Gieo chữ nơi vùng biên

Ngoài thời gian bám chốt, tuần tra biên giới phòng chống dịch Covid-19, những người lính biên phòng Quảng Trị đã tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để lên lớp dạy chữ cho bà con dân bản nơi miền biên ải.
Lớp học xóa mù chữ do Đồn biên phòng Ba Tầng mở tại thôn Prin Thành (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)
Lớp học xóa mù chữ do Đồn biên phòng Ba Tầng mở tại thôn Prin Thành (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)

Chiều xuống cũng là lúc không khí rộn ràng lại vang lên từ những ngôi nhà của người Vân Kiều, Pa Cô. Đây là thời điểm những người chiến sĩ biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Ba Tầng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đến từng nhà trong thôn để động viên các học viên là những người chị, người mẹ đã ngoài 30 đến lớp. Lớp học chữ đặc biệt này được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp với Hội LHPN xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) tổ chức xen kẽ các ngày trong tuần, nhằm giúp chị em phụ nữ trên địa bàn biết đọc, biết viết. 

Vừa thực hiện nhiệm vụ từ chốt phòng chống dịch cách đồn hơn 10km trở về, chỉ kịp thay bộ đồ ướt sũng bởi những cơn mưa rừng khi tuần tra, ăn vội chén cơm để kịp giờ lên lớp, Thượng úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng, chia sẻ: “Ngoài tham gia nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới, mình được phân công phụ trách lớp học xóa mù chữ cho bà con tại thôn A Dơi Đớ. Lớp học được mở vào buổi tối vì ban ngày bà con lên nương rẫy. Đơn vị cũng phối hợp với các hội, đoàn thể hỗ trợ đồ dùng học tập, vận động bà con tham gia vì lớp học mới mở nên bà con còn e ngại”.

Xã A Dơi là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống dựa vào làm nương rẫy, trồng sắn, cao su. Ngoài những người trong độ tuổi đến trường, đa số bà con không biết nói tiếng phổ thông. Gần 2 tháng qua, 2 lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại 2 điểm trường của thôn A Dơi Đớ và thôn Prin Thành với hơn 70 học viên tham gia. Chị Hồ Thị Ơn (38 tuổi, thôn A Dơi Đớ) cho biết: “Vợ chồng mình có 5 đứa con, lo cơm ăn mỗi ngày nên không có điều kiện học chữ. Ban ngày mình lên rẫy thu hoạch sắn, trỉa bắp. Thấy trời tối là về, tranh thủ nấu ăn, rồi đi học chữ. Được đi học chữ cũng vui lắm”. Vì đa số các học viên là phụ nữ đã lớn tuổi, không thông thạo tiếng phổ thông nên cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng Hội LHPN xã A Dơi phải kết hợp giữa tiếng địa phương và tiếng phổ thông để giảng bài. Nắn nót từng nét chữ, hạnh phúc khi tự tay viết tên của mình, chị Hồ Thị Mun (41 tuổi, xã A Dơi) hồ hởi: “2 tháng đi học không vắng buổi nào, bắt đầu từ việc tập đọc, tập làm quen với chữ cái và tập viết nay mình đã viết được tên của mình rồi. Giờ lên xã làm giấy tờ mình có thể ký tên của mình. Trước đây mình không biết chữ nên chỉ lăn dấu tay”.

Tại điểm trường thôn Prin Thành, Thiếu tá Hồ Văn Hai (Đồn Biên phòng Ba Tầng) cho hay, do độ tuổi học viên không đồng đều nên khả năng tiếp thu cũng chênh lệch. Người trẻ học nhanh hơn, còn người già tay cứng nên các anh phải cầm tay hướng dẫn viết từng chữ và phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Đến nay, đa số học viên đã tự viết và đọc được bảng chữ cái. “Không chỉ được học chữ, bà con còn được học thêm nhiều kỹ năng cần thiết, được hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19, tiếp cận các mô hình trồng trọt chăn nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Sắp tới, Đồn Biên phòng Ba Tầng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình lớp học này ở các địa bàn thôn bản khác”, Thiếu tá Hồ Văn Hai chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục