng đã làm cho việc sử dụng túi nylon trở nên phổ biến trong người dân.

Hiện nay thành phố đang thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn tại Q6 theo đó rác sinh hoạt sẽ được tách thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Các rác thải vô cơ như túi nylon sẽ được thu gom và làm nguyên liệu tái chế. Bên cạnh đó sở sẽ tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hạn chế sử dụng túi nylon, hướng tới sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Nguyễn Văn Cát - Nam - Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức
- Nhà máy xi măng Hà Tiên (Thủ Đức) có thuộc diện phải di dời, hiện ở khu vực này vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khói, bụi, nươc thải. Xin Sở TNMT đưa ra danh sách nhưng đơn vị phải di dời cho dân biết?

- Nhà máy xi măng Hà Tiên nằm trong danh sách di dời theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để.

Hiện nay nhà máy đã thực hiện xử lý khí thải bụi tại công đoạn trộn, vô bao với tổng vốn đầu tư là 24 triệu USD và hoàn tất vào năm 2002. Để tiếp tục xử lý triệt để, theo kế hoạch của Bộ Xây dựng (Bộ chủ quản), sẽ đầu tư nhà máy xi măng Bình Phước (hoàn thành năm 2008), sau đó đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại xi măng Hà Tiên, dự kiến hoàn thành năm 2009.

Sở TN-MT yêu cầu Nhà máy xi măng Hà Tiên vận hành thường xuyên, bảo trì hệ thống xử lý bụi, đề nghị phòng TN-MT quận Thủ Đức kiểm tra, giám sát việc chấp hành yêu cầu xử lý môi trường của nhà máy đồng thời Sở TN-MT đề nghị UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của Nhà máy xi măng Hà Tiên theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Đình Tiến - Nam - Tăng Nhơn Phú A, quận 9
- Nghe nói Chính phủ đã có quy định về Nghĩa trang, điều đó có đúng không? Nếu có bao giờ áp dụng? TP HCM xử lý vấn đề chôn người chết tràn làn như thế nào?

- Hiện nay, ngoài các nghĩa trang hiện có như các Nghĩa trang Liệt sĩ của thành phố và quận, thành phố đang quy hoạch và xây dựng thêm nghĩa trang chính sách ở huyện Củ Chi (khoảng 100ha), nghĩa trang Đa Phước (60ha - đang thực hiện khoảng 7ha).

Với các nghĩa trang đang ở trong khu dân cư sẽ do quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang đô thị của các quận huyện và thành phố xem xét cân nhắc. Thành phố đã và đang đầu tư các lò hoả táng (tại Bình Hưng Hoà và Đa Phước), nhằm vận động mọi người dân biết và sử dụng trong trường hợp gia đình có việc hiếu, hạn chế chôn cất.

Thảo Nguyên - Nam 50 tuổi - vu_thaonguyen@yahoo.com
- Thưa ông Giám đốc Sở, ông đánh giá thế nào về thực trạng của môi trường TP.HCM. Sau thời gian khá dàì, dường như cùng với sự phát triển chung của các mặt khác, TP đang gặp phải sự lúng túng trong vấn đề về môi truờng, đặc biệt là môi trường của các vùng dân cư mới mở, các khu dân cư vùng ven . Một nghịch lý là hình như càng đầu tư vào các vùng nội thành bao nhiêu thì TP càng ít quan tâm, thậm chí còn coi các vùng ngoại vi như các quận Tân Phú, Bình Tân, quận 9, quận 12, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn... là các khu vực "tồn trữ", trung chuyển rác của các nơi khác. Hàng năm trời người dân khu vực Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân... chịu trận với mùi xú uế từ các bãi rác thải. Nếu cứ chờ đợi nữa thì bao nhiêu năm nữa?

- Hiện nay các vấn đề trên xuất phát từ việc thành phố chưa có một qui hoạch mang tính chiến lược cho công tác quản lý chất thải rắn (rác). Do đó, Sở tài nguyên và Môi trường đang gấp rút tiến hành xây dựng qui hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị đến 2010 và định hướng đến 2020 cuối 2007 sẽ hoàn thành, khi hoàn thành Qui hoạch sẽ lựa chọn các vị trí, công nghệ xử lý an toàn cho môi trường va con người, hạn chế xử lý rác bằng phương phap chôn lấp mà chuyển sang các công nghệ mới như tận dụng làm phân compost, nguyên liệu tái chế,…

Đối với các trạm trung chuyển rác, Thành phố đang chương trình xây dựng các trạm trung chuyển rác đạt tiêu chuẩn môi trường tại 24 địa bàn quận huyện.

Sau khi hoàn thành qui hoạch thì các vấn đề tồn tại bạn đề cập hiện nay sẽ được giải quyết triệt để.

Hoàng Nam - Nam - Thủ Đức
- TPHCM có nên để tồn tại những người thu gom ve chai lẻ tẻ? Tôi muốn hỏi điều này bởi hiện nay có nhiều người ngoại tỉnh về TPHCM đi lượm ve chai rồi chở thành đống cao chất ngất đi nghênh ngang ngoài đường, gây tai nạn giao thông? Tôi không có ý định phân biệt nhưng chở ve chai đi nghênh ngang ngoài đường như vậy không vệ sinh và không an toàn cho chính họ và mọi người xung quanh.

- Hiện công tác thu gom ve chai đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 18 đến 20 ngàn người dân, đặc biệt là dân nghèo không có điều kiện học tập và đầu tư. Đây là một lĩnh vực kinh tế đang được khuyến khích không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới. Sở TNMT đã thành lập Quỹ Tái Chế và đang soạn thảo quy chế khuyến khích các hoạt động tái chế và tái sử dụng. Với các hoạt động trên, trọng lượng của công tác thu gom ve chai sẽ được cải thiện đáng kể.

Cao Văn Thắng - Nam - Thảo Điền, quận 2
- Hiện nay phần lớn xe ba gác máy chở rác của lực lượng rác dân lập cũ kỹ và hôi hám quá. Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho họ thay đổi phương tiện?

- Hiện nay thành phố đang xét duyệt và triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn. Chương trình này có nguồn hỗ trợ trang bị xe thu gom rác cho lực lượng rác dân lập. Ngoài ra Sở TN-MT đang tìm kiếm các nguồn tài chính lãi suất thấp nhằm hỗ trợ cho hệ thống thu gom rác tại địa bàn phường xã.

Đình Mạnh - Nam 24 tuổi - - Bình Thạnh
- Ở nhiều khu vực trung tâm thành phố, chúng tôi thấy chỉ thực sự sạch sẽ, đẹp vào những ngày lễ, Tết; bình thuờng thì không được như vậy. Ông có thể cho biết vì sao và theo ông, phải làm thế nào để thành phố chúng ta luôn sạch đẹp?

- Hiện nay, trong những ngày bình thường lượng rác phát sinh khoảng 6.000 tấn/ngày, tất cả lượng rác này được thu gom xử lý bởi lực lượng thu gom rác dân lập và các công ty dịch vụ công ích quận huyện. Với lượng rác phát sinh lớn hiện nay, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu gom và xử lý, cụ thể vẫn tồn tại một số điểm tồn đọng rác.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia xử lý rác. Dự kiến trong giai đoạn 2008-2009, lượng rác trong thành phố sẽ được giải quyết triệt để nhằm hạn chế những tồn tại như đã phản ánh.

theo kinh nghiệm trong giai đoạn Tết Nguyên Đán lượng rác sẽ phát sinh đột biến, thường tăng khoảng gấp đôi so với ngày thường. Đánh giá được tình hình đó, Sở TNMT đã chủ động chỉ đạo công ty môi trường đô thị và các công ty dịch vụ công ích có kế hoạch cụ thể và tăng cường nhân lực để giải quyết rác phát sinh trong dịp Tết.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất để thành phố luôn sạch đẹp trong các ngày lễ tết cũng như ngày thường đòi hỏi ý thức chấp hành của mỗi người dân rất cao như không xả rác bừa bãi, xả rác đúng nơi quy định, không bẻ cây chặt cành trên đường phố cũng như trong công viên, tự giác nhắc nhở lẫn nhau giữ gìn vệ sinh chung. Có như vậy mới góp phần thành phố sạch đẹp.

Hồ Chánh - Nam - Tân Phú
- Hiện nay hầu như toàn bộ nguời dân TP khi ra đuờng đều phải bịt khẩu trang. Sở TN - MT có cho rằng nên hạn chế dần các phương tiện cá nhân không? có bao giờ Sở TN - MT ngồi lại với Sở GTCC đển bàn về vấn đề giữ gìn môi truờng trong giao thông chưa?

- Hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí trên các trục đường giao thông được Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN-MT thực hiện quan trắc và thông báo cho cộng đồng thông qua bảng báo điện tử tại đầu đường Trần Hưng Đạo, Q1. Qua quan trắc cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do khói thải từ các phương tiện giao thông gây ra. Do đó UBND TP đã có giải pháp hạn chế dần các phương tiện cá nhân, tăng cường hoạt động vận tải công cộng.

Tuy nhiên việc này hiệu quả cũng đã được ghi nhận với lượng người tham gia qua phương tiện công cộng tăng lên nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu mong muốn của chính quyền, bởi đây là việc khó do phải cân nhắc giữa lợi ích của người dân và cộng đồng trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường do giao thông, giữa hai sở TN-MT và GTCC cũng đã có nhiều buổi làm việc với nhau để bàn những giải pháp với kết quả là có một số chương trình đã thực hiện như: Thay thế xăng chất lượng cao hơn, tổ chức thẩm định xe nghiêm ngặt hơn, vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Minh Trí - Nam - Bình Thạnh
- Hiện nay người tiêu dùng có xu hướng sử dụng xe phân khối lớn trong khi giao thông thành phố ngày càng khó khăn. Như vậy có phải lãng phí tài nguyên và ô nhiễm MT? Sở TN có động thái gì truớc xu hướng này?

- Nền kinh tế thành phố phát triển nhanh, mức sống của người dân tăng cao. Do đó nhu cầu cải thiện về tiện nghi trong đó có phương tiện giao thông cũng tăng theo. Việc người dân mua xe phân khối lớn (mô tô, ôtô) là xu thế khách quan.

Giải pháp: Các sở, ban, ngành thành phố đã ban hành và thực hiện các nội dung công việc sau:

1. Quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống giao thông của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2006 trong đó tập trung phát triển phương tiện giao thông công cộng như hệ thống xe buýt, xe điện ngầm...

2. Nghiên cứu và đề xuất giải pháp kiểm tra khí thải xe gắn máy, xe ôtô. Với những xe đã hết hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý theo quy định chung.

Lê Ngọc Linh - Nam 38 tuổi - kslinh@gmail.com
- Xin Tiến sĩ cho biết việc vận chuyển rác thải vào các giờ lưu thông cao điểm đông người được xử lý như thế nào để đảm bảo môi trường?

- Theo quy định, xe vận chuyển rác chỉ được hoạt động từ 18h đến 6h sáng. Xe container ép kín được phép vận hành từ 12h trưa, các xe đẩy tay thu gom rác từ khu dân cư có thể hoạt động sớm hơn.

Xã hội hóa toàn bộ dịch vụ vệ sinh môi trường ảnh 7
Phó TBT Báo SGGP Võ Hồng Sơn (phải) tặng hoa GĐ Sở TN-MT Trần Thế Ngọc

Hiện nay, để cải thiện điều kiện môi trường tất cả các xe chở rác đều phải là xe ép kín, có thiết bị chứa nước rỉ rác. Điều kiện vệ sinh đã được cải tiến rất nhiều và ngày càng tốt hơn.

Báo SGGP và Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM chân thành cảm ơn bạn đọc đã tham gia đặt câu hỏi,  góp ý và hiến kế một số giải pháp để bảo vệ môi trường TPHCM Xanh – Sạch – Đẹp.

Do thời gian giao lưu có hạn nên còn một số câu hỏi của bạn đọc chúng tôi chưa trả lời được. Rất mong bạn đọc thông cảm. Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi của bạn đọc trong trang Tài nguyên – Môi trường trên Báo SGGP phát hành thứ 6 hàng tuần.

SGGP Online

Tin cùng chuyên mục