Là cái biển hiệu của những cửa hàng giặt là Hà Nội những năm sau tiếp quản 1954. Cũng chỉ lác đác có vài hiệu ở những loanh quanh khu phố cổ Cầu Gỗ, Hàng Bè, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc lan xuống mạn Hàng Bài, Bà Triệu, Phố Huế… Lúc ấy phần lớn các hiệu tư nhân sau cải tạo tư bản tư doanh đều đã vào hợp tác xã. Và mang những cái tên đại loại như Thống Nhất, Độc Lập, Dân Chủ, Quyết Tiến, Quang Vinh... Những cái tên đầy khát vọng ấy hóa ra lại khó lòng làm cho khách hàng giặt là nhớ đến. Người ta đành nghĩ ra cách đề biển hiệu bằng chính công việc và nghề nghiệp của mình. Vừa không vi phạm chủ trương lại dễ hiểu.
Hợp tác xã giặt là Hà Nội còn làm ăn rôm rả cho đến tận những ngày trước chiến tranh phá hoại của Mỹ 1965. Tất cả đều nằm trong sự quản lý của Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu công nghiệp, Thủ công nghiệp. Gọi tắt là Liên hiệp xã. Có từ cấp khu phố cho đến thành phố và trung ương.
Tên gọi là Hợp tác xã nhưng xã viên phần lớn đều là vợ chồng cái con trong nhà. Thảng hoặc mới có vài “đứa cháu ở quê” ra giúp việc. Ai cũng biết là trá hình nhưng chấp nhận được. Chẳng thể quy kết bóc lột hay bị bóc lột gì ở trong một gia đình thợ giặt. Cán bộ, công chức cấp vụ trở lên có thể mang quần áo đến thuê giặt là thường xuyên. Giá cả khá rẻ. Một, hai hào cho bộ quần áo dài, một đồng cho bộ comple. Không thấy ai thuê giặt bít tất, quần áo lót và mũ bao giờ. Tất nhiên trong nhà cũng chỉ mình ông cán bộ cấp vụ cần giặt là quy củ để có cái mặc đến cơ quan. Vợ con luôn phải tự giặt tay kể cả quần áo lót của ông ấy.
Hiệu giặt là đơn giản chỉ có đồ nghề là chiếc bếp than quả bàng đặt ngay trước cửa để nung bàn là. Trẻ con hay lấy ống bơ nung nhờ vỏ kem đánh răng Ngọc Lan bằng chì đổ vào trôn bát làm đồng cái đánh xèng. Sân sau xây vài ba chiếc bể gạch gác mấy tấm ván giặt. Một vòi nước chảy vào bể đầu tiên có thể sang cả những bể tiếp theo qua lỗ trống gần miệng. Ba bốn giờ sáng đã thấy các xã viên ì oạp đập giặt ở đấy. Giặt xong mang lên sân thượng phơi trên những sào tre dài. Chờ khô rút xuống là phẳng, gấp gọn trả cho khách. Nếu lấy tiêu chuẩn “hand made” sang trọng bây giờ mà áp dụng cho việc giặt là quần áo ngày ấy hẳn là tiền công còn đắt hơn mua áo mới.
Nghề thủ công dịch vụ này mai một đi trong những năm chiến tranh. Một phần do xà phòng được phân phối bằng tem phiếu nên không thể mua được ở thị trường. Nhiều hiệu giặt là đã phải xoay sang dùng quả bồ hòn ngâm nước nóng để thay thế. Công sức bỏ ra gấp đôi nhưng quần áo rất khó sạch. Trẻ con trong phố thấy người lớn kêu ca về quần áo giặt không sạch có đứa tinh nghịch xóa bớt chữ “tẩy” trên tấm biển hiệu viết bằng phấn trắng treo ngoài cửa. Tấm biển chỉ còn lại ba chữ “Giặt là hấp”. Không ngờ tấm biển này cũng khiến cho nhiều người băn khoăn nghĩ ngợi khi đem quần áo đến giặt. Người thành phố thanh lịch lúc ấy khi phải dùng đến chữ “hâm hấp” có nghĩa là tình trạng thần kinh đã đến mức khó gần.
Phần nữa, thời chiến người ta không mặc những quần áo sáng màu, là lượt lại càng không. Giặt là ở hiệu trở nên không cần thiết nữa. Hiệu giặt là hầu hết đóng cửa vào những năm cuối cùng của chế độ bao cấp. Chỉ còn lại vài xí nghiệp giặt, nhuộm lớn của nhà nước hoạt động phục vụ cho các khách sạn quốc doanh. Dân phố thỉnh thoảng cũng gửi vào giặt ké được ít chăn màn sau vụ rét.
Đã tưởng nghề giặt là quần áo vĩnh viễn không quay lại nữa khi chiếc máy giặt độ hai chục năm nay đã trở thành dụng cụ không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội. Chiếc bàn là điện cũng đã phổ biến ở thành phố này từ sau ngày giải phóng Sài Gòn. Thế nhưng nghề giặt là mấy năm nay lại phát triển khá mạnh trong thành phố. Khắp các cửa ô đều có hiệu giặt là nườm nượp khách hàng. Trong làng Cót-Yên Hòa và Dịch Vọng thậm chí còn có hẳn những đoạn phố chuyên mở hiệu giặt là. Khách hàng chủ yếu là lao động thời vụ, sinh viên và dân vãng lai, là lực lượng luôn hùng hậu hơn bất cứ hạng người nào trong phố. Người ta có thể thuê giặt là bằng cách gửi đồ lại đúng hẹn đến lấy hoặc lãng mạn hơn có thể mang theo tiểu thuyết ngôn tình đến thuê máy tự giặt, giặt xong mẻ quần áo cũng là vừa vặn đọc hết được hai chương, vừa bổ sung kiến thức ngôn tình lại tránh được cảm giác thiếu an toàn khi quần áo của mình bị giặt chung với nhà khác.
Có vẻ như giặt là quần áo thuê là ngành thủ công đầu tiên vừa đi hết một chu kỳ tiến hóa tên gọi trong thành phố. Lại bắt đầu thấy cửa hiệu mở ra với những cái tên riêng Alibaba, Đức Huy, Hồng Ánh, ViVi…mà không còn mang tên những Hợp tác xã đầy hào hùng khát vọng nữa.
ĐỖ PHẤN