Giấy phép con?

Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TPHCM (sau đây gọi tắt là Quyết định 60) quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đã có hiệu lực hơn 3 tháng nay, nhưng theo đánh giá của người dân cũng như các chuyên gia thì quy định này đi vào cuộc sống khá chậm chạp, còn nhiều cản ngại… 
Một trong những nguyên nhân chính là bên dưới Quyết định 60 có quá nhiều hướng dẫn của các sở ngành liên quan, giống như một kiểu “giấy phép con”.
Quyết định 60 có hiệu lực ngày 1-1-2018, nhưng đến tháng 3-2018 thì Sở Tài nguyên và Môi trường mới có văn bản số 2243 báo cáo UBND TP về việc thực hiện Quyết định 60; kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND 24 quận - huyện, các sở - ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành hướng dẫn cho các trường hợp xin tách thửa.
Trên cơ sở đề xuất trên, trong tháng 3-2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc ban hành văn bản số 914 “hướng dẫn về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo Quyết định 60”; Sở Xây dựng ban hành văn bản số 2888 “Về việc hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp tách thửa theo Quyết định 60”.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, một loạt sở - ngành chức năng khác cũng phải có văn bản hướng dẫn, cụ thể như Tổng công ty Điện lực TPHCM, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM, Sở NN-PTNT…, nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa ban hành. 
Như vậy, khi người dân có nhu cầu tách thửa thì phải qua một loạt “cửa ải” nói trên, chứ không chỉ đơn thuần là nộp hồ sơ tại các UBND quận - huyện là xong. Theo nhiều chuyên gia, kiểu ban hành hướng dẫn nói trên chả khác gì “giấy phép con”, vừa mất thời gian vừa gây khó khăn cho người dân có nhu cầu xin tách thửa.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng nên tập trung vào một đầu mối, chứ cách làm mỗi sở một hướng dẫn thì sẽ rất phiền cho người dân. Tại một cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu đẩy mạnh phân quyền cho các quận, huyện tự làm tự chịu trách nhiệm, để giải quyết nhanh cho người dân.
“Quận thấy đúng thì làm, các sở hướng dẫn mà quận thấy không đúng thì cũng có thể từ chối”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo. 
Để một chính sách có hiệu lực thực sự đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân, rất cần sự đồng thuận, chia sẻ từ các sở - ngành liên quan. Các sở - ngành cần bỏ bớt quyền lợi của mình từ những văn bản không cần thiết, nhằm đơn giản hóa thủ tục cho người dân.

Tin cùng chuyên mục