Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam ở nước ngoài

Hoàng Tâm -
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam ở nước ngoài

Nghị quyết 1037 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 27-7-2006 liên quan đến giao dịch dân sự về nhà ở, được xác lập trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, đã có hiệu lực từ hai năm nay. Mới đây, UBND TPHCM đã giao cho Sở Xây dựng triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng) cho các đối tượng có liên quan.

Sáng nay, Ban Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đã có mặt tại Tòa soạn SGGP online để hướng dẫn các thủ tục cũng như trả lời những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này. Sau đây là nội dung giao lưu:

Woopsideisies- woopsideisies@yahoo.com
- Tôi nghe nói, hiện nay tại TPHCM chỉ mới cấp được khoảng trên 100 “giấy hồng” cho Việt Kiều, vậy có đúng không? Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc cấp “giấy hồng” cho đối tượng trên còn quá ít là do đâu? Cái “vướng” đó tại sao cho đến nay vẫn chưa tháo dỡ? Là lãnh đạo Sở Xây dựng, ông có tham mưu gì để đẩy nhanh việc cấp giấy chủ quyền nhà cho đối tượng này không?

- Trả lời: Tính đến ngày 19/5/2008, tại thành phố Hồ Chí Minh có 107 trường hợp Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký quyền sở hữu nhà ở do nhận chuyển nhượng thông qua Hợp đồng công chứng. 

- Một số vướng mắc còn tồn tại trong công tác cấp Giấy chứng nhận cho Việt kiều là do nhiều quy định pháp luật về vấn đề này chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể như sau:

+ Trường hợp Việt kiều được phép về sống ổn định tại Việt Nam (là người có đơn đề nghị về sinh sống ổn định tại Việt Nam, được cấp có thẩm quyền của Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam chấp thuận) được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 65 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ, thì thuật ngữ “về sống ổn định tại Việt Nam” chưa được Cơ quan có thẩm quyền giải thích hoặc hướng dẫn, nên khó vận dụng trong thực tế.

+ Trường hợp Việt kiều được phép cư trú có thời hạn từ 6 tháng trở lên chỉ được sở hữu 01 căn nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 65 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ, thì Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam của Việt kiều, nhưng đến nay các Bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, nên việc chứng nhận Hợp đồng mua bán hay cấp Giấy chứng nhận cho đối tượng này còn lúng túng.

+ Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho Việt kiều theo Nghị quyết 1037 đối với trường hợp người mua, người nhận tặng/cho nhà ở phải có Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở quy định tại Điều 13 và 36. Tuy nhiên, có rất nhiều truờng hợp giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 không hợp pháp do các bên tự thỏa thuận mua bán, tặng cho nhà ở bằng giấy tay (do nhà ở chưa cho giấy tờ hợp lệ), thì hiện nay các bên khó có điều kiện để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

+ Trường hợp sở hữu nhà ở của Việt kiều đã được xác lập, nhưng không có quy định cấp Giấy chứng nhận. Đây là các trường hợp Việt kiều xuất cảnh từ ngày 01/7/1991 trở về sau và trước khi xuất cảnh đã có nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức tạo lập hợp pháp (có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, có Giấy chứng nhận được cấp theo Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ) hoặc tạo lập chưa hợp pháp (nhận chuyển nhà ở bằng giấy tay, ...); trước khi xuất cảnh, họ có ủy quyền hoặc chưa lập thủ tục ủy quyền quản lý sử dụng nhà ở cho người thân ở trong nước; nay chưa được cấp Giấy chứng nhận theo quy định hiện hành, vì không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005.

- Các vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng đã có 02 lần báo cáo Bộ Xây dựng để xin ý kiến giải quyết vào tháng 9/2007 và tháng 5/2008.

Nguyễn Thị Thanh - đường Phan Đăng Lưu, P.3 Q.Phú Nhuận

- Kính mong quý Sở hưóng dẫn cho tôi một số thủ tục pháp lý liên quan đến nhà và đất đối với căn nhà trên đường Phan Đăng Lưu P.3 Q.Phú Nhuận cụ thể như sau: Vào năm 1953, mẹ ruột tôi có được tỉnh Gia Định cấp phép xây dựng căn nhà trên mảnh đất do tôi mua phát mãi của Toà Sơ thẩm Sài Gòn, đã nộp thuế trước bạ và có bằng khoán điền thổ mang tên tôi vào năm 1958. Năm 1975 mẹ tôi qua đời (cha tôi mất trước năm 1953) có 5 con (2 đã mất không vợ con, 3 còn sống). Do có 1 người con đang định cư ở nước ngoài nên từ trước tới nay chưa được công nhận quyền sở hữu nhà là do di sản do mẹ để lại cho 3 người con. Nay đã có Nghị quyết 1037 của UBTVQH đã giải toả được yếu tố nước ngoài đối với phần thừa kế và sở hữu của em tôi, nhưng còn phải chờ văn bản hướng dẫn thực hiện.. Tuy nhiên do quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của riêng tôi, không phải di sản thừa kế do mẹ chết để lại. Tôi muốn lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2003 có được hay không (thay vì phải chờ nghị định hướng dẫn thực hiện luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 01/09/2006 và văn bản hưóng dẫn thực hiện Nghị quyết 1037/2006/UBTVQH có hiệu lực ngày 1/9/2006 để được cấp cùng lúc sổ hồng đối với phần di sản là nhà cho 3 đồng thừa kê và sổ đỏ cho riêng tôi)? Tất nhiên là sau này, khi có văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết 1037, tôi sẽ lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với phần di sản là nhà của mẹ chết để lại. Tóm lại tôi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật đất đai năm 2003 và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo Luật nhà ở và nghị quyết 1037/2006/UBTVQH thì có trở ngại gì không? Rất mong nhận được sự quan tâm giải đáp của quý sở.. Trân trọng kính chào và vô cùng biết ơn quý sở.

- Trả lời: Trường hợp này, Bà nên liên hệ Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền với 02 nội dung:

- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy đỏ) cho riêng Bà do mua phát mãi của Tòa sơ thẩm Sài Gòn và được cấp Bằng khoán điền thổ năm 1958.

- Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Giấy hồng 01 quyền) đối với phần kiến trúc trên đất thuộc di sản của mẹ Bà (chết năm 1975) đã được Tỉnh Gia Định cấp Giấy phép xây dựng vào năm 1953.

Hoàng Anh - qui12390@yahoo.com - 17 Đào Nguyên Phổ P4,Q11, Tp.HCM
- Xin hỏi: nhà đồng sở hữu 4 người cùng đứng tên trên bằng khoán (nhà chưa bị nhà nước quản lý, nhà tư nhân). Trong đó : 2 người đi nước ngoài trước năm 1991 ( đi diện đoàn tụ bảo lãnh ). 2 người còn ở VN (1 người còn sống, 1 người đã chết). Nhà này có 1 người cháu cùng gia đình ở nhờ, không có làm hợp đồng cho ở nhờ, khi cho ở nhờ không giấy tờ chỉ nói bằng miệng. Nay 2 người ở VN đã làm thư đòi nhà cho người cháu ở nhờ nói trên (đã được kí nhận ) . - 2 người nước ngoài đã chết, dàn con đã đồng loạt nhất trí ủy quyền cho 1 người ở VN làm đại diện ( đã có giấy ủy quyền đi đòi nhà, khởi kiện lên tòa và làm hợp thức hóa đỗi chủ quyền) nhưng người ở nhờ không chịu ký thư đòi nhà của 2 người ở nước ngoài . Như vậy căn nhà đồng sở hữu này chỉ có 2 thư đòi nhà , thiếu 2 thư đòi nhà của 2 người nước ngoài do đó tòa không chịu thụ lý hồ sơ khởi kiện đòi lại nguyên căn nhà . Chúng tôi có liên hệ UBND tại địa phương tống đạt dùm thư thông báo đòi nhà của 2 người nước ngoài nhưng địa phương trả lời không có chức năng trừ khi tòa gửi thư đề nghị phường. ( Nhưng Tòa chưa thụ lý hồ sơ khởi kiện vì thiếu thư đòi nhà của 2 người nước ngoài) thì làm sao có thư của tòa gửi về địa phương được. Để đòi được căn nhà đồng sở hữu trên chúng tôi phải làm sao? Hướng giải quyết như thế nào ? .

- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: trường hợp căn nhà của ông (bà) thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự, đề nghi ông (bà) liên hệ Tòa án nhân dân TP để yêu cầu hướng dẫn rõ ràng về thủ tục cần thiết để tiến hành khởi kiện. Rất tiếc, lĩnh vực này không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, đối với chủ sở hữu đã chết thì những đồng thừa kế hợp pháp đều có quyền tiến hành khởi kiện để đòi lại nhà.

Một người dân
- Gia đình tôi (5 anh em) có nhận thừa kế căn nhà do mẹ tôi để lại. Trong đó, có 2 người anh đang ở nước ngoài. Hiện nay, tôi muốn làm giấy hồng thì tôi phải thực hiện ra sao?

- Trả lời: Câu hỏi này chưa nêu cụ thể tình trạng pháp lý hiện nay của căn nhà (như: đã có giấy tờ chủ quyền nhà đất hợp lệ hay chưa; mẹ bạn chết khi nào; cha bạn có hay không, còn sống hay đã chết; 02 người anh đang ở nước ngoài xuất cảnh khi nào, trước hay sau thời điểm mở thừa kế), nhưng về nguyên tắc có thể chia thành 02 trường hợp sau đây để giải quyết:

- Trường hợp thứ 1: nếu căn nhà đã có chủ quyền hợp pháp của cha mẹ bạn, thì bạn có thể đại diện các đồng thừa kế còn lại lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế căn nhà này thuộc phần sở hữu của mẹ bạn để lại tại Cơ quan công chứng, chứng thực.

- Trường hợp thứ 2: nếu căn nhà chưa có chủ quyền hợp pháp của cha mẹ bạn, thì bạn có thể đại diện các đồng thừa kế còn lại lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở căn nhà này do cha mẹ bạn tạo lập; sau khi được cấp Giấy chứng nhận, thì lập thủ tục khai nhận di sản thừa kế căn nhà này do mẹ bạn để lại tại Cơ quan công chứng, chứng thực như trường hợp thứ 1 được nêu trên.

TRẦN TÚY LINH -  minhnq1@gmail.com - PO BOX 1373, Herndon VA 20172, USA
- Tôi là người VN định cư ở Mỹ (không thuộc diện được mua nhà tại VN). Mẹ tôi có căn nhà tại Quận 3 TP.HCM do Mẹ tôi đứng tên. Giấy tờ nhà là giấy phép xây cất, văn bản chấp thuận cấp số nhà của chế độ cũ. Cha, Mẹ tôi chỉ có 1 mình tôi là con và tôi là người thừa kế duy nhất. Mẹ tôi mất năm 2005. - Tôi uỷ quyền cho người đến Phòng Công chứng để làm làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì Phòng Công chứng trả lời là không được vì giấy tờ nhà của tôi chỉ có bản photo hoặc bản sao (mẹ tôi mất ở SG, tôi ở nước ngoài nên không tìm thấy bản chính giấy tờ). Mặc dù tôi đã trích lục được Tờ khai nhà cửa năm 1977 và Tờ khai đăng ký nhà đất năm 1999.
Theo hướng dẫn của Phòng Công chứng , tôi đến UBND Quận 3 để làm thủ tục khai trình hợp thức hóa nhà. Nơi này cũng nói không được vì tôi là người nước ngoài thì chỉ được hưởng giá trị căn nhà, không được đứng tên trên giấy tờ nhà, chờ quy định mới.. . Vậy trong trường hợp như trên, tôi phải đi đến đâu và làm thủ tục như thế nào để được hưởng quyền thừa kế hợp pháp của tôi đối với căn nhà nói trên hoặc bằng cách nào để tôi được hưởng giá trị căn nhà trên của Mẹ tôi để lại.. Mong được sự trả lời. Xin cám ơn

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 2
Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng

Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng: Chúng tôi rất tiếc vì không thể hướng dẫn cho trường hợp của Bà được, do hiện nay các quy định của pháp luật không hướng dẫn (quy định) cụ thể trường hợp này. Chúng tôi sẽ ghi nhận để nghiên cứu và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cấp trên.  

Hoàng Tâm -  tamnth162@yahoo.com
- Xin hỏi các chú về việc nhà đất của ba, mẹ cháu. Vì nhà đất của ba, mẹ cháu có lẽ cũng thuộc diện trong Nghị Quyết 1037 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. . Ông bà nội, các bác, chú và ba cháu tập kết ra Bắc năm 1954. Làm việc ở Hà Nội.
Năm 1975 ông, bà nội cháu trở về Nam, ngụ tại nhà bác cháu (bác trai cháu là sĩ quan chế Sài Gòn) cùng ở với vợ con bác ấy. Năm 1977 ba, mẹ cháu vào ở cùng ông bà nội và bác gái. Cuối năm 1978 ba, mẹ cháu nhập hộ khẩu vào hộ ông bà và bác gái.
Năm 1978 bác gái bỏ đi biệt tích đến ngày nay. Nhà của bác cháu nhà nước không quản lý. 
Năm 1984 bác trai cháu đi học tập về và đi định cư tại nước ngoài. Năm 1980 ông nội cháu mất. Nằm 1993 bà nội cháu mất (ông bà nội cháu mất ở nhà này) .
Hiện nay các bác, chú cháu đều ở riêng.
Riêng bác trai cháu (chủ nhà) ở nước ngoài già yếu không về VN được (80 tuổi). Nên bác ấy làm giấy tặng cho ba cháu cái nhà hiện gia đình cháu đang ở (có thị thực chữ ký nơi bác cư ngụ). Tính đến ngày nay nói riêng, ba mẹ cháu và các cháu cư ngụ tại ngôi nhà đó (nếu tính theo thời gian nhập hộ khẩu) đúng 30 năm. Ngôi nhà nay từ trước đến giờ đều dung để ở, không trong diện quy họach, không tranh chấp. Cháu đọc báo thấy nếu cư ngụ được 30 năm, không tranh chấp, khiếu nại, không vướng qui hoạch thì người cư ngụ được nhà nước cấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Qua trình bày của bạn, tôi chưa rõ là căn nhà này thuộc sở hữu của ai. Trong trường hợp căn nhà này thuộc sở hữu của ông bà là bác của bạn thì cần lưu ý các quy định như sau: Bác gái của bạn là đồng sở hữu căn nhà, nay nếu muốn chuyển nhượng phần sở hữu của bác ấy phải căn cứ điều 96 Luật Nhà ở. Theo đó, trường hợp nhà ở có chủ sở hữu chung vắng mặt phải được tòa án tuyên bố mất tích thì các chủ sở hữu chung còn lại mới được chuyển nhượng quyền sở hữu, như vậy, bạn phải tiến hành thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố bác gái bạn mất tích; đối với phần sở hữu của bác trai của bạn, nếu muốn tặng cho thì phải làm thủ tục tặng cho tại phòng công chứng nhà nước hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục tặng cho. Để làm được điều này, cần lưu ý là căn nhà chưa bị nhà nước quản lý bằng các chính sách cải tạo, quản lý nhà đất đối với diện nhà vắng chủ hoặc nhà diện 2/IV.

Chiêm Diệu Trương -  Đường Nguyễn Thị Nhỏ P2, Q6
- Tôi được anh ruột tôi là Chiêm Thạnh sang nhượng căn nhà này để đi xuất cảnh vào năm 1982. Năm 2003, tôi nộp đơn xin cấp chủ quyền cho căn nhà trên nhưng Sở Xây dựng trả lời chưa có cơ sở giải quyết. Năm 2007, ông Trương nộp hồ sơ xin cấp chủ quyền nhà tại UBND quận 6 nhưng vẫn không được. Nhà tôi bị “treo” mấy năm nay rồi, nay nghe nói đã được tháo gỡ nên kính xin quý SỞ hướng dẫn giúp. Xin chân thành cảm ơn! Câu hỏi của một bạn đọc khác: Tôi đang số tại căn nhà số 18-20 Tản Đà (quận 5). Thời gian qua chúng tôi xin cấp giấy chủ quyền nhà nhưng bị Sở Xây dựng từ chối vì cho rằng căn nhà nêu trên có liên quan đến giao dịch dân sự về nhà ở - có yếu tố nước ngoài (mẹ tôi đang định cư tại Pháp) nên phải chờ Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11. Mặc dù trước đây UBND quận 5 có quyết định (số 214/QĐ-UB, ngày 26-7-1988) chấp nhận quyền sở hữu căn nhà 18-20 Tản Đà đối với hộ của tôi. Vậy hiện nay tôi có được cấp “giấy hồng” chưa?

Trả lời: Hai căn nhà nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 2851/UBND-ĐTMT ngày 08/5/2008 chấp thuận giải quyết theo báo cáo, đề xuất của Sở Tư pháp tại Công văn số 449/STP-VB ngày 19/02/2008; theo đó, Sở Xây dựng đã có Công văn số 3602/CCQNĐ ngày 30/5/2008 đề nghị Ủy ban nhân dân quận 5 và 6 thực hiện cấp Giấy chứng nhận đối với 02 trường hợp này theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

Hanhphuc - Nam - hanhphucdl@gmail.com
- Trước khi xuất cảnh, tôi có làm văn bản cho Nhà nước mượn một căn nhà. Hiện nay căn nhà của tôi đang được sử dụng để làm một trụ sở văn phòng. Vậy tôi có thể đòi lại nhà hay không? Tôi phải liên hệ ở đâu và thủ tục bao gồm những gì?
Trả lời: Về nguyên tắc, nếu bạn xuất cảnh trước ngày 01/7/1991 thì bạn thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết 1037 và căn nhà tại thời điểm giao dịch dân sự là nhà ở, bạn đã có hợp đồng bằng văn bản cho mượn nhà có chữ ký của hai bên thì bạn được quyền đòi lại nhà theo khoản 2, điều 27 Nghị quyết 1037. Bạn có thể liên hệ tại Sở Xây dựng để được hướng dẫn.

longsa - Nam - longsa@yahoo.com
- Trước khi xuất cảnh đi Pháp (vào năm 1972), cậu tôi không để lại giấy tờ hoặc văn bản nào để gửi nhà lại. Gia đình chúng tôi đã sống tại căn nhà đó từ năm 1972 đến nay (đã được cấp giấy chủ quyền nhà và có sổ hộ khẩu). Thế nhưng đến nay, cậu tôi hồi hương và đòi lại căn nhà trên. Vậy chúng tôi có được hưởng quyền lợi gì không nếu cậu tôi cứ một mực đòi lại nhà (gia đình chúng tôi đã sống tại căn nhà trên 30 năm)? Trường hợp này có được áp dụng theo NQ 1037 không?

Trả lời: Trường hợp bạn nêu chưa rõ căn nhà trên gia đình bạn được cấp chủ quyền như thế nào (như: hợp thức hóa quyền sở hữu nhà ở thuộc diện tư nhân hay căn nhà này đã được Nhà nước quản lý theo diện nhà đất vắng chủ theo chính sách cải tạo nhà đất trước ngày 01/7/1991, gia đình bạn được lưu thuê và mua lại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước), cho nên 02 tình huống xảy ra:

- Nếu căn nhà này đã được Nhà nước quản lý theo diện nhà đất vắng chủ theo chính sách cải tạo nhà đất trước ngày 01/7/1991 và gia đình bạn được lưu thuê, mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thì căn nhà này hiện nay thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn.

- Còn trường hợp ngược lại, thì việc tranh chấp quyền sở hữu nhà ở sẽ do Tòa án giải quyết theo quy định.

JOHN PAKER - Nam, 30 tuổi - John_paker123@yahoo.com - TPHCM
- Tôi là nguời Việt Nam - Quốc tịch Việt Nam - Vậy tôi có thể di chúc lại biệt thự mà tôi đang ở cho con tôi (hiện đang sinh sống ở nuớc ngoài, có quốc tịch nước ngoài) đứng tên sở hữu biệt thự đó đuợc không? (Lê Hoài Nam, P17, Q.Bình Thạnh, TPHCM)
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Trường hợp này không thuôc đối tượng áp dụng Nghị quyết 1037 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Nếu căn biệt thự này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông bà và cho đến nay không bị nhà nước quản lý trong quá trình thực hiện các chính sách cải tạo, quản lý nhà đất thì ông bà có quyền để lại di chúc theo quy định của pháp luật.

Thu - Nữ - thu.vu@telkogroup.com.vn
- Tôi là người VN quốc tịch Mỹ và đang làm việc cho văn phòng đại diện của một công ty Mỹ tại VN từ năm 2000. Tôi có thẻ tạm trú tại VN. Tôi dự định mua một căn nhà ở vào tháng 9-2008. Câu hỏi: Tôi có được cấp giấy chủ quyền hồng trên căn nhà này không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng: Theo điều 126 Luật Nhà ở năm 2005 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp sau đây được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (không hạn chế số lượng nhà ở):

- Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam;

- Người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;

- Người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Ngoài những đối tượng trên, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ sáu tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ (và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định).

llwannadoll -  llwannadoll@yahoo.com
- Gia đình tôi hiện chỉ có giấy tờ nhà từ thời chế độ cũ. Hiện nay muốn chuyển đổi thành những loại giấy tờ mới như quy định hiện hành, có được không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Mời Ông xem câu trả lời của chúng tôi vừa đăng trong chương trình này

Nguyen Van Loi - Quận Bình Thạnh, TPHCM
- Tôi đang thuê nhà nhà nước. Căn nhà này của một Việt kiều vượt biên sang Úc từ năm 1979. Tôi đang đăng ký mua lại căn nhà này của nhà nước. Không biết sau này ông Việt kiều đó có về đòi lại nhà không?.
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Căn nhà mà ông nêu, Nhà nước đã quản lý theo các chính sách cải tạo XHCN về nhà đất trước ngày 01/7/1991 và ông là người thuê sử dụng, thì Nhà nước không xem xét lại việc quản lý trước đây đúng hay sai nữa và ông được phép mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.

llwannadoll - Nam - llwannadoll@yahoo.com
- Gia đình tôi hiện chỉ có giấy tờ nhà từ thời chế độ cũ. Hiện nay muốn chuyển đổi thành những loại giấy tờ mới như quy định hiện hành, có được không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Mời Ông xem câu trả lời của chúng tôi vừa đăng trong chương trình này

Tommy Trần - Nam - New York
- Được biết hiện nay tại TPHCM đã thực hiện NQ 1037 của UB Thường vụ Quốc hội là các trường hợp xuất cảnh trước năm 1991 nhưng có giấy có giấy tờ cho mượn nhà thì sẽ được đòi lại nhà. Gia đình tôi định năm sau sẽ về định cư tại Việt Nam, vậy tôi có thể đòi lại căn nhà trước đây tôi đã cho Nhà nước mượn? Vì gia đình không còn ai ở Việt Nam, nhưng tôi nghe một vài người bạn nói căn nhà tôi cho mượn trước đây (có giấy tờ cho mượn) hiện đang làm trường học cấp 2. Xin cho biết, vậy khả năng đòi lại nhà của tôi có thực hiện được không? Kính mong quý SỞ trả lời giúp. Cảm ơn quý Sở!
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Nghị quyết 1037 chỉ áp dụng đối với các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngòai tham gia. Trường hợp của bạn nếu tại thời điểm giao dịch căn nhà của bạn đang được dùng vào mục đích ở nhưng hiện nay đang làm trường học thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết 1037. Nhưng tại thời điểm giao dịch (cho mượn nhà) căn nhà của bạn không phải là nhà ở mà là trường học và hiện nay cũng đang làm trường học thì không thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết này. Trước khi xuất cảnh, bạn có làm hợp đồng bằng văn bản về việc cho mượn nhà ở có chữ ký của các bên thì khi bạn về nước bạn có thể làm thủ tục đòi lại nhà theo quy định của Nghị quyết 1037.

Người dân đến làm thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - đất tại Quận 3
Người dân đến làm thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - đất tại Quận 3

Quang Huỳnh - Nam - Q.Tân Bình
- Tôi định cư ở nước ngoài đã hơn 30 năm nay, tuổi già tôi muốn về nước mua nhà ở để an hưởng tuổi già trong lòng quê hương. Xin hỏi: tôi muốn mua một mảnh đất và xây nhà trên đó có được không? Tôi có thể để lại ngôi nhà này cho con cháu (hiện đang ở nước ngoài) sau khi tôi mất không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Chúng tôi mời Ông xem câu trả lời vừa đăng trong chương trình này.

Khi được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam (được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) thì Ông đương nhiên được định đoạt hoặc để lại thừa kế căn nhà trên.

Le Thanh Binh - Nam - 116 Nguyen Dinh Chieu, Q1, TP.HCM
- 2 mẹ con tôi cùng đứng tên sở hữu nhà, hiện nay con tôi sống và làm việc ở nước ngoài. Vậy sau này tôi có thể làm di chúc cho con tôi hưởng 1/2 ngôi nàh không ?

- Trả lời: Bà được quyền sở hữu một phần căn nhà, nên bà hoàn toàn có quyền để lại di chúc cho con bà theo quy định của Pháp luật

Nghiem Thi Phung -  230 Doc Lap, Phuong Tan Thanh , Quan Tân Phú, Tp.HCM
- Nha 45B Vo Thi Sau, phuong DaKao, quan 1, Tp. HCM nguyen truoc day la so huu hop phap cua Chu thim toi. Truoc khi di xuat canh hop phap sang Tay Duc nam 1980, chu thim toi da lap Giay cho can nha tren cho cha me toi vao ngay 16/6/1980. Giay cho nha da duoc thi thuc tai UBND Phuong luc bay gio vao ngay 18/6/1980 va da co but phe cua Ong Le Quang Chanh - nguyen Pho Chu tich UBND thanh pho - yeu cau Ong Muoi Hai - nguyen Giam doc So nha dat - xem xet giai quyet giup Ba Ma toi hop thuc hoa can nha.. . Ngay 26/3/1981, So Quan ly nha dat da cap Giay phep hop thuc hoa so 636/GP-6 can nha tren cho cha me toi va cha me toi da dong thue truoc ba vao ngay 23/6/1981tai Phong thue truoc ba quan 1.. . Vay toi xin hoi, de duoc cap So hong cho can nha 45 B Vo Thi Sau, phuong DaKao, quan 1, Tp. HCM, gia dinh toi phai den dau de lien he lam thu tuc cap So, thoi gian mat bao lau va can dem nhung ho so gi de ke khai ?. . . Do thoi gian xay ra da qua lau ( hon 28 nam) nen toi tha thiet kinh mong Ban Lanh dao So Xay dung huong dan cu the de gia dinh chung toi lam theo vi so Me toi khong du suc de theo duoi vu viec nay nua. . . Rat mong Ban Lanh dao So Xay dung co y kien phan hoi som. Xin thanh that cam on va tran trong kinh chao.
- Đề nghị bạn nên mang toàn bộ bản chụp hồ sơ có liên quan đến căn nhà số 45B đường Võ Thị Sáu, P. Đa Kao, Q.1 đến phòng tiếp nhận và trả hồ sơ của Sở Xây dựng (60 Trương Định, Q.3) để được hướng dẫn cụ thể.

Huỳnh Minh Nhiên - Quận 7
- Trong nghị quyết 1037 quy định, đối với trường hợp nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, nay muốn đòi lại nhà thì phải có thông báo đòi nhà theo thời hạn được quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Thế nhưng khi tôi gửi đơn kiện lên toà án nhân dân TP để đòi nhà thì bị trả lại vì lý do tôi không thông báo đòi nhà hoặc thông báo đòi nhà không đúng hình thức mà pháp luật quy định vì thông báo đòi nhà không được bên mượn, bên thuê, bên ở nhờ ký nhận. Xin ông hướng dẫn cụ thể giúp đơn đòi nhà đúng quy định là như thế nào? Hình thức gửi ra sao? Nếu người được cho thuê nhà, mượn nhà không chịu xác nhận vào đơn thì tôi phải làm thế nào? Xin hướng dẫn cụ thể giúp, cảm ơn!
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Theo trình bày của bạn, tôi chưa rõ trường hợp của bạn thực chất là dạng giao dịch dân sự gì ? Vì không thể cùng một lúc bạn vừa thực hiện việc cho thuê nhà, vừa cho mượn, cho ở nhờ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đối với trường hợp cho thuê nhà, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nay muốn lấy lại nhà phải làm thông báo bằng văn bản cho bên thuê, bên mượn, bên ở nhờ nhà biết trước theo quy định tại Nghị quyết 1037. Trong Nghị quyết này, không có yêu cầu thông báo phải có chữ ký của bên thuê nhà, bên mượn nhà, ở nhờ nhà. Theo trình bày của bạn, việc Tòa án yêu cầu phải có chữ ký của phía bên kia không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Sở Xây dựng. Đề nghị bạn liên hệ Tòa án nhân dân thành phố để được hướng dẫn rõ ràng về thủ tục tố tụng dân sự

Ngô Văn Dũng - Nam, 45 tuổi - dungnv1998@yahoo.com - Canada
- Năm 1989, trước khi đi xuất cảnh định cư ở nước ngoài  tôi đã cho em trai tôi một căn nhà dưới dạn lập ủy ( đã qua công chứng ) với nội dung: em tôi được quyền quản lý, định đoạt căn nhà trên  . Nay tôi muốn thay đổi ý định tr6en được không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Trường hợp ông muốn tự thay đổi ý định ủy quyền, thì có quyền thực hiện theo Điều 588 Bộ Luật Dân sự năm 2005, cụ thể là:

Trong trường hợp ủy quyền có thù lao, Ông có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào nhưng phải trả thù lao cho người nhận ủy quyền tương ứng với công việc mà họ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì Ông cũng được yêu cầu chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý (nếu văn bản ủy quyền được xác lập trước ngày 01/7/1991 thì thời hạn này ít nhất là 12 tháng trong trường hợp văn bản đó không xác định được thời hạn ủy quyền).

aibcvl - Nam - aibcvl@gmail.com
- Nhà ở thuộc diện 1037 sẽ được bồi thường như thế nào nếu nhà nước thu hồi? Theo NQ 1037, người được cấp “giấy hồng” chỉ có thời hạn trong 50 năm, vậy hết thời gian sở hữu nhà thuộc diện 1037 người dân có được quyền gia hạn hay không? Trong trường hợp nhà thuộc diện 1037 có xảy ra tranh chấp thì làm thế nào để được xét cấp giấy tờ nhà?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Nhà ở thuộc diện 1037 sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, khi nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường bình thường như các trường hợp nhà ở thuộc sở hữu của người Việt Nam trong nước, không có chuyện phân biệt giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngòai khi tiến hành thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc bạn hỏi  theo Nghị quyết 1037, người được cấp Giấy hồng chỉ có thời hạn 50 năm là không đúng. Khi được công nhận quyền sở hữu theo Nghị quyết 1037 là quyền sở hữu ổn định lâu dài. Quy định quyền sở hữu 50 năm là đối với tổ chức, cá nhân người nước ngòai sở hữu nhà ở theo Nghị quyết số 19 ngày 3/6/2008 của Quốc hội và Nghị quyết 19 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đây là hai đối tượng khác nhau. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các đối tượng liên quan Nghị quyết 1037 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án

JOHN PAKER - Nam, 30 tuổi - John_paker123@yahoo.com - TPHCM
- 1./ Tôi lập gia đình với người Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch của mình, nay tôi muốn mua nhà và đứng tên chủ quyền nhà, vậy tôi có đuợc mua nhà không phải là căn hộ không?. 2./ Tại sao nguời nuớc ngoài chỉ đuợc mua căn hộ và chỉ đuợc sở hữu trong 50 năm?. 3/ Tôi rất yêu cảnh đẹp của miền quê Nam Bộ Việt Nam, vậy tôi có thể mua đất, lập trang trại làm vuờn ở Đồng Tháp không?.

- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Chúng tôi mời Ông xem câu trả lời tương tự vừa đăng trong chương trình này.

foreinger_us@yahoo.com - Nam
- Tôi nghe nói theo NQ 1037, nếu cho nhà nuớc muợn nhà trước năm 1991 khi xuất cảnh thì đuợc đòi lại nhà nếu có hợp đồng cho mượn. Vậy nếu căn nhà tôi cho muợn đang sử dụng vào mục đích nào tôi cũng đòi đuợc hay sao? Nếu đang sử dụng vào mục đích quốc phòng, tôi có đuợc trả lại nhà không? hình thức trả ra sao?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Nếu trường hợp của bạn thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết 1037 thì theo quy định tại Nghị quyết này, bạn có quyền đòi lại nhà. Việc trả lại nhà mà trước đây cơ quan nhà nước mượn của bạn sẽ được tiến hành bằng 4 phương thức theo quy định tại điều 30 Nghị quyết 1037. Đó là, trả lại nhà ở mà cơ quan, tổ chức đang quản lý sử dụng; trả bằng nhà ở khác; trả bằng tiền; trả bằng cách giao đất ở nơi khác. Trường hợp nhà của bạn đang được sử dụng vào mục đích quốc phòng thì nhà nước không thể trả lại căn nhà cũ của bạn mà sẽ trả lại bằng 1 trong 3 phương thức: trả bằng nhà ở khác, bằng tiền hoặc bằng giao đất ở nơi khác./.

Yến Hoa - Nữ - Yenhoa@... -
- Cho tôi hỏi những trường hợp ủy quyền quản lý nhà nào thì được lấy lại nhà theo NQ 1037?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Theo quy định pháp luật, việc ủy quyền quản lý nhà thì quyền sở hữu nhà vẫn thuộc chủ nhà (bên ủy quyền), còn người thụ ủy chỉ đại diện cho chủ nhà thực hiện một số hành vi dân sự theo nội dung ủy quyền. Do đó, việc bên ủy quyền có lấy lại nhà hay không thì tùy thuộc vào ý chí của bên ủy quyền.

thongoc@yahoo.com -
- Xin ông cho biết đối tượng nào được cấp GCN NQ 1037?
- Ông Đỗ Phi Hùng - PGĐ Sở Xây dựng trả lời: Các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11, gồm:

1/ Người Việt Nam trong nước;

2/ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

3/ Đồng sở hữu hoặc đồng thừa kế, gồm cả người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

4/ Tổ chức trong nước.

thanhpham_le@rocketmail.com - Nam
- Xin ông cho biết các trường hợp Việt Kiều được nhận thừa kế nhà trong nước có được cấp GCN không?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Câu hỏi của bạn không cụ thể nên cũng khó trả lời. Tuy nhiên, tôi xin hướng dẫn về nguyên tắc như sau: Hiện nay, nhà nước đã quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của Việt kiều qua 2 văn bản chủ yếu, đó là Luật Nhà ở và Nghị quyết 1037. Tại điều 126 của Luật Nhà ở quy định có 5 đối tượng Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Việt kiều về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nứơc, nhà họat động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về họat động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây djưng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam (các đối tượng này không bị giới hạn số lượng nhà ở được công nhận quyền sở hữu) và người được phép về Việt Nam cư trú có thời hạn từ 6 tháng trở lên (chỉ được sở hữu 1 căn nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư). Đối tựong khác cũng được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam là những Việt kiều thuộc diện giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1/7/1991, trong đó, bao gồm 7  lĩnh vực giao dịch là thuê nhà ở, mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở, mua bán nhà ở, đổi nhà ở, tặng cho nhà ở, thừa kế nhà ở, ủy quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân. Trường hợp của bạn là Việt kiều nếu thuộc diện thừa kế theo Nghị quyết 1037 hoặc diện thừa kế theo đối tượng của Điều 126 Luật Nhà ở nêu trên thì bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Minh Hoàng - Nam -  TPHCM
- Tôi nghe nói hiện nay tại TPHCM đã đuợc cấp giấy hồng theo NQ 1037, vậy cho tôi biết từ ngày nào tôi có thể nộp đơn xin cấp giấy? Thời gian cấp giấy trong bao nhiêu ngày?.
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Hiện nay tại TP.HCM, việc cấp Giấy hồng theo Nghị quyết 1037 đã được Sở XD triển khai thực hiện trên địa bàn 24 quận-huyện theo Công văn số 4765/SXD-CCQNĐ ngày 15/7/2008. Do đó, ngay bây giờ bạn có thể đến liên hệ UBND/quận-huyện nơi có căn nhà tọa lạc để được hướng dẫn thủ tục giải quyết cụ thể; hồ sơ cấp Giấy hồng cho loại này cũng được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Quyết định số 54/2007/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của UBND/TP. Thời hạn giải quyết hồ sơ là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

nguyenlong@yahoo.com - Nam
- Xin ông cho biết, cụ thể những trường hợp nào mới được áp dụng việc cấp GCN theo NQ 1037?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng:

1/ Về đối tượng được cấp giấy chứng nhận:

- Người Việt Nam trong nước;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Đồng sở hữu hoặc đồng thừa kế, bao gồm cả người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Tổ chức trong nước.

2/ Phạm vi áp dụng:

Cấp giấy chứng nhận theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 trong trường hợp có giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, gồm các giao dịch sau:

- Thuê nhà ở;

- Mượn nhà ở, ở nhờ nhà ở;

- Mua bán nhà ở;

- Đổi nhà ở;

- Tặng cho nhà ở;

- Thừa kế nhà ở;

- Ủy quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân.

Nyprince@aol.com
- Tôi muốn xin cấp giấy hồng theo NQ 1037 thì nộp đơn xin cấp GCN tại đâu, thưa ông?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho cá nhân theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 được nộp tại Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi căn nhà tọa lạc.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến về cấp “giấy hồng” cho người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 4

lindhoian@yahoo.com
- Ông có thể nói rõ hơn về tác động của chính sách cho phép kiều bào được phép mua nhà tại VN đối với thị trường BĐS?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: việc nhà nước có chính sách cho phép một bộ phận kiều bào thuộc các đối tượng quy định tại điều 126 Luật Nhà ở năm 2005 mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thể hiện sự quan tâm của nhà nước ta đối với kiều bào, thể hiện sự thông thóang, cởi mở hơn trong chính sách đối với kiều bào. Đặc biệt, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1037 ngày 27/7/2006 cho phép mở rộng thêm đối tượng ngừoi Việt Nam định cư ở nước ngòai được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam càng thể hiện rõ nét hơn chính sách rộng mở của nhà nước ta.

Tinh thần của Nghị quyết 1037 là Nhà nước thừa nhận các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người VNĐCƠNN tham gia mà không phân biệt giao dịch dân sự đó là hợp pháp hay không hợp pháp, có hay không có chứng thực chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều được công nhận để xem xét giải quyết. Điều này có ý nghĩa tăng cường khối đại đòan kết dân tộc động viên thu hút kiều bào gắn bó với quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Chính sách này cũng sẽ có tác động tích cực đến sự  phát triển của thị trường bất động sản mạnh mẽ hơn, lành mạnh hơn.

Ngọc Nga -  Q. Tân Phú
- Xin ông cho biết những loại căn hộ nào mà người nước ngoài được mua? Tôi nghe nói đó là những căn hộ thương mại, nhưng như thế nào là căn hộ thương mại? Loại căn hộ dành cho người thu nhập thấp được không? (Tất nhiên là trừ những căn hộ dành cho tái định cư như quy định..) Xin cảm ơn ông!
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng:  Ngày 3-6-2008, Quốc hội nước ta đã thông qua Nghị quyết 19 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoàii được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. NQ này phải đến ngày 1-1-2009 mới có hiệu lực thi hành. Qua câu hỏi của bà, tôi xin trả lời như sau:

Đối với tổ chức cá nhân nước ngoài chỉ được mua và sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngòai cư trú, đi lại. Theo Luật Nhà ở năm 2005, nhà ở thương mại là loại nhà ở được xây dựng trong các dự án đầu tư xây nhà ở để kinh doanh (bán hoặc cho thuê) do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng. Người nước ngòai không thể mua căn hộ cho người thu nhập thấp vì lọai căn hộ này có các chính sách của Nhà nước hỗ trợ nhằm phục vụ cho đối tượng dân cư trong nước có khó khăn trong cuộc sống không có khả năng mua nhà ở thương mại. Cũng cần nói rõ thêm với bà, NQ 19 dành cho đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngòai, không phải là người Việt Nam định cư ở nước ngòai, lại càng không áp dụng đối với người trong nước. Tất nhiên, nếu người Việt Nam trong nước có khả năng thì vẫn có thể mua nhà ở thương mại.

Nguyễn Truờng Giang - Nam, 38 tuổi - ntgiáng970@gmail.com - Bình Dương
- Cong ty chung toi (Cty nha nuoc) muon mua mot can nha tai so 136 (so cu 134c) Nguyen Tri Phuong, phuong 9, 5 TP.HCM.. Do ong Tran Thanh va ba Truong Thi Dinh (dinh cu tai Hoa Ky) - truoc khi di, ong ba co uy quyen cho con trai la ong Tran Anh duoc quyen quan ly (co cong chung vao nam 1992) nhung khong duoc chuyen nhuong.. Nay Ong ba Tran Thanh - Truong Thi Dinh ve nuoc va lap hop dong uy quyen (co cong chung) cho Ong Tran Anh duoc toan quyen thay mat va nhan danh ong ba Tran Thanh - Truong Thi Dinh ban can nha noi tren. Hiện nay giấy tờ nhà chỉ có: + Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa số 2092/GP-7 do Sở Quản lý Nhà đất và Công trình Công cộng cấp ngày 17-11-1982.
+ Giấy ủy quyền quản lý nhà do Giám đốc Sở nhà đất ký ngày 22-12-1991.
+ Tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ (ngày 01-9-1994). + Bản đồ hiện trạng vị trí do BQL Ruộng Đất cấp ngày 26-12-1991.
+ Bản vẽ mặt bằng, mặt cắt – Họa đồ vị trí do Phòng Xây dụng duyệt ngày 27-12-1991.
Vaậy xin hỏi: Ong Tran Anh co duoc quyen mua ban can nha noi tren voi cong ty chung toi hay khong?. Truong hop nay (Người Việt Nam định cư ở nước ngoài) co duoc quyen ban can nha noi tren hay khong?.
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Trường hợp Ông nêu không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11, do quan hệ ủy quyền nhà ở được xác lập sau ngày 01/7/1991 (năm 1992).

Trường hợp cá nhân (cha mẹ của Ông Trần Anh) là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quyền sở hữu nhà ở hợp lệ tại Việt Nam thì nay được quyền định đoạt nhà ở đó theo quy định của pháp luật dân sự. Việc định đoạt nhà ở có thể do chính chủ sở hữu thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay.

Như vậy, nếu Ông Trần Anh được cha mẹ ủy quyền hợp lệ bằng văn bản để thay mặt định đoạt căn nhà trên thì đương nhiên có quyền lập thủ tục mua bán nhà ở với công ty của Ông.

Kha Huy - Nam -  Texas, Mỹ
- Gia đình tôi vẫn còn một căn nhà do ba mẹ để lại tại Việt Nam. Mấy năm nay chúng tôi không xin cấp giấy hồng được do chưa có chủ trương. Tôi được biết TP đã thông báo về cấp giấy hồng cho Việt Kiều, vậy trường hợp nhà tôi hiện nay (đang cho em họ ở) đã làm thủ tục xin cấp giấy hồng được chưa? Tôi có thể đứng tên không, hay phải nhờ người thân sống tại Việt Nam đứng tên?
- Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Căn nhà bạn nêu chưa rõ cha mẹ bạn đã có giấy tờ chủ quyền hợp lệ hay chưa, cha mẹ bạn đã xuất cảnh khi nào? Tuy nhiên, có 02 tình huống xảy ra được giải quyết như sau:

Trường hợp cha mẹ bạn xuất cảnh trước ngày 01/7/1991 và đã ủy quyền hoặc để lại nhà ở cho người thân trong nước sử dụng, và căn nhà này Nhà nước không quản lý, thì cha mẹ bạn được xem xét cấp Giấy hồng theo quy định hiện hành.

Trường hợp cha mẹ bạn xuất cảnh sau ngày 01/7/1991 và không thuộc đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005, thì chưa được xem xét cấp Giấy hồng theo quy định hiện hành.

Phó TBT Trần Văn Tuấn (thứ hai, từ trái sang) tặng hoa Ban lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM.
Phó TBT Trần Văn Tuấn (thứ hai, từ trái sang) tặng hoa Ban lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM.

Do thời gian có hạn, buổi giao lưu trực tuyến đến đây xin tạm khép lại. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn đọc. Cảm ơn Ban lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM đã dành thời gian tham gia và trả lời trực tuyến.

SGGPOnline

Tin cùng chuyên mục