Gặp cô Huỳnh Thị Tươi tại buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” do TPHCM tổ chức hồi đầu tháng 5, nghe những lời tâm sự của cô về lớp học tình thương, cả khán phòng đều xúc động.
Gieo chữ trên đất khô cằn
Lớp học tình thương của cô giáo Huỳnh Thị Tươi tại Trung tâm học tập cộng đồng (huyện Bình Chánh, TPHCM) có gần 50 em, học ghép nhau từ lớp 1 đến lớp 5. Cô Huỳnh Thị Tươi (54 tuổi), người thành lập và duy trì lớp học tình thương, cho biết: Các em học theo chương trình chính quy, để sau khi học xong cấp 1, những em đủ điều kiện sẽ được tiếp tục học tập tại các trường cấp 2. Như những trường chính quy, ở lớp học này, hàng tuần các em đều thực hiện nghi thức chào cờ.
Nhìn dáng người mảnh dẻ của cô cầm tay những đứa trẻ đen nhẻm, khét nắng, giúp các em nắn nót từng con chữ vỡ lòng sao cho thật tròn trịa mới thấu hiểu tấm lòng của cô đối với những hoàn cảnh kém may mắn. Khác với những lớp học bình thường, thời gian lên lớp, cô phải chia đều cho các cấp học.
Trăn trở lớn nhất của giáo viên là tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, trong đó không ít em học rất tốt, do đa phần các em là nhập cư, chỗ ở không ổn định. “Đây là bài toán khó mà tôi chưa tìm được lời giải”, cô Tươi nói. Đôi mắt sáng, cô Tươi nhớ lại: “25 năm trước, khi đang công tác tại UBND xã Bình Chánh, một thanh niên mồ côi đến xã chứng giấy để xin việc làm, cậu nhờ cô viết giúp đơn xin việc vì không biết chữ, chỉ học lóm được cách viết tên. Thương cảm hoàn cảnh các em, cô nghĩ khi đói cơm thì có thể ăn rau lót dạ, nhưng khi đói chữ thì không gì có thể thay thế được.
Ước mơ làm cô giáo từ năm học lớp 6 nhưng chưa thực hiện được đã thôi thúc cô Tươi quyết định kê mấy tấm ván cũ làm bàn tại đình làng và gom các em trong xã đến học. Lớp học bắt đầu với 10 học trò nhưng tràn đầy ước mơ và hy vọng. Bằng tấm bảng cũ kỹ, cô Tươi bắt đầu gieo chữ trên mảnh đất khô cằn với mong ước một ngày hoa thơm sẽ nở…
Cây đã nở hoa
18 năm sau, giữa năm 2007, khi Trung tâm Học tập cộng đồng của xã đi vào hoạt động, lớp học tình thương của cô Tươi có được một nơi khang trang và số lượng học sinh tại lớp học của cô Tươi tăng lên rất nhiều. Học sinh của cô không chỉ trên địa bàn xã Bình Chánh mà các em ở xã lân cận như: Hưng Long, Tân Quý Tây, An Phú Tây… cũng được cha mẹ đưa đến nhờ cô dạy cho cái chữ. Không từ chối một em nào, cô nhận dạy hết. Có giáo viên thấy được tấm lòng của cô Tươi đối với trò nghèo, đã tình nguyện đến lớp dạy cùng cô. Tính đến nay, tổng số học sinh theo học với cô Tươi đã được 870 em.
Cô tâm niệm: “Những đứa trẻ này nếu mình không đưa tay ra nâng đỡ thì biết đâu tương lai sẽ đi vào ngõ cụt. Tôi không dám nghĩ các em sẽ học đến đại học, chỉ mong giúp các em có được kỹ năng sống tốt. Trong cuộc đời này, đôi khi chỉ cần có một tấm lòng yêu thương và một bàn tay ấm áp là đủ để thay đổi một số phận”.
Với suy nghĩ ấy, cô như con ong chăm chỉ ngày ngày từ thứ hai đến thứ bảy, gieo từng con chữ đến các em. Để rồi thành quả cô trò gặt được là có hơn 152 em được chuyển trường lên cấp 2 và thành tích học sau đó đều đạt học sinh khá, giỏi. Khi có em nào chuyển trường, cô vận động các mạnh thường quân và CLB Ông bà cháu của xã hỗ trợ 1 suất học bổng 500.000 đồng, một bộ đồng phục và 1 cặp táp để các em có điều kiện tiếp tục đi học. Ngoài ra, không phụ lòng mong đợi của cô, qua các hội thi vẽ, kể chuyện của xã, huyện tổ chức, học sinh của cô đã đạt được các giải nhì, ba và khuyến khích.
Những thành quả các em đạt được chính là nguồn động lực lớn lao giúp cô vượt qua khó khăn nên dù sức khỏe đã yếu, phải nhập viện mổ cột sống và cổ, cô Tươi vẫn không bỏ lớp, không bỏ các em. Năm 2013, khi cô nhập viện thay cột sống cổ thì cũng là thời điểm các em gần đến thi học kỳ. Sợ học sinh của mình thiếu kiến thức, vừa xuất viện, cô bảo các em mang tập đến nhà mình để có thể chỉ dẫn bài vở.
Ánh mắt cô rạng ngời hạnh phúc, đơn giản chỉ là sự bày tỏ nhưng ấm áp thương yêu của cô bé Thư: “Cô ơi, con mong cô nhận con làm cháu ngoại nuôi, được không cô?”. Rồi cô nhớ tới bức tranh thêu của bé Nguyễn Trần Diệp Phụng, đang theo học lớp 7 Trường Nguyễn Văn Linh nhân ngày 20-11 mang đến để khoe, rồi cô nhớ hơi ấm cô bé khi ôm chặt lấy cô và lời thủ thỉ của cô bé: “Cô là mẹ của chúng con. Mẹ là tất cả tương lai và hạnh phúc…”.
| |
THÁI PHƯƠNG