Gieo hạt mầm yêu thương từ gia đình

Nguyên nhân nào khiến đứa trẻ, học sinh ở các cấp phát triển lệch lạc, khiếm khuyết về nhân cách và có hành vi bạo lực ở trường học? Có rất nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó tác động từ môi trường sống, bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, phim ảnh, sự truyền bá hình ảnh xấu qua mạng Internet rất lớn.

Nhưng dù nói gì thì chúng ta vẫn phải thấy vai trò quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, hình thành phẩm chất, nhân cách giới trẻ. Người phạm tội bẩm sinh rất hiếm và trẻ vị thành niên phạm tội hình sự xuất thân từ gia đình có vấn đề như dính vào tệ nạn xã hội, làm ăn phi pháp, cha mẹ ly dị, hay đánh con cái, sống thiếu đạo đức, chuẩn mực… lại chiếm đa số.

Điều này minh chứng rằng môi trường gia đình thiếu lành mạnh, không có sự yêu thương, chia sẻ và quan tâm giữa các thành viên thì nó dễ tạo ra những mầm mống của bạo hành, phạm tội. Bên cạnh đó, sự hành xử thiếu dân chủ với con cái, nặng tính áp đặt, không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con cái cũng khiến trẻ co mình, đối phó với bức tường gia đình. Và khi không tìm thấy sự nương tựa, sự thấu hiểu và chia sẻ từ cha mẹ thì các em sẽ hụt hẫng, dễ sa ngã vào các loại tệ nạn, kể cả bỏ nhà ra đi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ, dấu hiệu phạm tội.

Ở những gia đình thiếu thốn vật chất, cha mẹ chỉ lo kiếm tiền, vất vả lo miếng ăn hàng ngày, trẻ cũng bị bỏ rơi, lêu lổng và dễ tiếp xúc môi trường xấu, dễ bị lôi kéo vào hành vi phạm tội. Ngược lại, nếu dư tiền, thừa của mà không biết chăm sóc, nuôi dạy con đúng cách, cưng chiều con quá mức thì cũng bằng hại con. Bi kịch thời @ là có nhiều gia đình giàu có phải đau lòng, rơi lệ khi con cái ham chơi hơn ham học, thích thể hiện “cái tôi” và tham gia các vụ đánh nhau, ẩu đả tại sân trường. Chỉ đến khi nhìn thấy con cái mình sống lệch chuẩn, dính vòng lao lý, nhiều bậc cha mẹ mới giật mình, nhận ra giá trị vĩnh cửu là đạo đức làm người, sống có nhân cách.

Chính vì thế, hãy bảo vệ con mình và hướng các em đến mục đích sống nhân văn,  biết yêu thương, biết sẻ chia và biết quý trọng bạn bè, thầy cô. Mỗi hành vi sống gương mẫu, sống vị tha, sống chuẩn mực, không bon chen, ích kỷ của cha mẹ sẽ gieo mầm nhân ái, sẽ tạo ra “sức đề kháng” cho con cái khi gặp khó khăn, trục trặc trong cuộc sống đầy biến động thời nay. Được nuôi dưỡng trong môi trường ấm áp tình người, coi trọng các giá trị sống tốt đẹp, hướng thiện, luôn vì người khác thì trẻ sẽ biết kiềm chế, biết tránh xa cái xấu, cái ác.

Thật đúng khi nói rằng gia đình là cái nôi - điểm tựa để trẻ trưởng thành về mọi phương diện, là nơi để trẻ hấp thụ tình thương dạt dào và tri thức đầu tiên của đời  người. Chính gia đình là học đường không có phòng lớp, giáo án nhưng trẻ sẽ học được cách sống, cách ứng xử, truyền thống, phong tục, văn hóa… một cách tốt nhất. Muốn con cái nên người, sống tốt, có nền tảng giáo dục thì cha mẹ phải xem con cái là bạn bè, thể hiện tinh thần dân chủ, sẻ chia, đồng hành. Mỗi gia đình cần đặt ra những chuẩn mực, quy tắc riêng và các thành viên đều phải tuân thủ, tôn trọng. Chỉ khi nào cha mẹ luôn quan tâm, giám sát mọi hành vi của con cái nhưng luôn kèm sự yêu thương, sự thấu hiểu thì con cái sẽ không bao giờ lạc lối, có hành vi bạo lực với bạn bè.

Sài Gòn Giải phóng thứ bảy

Tin cùng chuyên mục