“Giấy” của tòa phải đến kịp người dân

- Bà Ung ThỊ Xuân Hương:
“Giấy” của tòa phải đến kịp người dân

Sau 5 năm thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) tại TPHCM, một trong những công việc của các văn phòng TPL được đánh giá thực hiện tốt là tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự, vừa giảm tải cho cơ quan tư pháp vừa đảm bảo văn bản tố tụng đến tay người dân kịp thời. Để công việc này hiệu quả và chất lượng hơn, đảm bảo người dân luôn nhận “giấy” tòa kịp thời, đang cần sự nỗ lực hơn. Đó là những nội dung được PV Báo SGGP trao đổi với bà Ung Thị Xuân Hương (ảnh), Chánh án TAND TPHCM.

- PV: Xin bà cho biết, từ khi thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn TPHCM, bao nhiêu văn bản tố tụng TAND hai cấp tại TPHCM chuyển cho văn phòng TPL tống đạt?
 
- Bà Ung ThỊ Xuân Hương: Đến tháng 5-2015, số lượng văn bản mà TAND hai cấp tại TPHCM đã chuyển cho văn phòng TPL thực hiện việc tống đạt cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là 443.984 văn bản. Trong đó, TAND TPHCM là 206.663 văn bản, TAND quận, huyện là 237.321 văn bản.
 
- Như vậy, chế định TPL hỗ trợ công tác tống đạt văn bản tố tụng của tòa án như thế nào, thưa bà?
 
- Việc TPL thực hiện chức năng tống đạt giúp cho thư ký, thẩm phán có nhiều thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ các thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết các loại án. Nhờ đó, nhiều vụ án được giải quyết kịp thời, kéo giảm án quá hạn. Các văn phòng TPL đã hỗ trợ cho tòa án trong công tác giải quyết án ngày càng có hiệu quả hơn và hoàn thành tốt công tác giải quyết các loại án trong thời gian qua.

Đội ngũ TPL rộng khắp trên địa bàn thành phố, do đó văn bản được kịp thời tống đạt đến đương sự. Bên cạnh đó, TPL nắm bắt địa bàn, địa hình cũng như vị trí từng khu vực cụ thể nên trong công tác tiếp cận với các đương sự có phần thuận lợi, nhanh chóng.

- Tuy nhiên, tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả triển khai việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng có những trường hợp tống đạt văn bản không đúng quy trình, thủ tục, chưa bảo đảm nội dung theo yêu cầu, phản hồi kết quả tống đạt chậm dẫn đến một số trường hợp phải hoãn phiên tòa hoặc hoãn phiên hòa giải; có trường hợp xác minh không chính xác, niêm yết chưa đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Bà nghĩ sao về nhận xét này?

- Theo thỏa thuận giữa TAND TPHCM và các văn phòng TPL thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận văn bản, TPL phải thực hiện việc tống đạt; và theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì chậm nhất 2 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt TPL phải thông báo kết quả tống đạt, kèm theo các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho tòa án. Tuy nhiên, quả thật tại TPHCM, trong thời gian đầu khi mới hoạt động, có một số ít văn bản do văn phòng TPL thực hiện việc tống đạt còn chậm, chưa bảo đảm đúng thời gian, thời hạn theo văn bản tố tụng, gây ảnh hưởng đến công tác giải quyết vụ án của các đơn vị tòa án. Đến nay, tình trạng này đã được từng bước khắc phục.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng vấn đề trách nhiệm của văn phòng TPL đối với kết quả tống đạt cũng cần chú trọng hơn. Một số văn bản do văn phòng TPL thực hiện công tác tống đạt chưa đạt chất lượng, chưa đúng quy định theo Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó không sử dụng được trong quá trình xét xử. Trong quá trình giải quyết vụ án, đã có trường hợp bị hủy án vì tống đạt không đúng người được tống đạt, tống đạt không đúng quy định...

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ khi đã giao văn bản tống đạt cho tổ trưởng tổ dân phố, UBND, công an… mà những người này không thể giao cho người được được tống đạt hoặc người thân thích của họ thì mới được tiến hành thủ tục niêm yết. Thế nhưng, thực tế thời gian vừa qua, có trường hợp khi thư ký tống đạt của văn phòng TPL không tống đạt trực tiếp được cho đương sự là đã lập biên bản tống đạt không thành để tiến hành niêm yết văn bản là chưa đúng quy định.

- Từ thực tế trên, TAND TPHCM có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả tống đạt văn bản tố tụng của TPL, đảm bảo quyền lợi của người dân được nhận “giấy” của tòa kịp thời, đúng luật?
 
- Mặc dù hoạt động của của TPL còn có những hạn chế nhưng cũng đã mang lại nhiều hiệu quả cho hoạt động của các cơ quan nhà nước và các cơ quan tổ chức có liên quan. Thực tiễn hoạt động của TPL đã chứng minh được sự cần thiết của tổ chức này, do đó để nâng cao địa vị pháp lý cho TPL cần thiết phải chấm dứt việc thí điểm TPL và ban hành luật hoặc pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của TPL.

Để nâng cao hiệu quả tống đạt văn bản tố tụng, khi thực hiện việc tống đạt, TPL có thể phối hợp với công an hoặc chính quyền địa phương để tiến hành xác minh về vấn đề cư trú của đương sự cần tống đạt. Nếu qua xác minh mà biết được đương sự không còn cư trú tại địa chỉ tống đạt sau thời điểm thụ lý thì TPL tiến hành niêm yết văn bản cần tống đạt (không phải trả văn bản cho tòa do tống đạt không hoàn thành). Ngoài việc TPL cần tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục tống đạt, theo tôi cũng cần xem xét sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục tống đạt theo hướng đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho đương sự. Với quy định về tống đạt hiện nay thì thủ tục này rất phức tạp, rườm rà, là kẽ hở để đương sự cố tình trốn tránh, gây cản trở cho hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, trong quá trình tống đạt gặp những khó khăn, vướng mắc thì nhân viên văn phòng TPL cần chủ động liên hệ trực tiếp với thẩm phán đã ký văn bản cần tống đạt để thống nhất cách giải quyết nhằm giúp cho việc tống đạt văn bản, thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.
 
- Xin cảm ơn bà!

Trước đây, việc tống đạt các văn bản của tòa án thường gửi qua bưu điện, hoặc trong trường hợp cần thiết là do thư ký tòa án đi tống đạt trực tiếp cho đương sự. Từ khi thực hiện thí điểm chế định TPL, những văn bản gửi qua bưu điện lần đầu nhưng bị trả lại (do đương sự không có mặt ở nhà hoặc không sống tại địa chỉ đã ghi) được chuyển cho văn phòng TPL tống đạt.

Ái Chân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục