LTS: Sau khi đăng tải bài viết Dạy trẻ trung thực: Bắt đầu từ người lớn trên số báo phát hành ngày 10-5-2014, SGGP thứ bảy nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trao đổi xung quanh chủ đề này. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Ông Trần Khắc Huy
Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM
Phải thay đổi cách dạy và học môn giáo dục công dân
Tôi rất đồng tình với quan điểm dạy trẻ trung thực - bắt đầu từ người lớn. Người lớn ở mọi cương vị từ gia đình đến xã hội và mọi lĩnh vực công tác, phải thể hiện sự gương mẫu, nêu cao tính trung thực, thật thà thì mới có thể tạo niềm tin, giúp giới trẻ có ý thức rèn luyện đức tính tốt đẹp này. Môi trường giáo dục rất quan trọng và ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải được nuôi dưỡng, rèn luyện tính trung thực, thật thà từ những hành vi nhỏ nhất. Cụ thể như có sao nói vậy, không vụ lợi, không vì cái tôi mà làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác.
Ngay cả khi làm bài thi, nếu không thuộc bài thì nhất quyết không quay cóp, thà để giấy trắng… Khi học sinh biết nói dối là xấu hổ, làm điều gì thiếu trung thực là xấu xa thì các em đã trưởng thành. Và để gieo mầm tính trung thực, thật thà cho học trò, thầy cô phải có lối sống, hành động đúng chuẩn mực, gần gũi, lắng nghe học sinh. Nếu ở trường thầy cô công tâm, không thiên vị vì điểm số, không xử ép học trò… thì các em đã nhìn thấy đây là chỗ dựa, nuôi dưỡng niềm tin và dễ dàng tiếp nhận những bài học có giá trị về tính trung thực.
Đối với môn giáo dục công dân cần phải thay đổi cách dạy, cách truyền thụ kiến thức để học sinh yêu thích học môn học làm người, trau dồi đạo đức, ý thức sống chuẩn mực. Thay vì chỉ dựa vào sách giáo khoa, cần đưa những câu chuyện sinh động từ cuộc sống vào giảng dạy để học sinh hiểu rõ hơn về lòng trung thực - nét đẹp của mỗi công dân trẻ.
Tuy nhiên, trước nhiều tác động xấu của xã hội, rất cần sự chung tay, góp sức hơn nữa của gia đình, chính quyền và các đoàn thể. Nếu ngay trong gia đình, cha mẹ, người lớn cũng nói dối thì làm sao dạy trẻ trung thực? Bên ngoài xã hội còn quá nhiều hình ảnh thiếu trung thực không bị lên án, xử lý nghiêm minh cũng bào mòn niềm tin của giới trẻ. Theo tôi, mỗi gia đình phải tự đề ra chuẩn mực sống trung thực để mỗi thành viên đều phải cố gắng thực hiện. Bên cạnh đó cần khôi phục những quy ước xã hội, tôn vinh tính trung thực thật thà ở mỗi khu phố, làng xóm và thường xuyên bàn thảo về nó để mọi người cùng hành động, làm theo.
Bà Nguyễn Thị Tư
Việt kiều Nhật Bản
Học sinh Nhật Bản không biết nói dối
Nhiều năm sống ở đất nước hoa anh đào, tôi học được nhiều điều từ văn hóa và cốt cách con người Nhật Bản. Để tạo dựng tên tuổi, hình ảnh của một cường quốc như hôm nay, ngoài nghị lực phi thường, sự can trường, dũng cảm đã thấm vào máu của từng người dân thì đức tính trung thực đặc biệt được họ nâng niu, coi trọng. Theo tôi, trước tiên là trường học - nơi gieo mầm những đức tính tốt đẹp để làm người trong đó coi trọng việc rèn luyện đức tính trung thực cho học trò. Tôi phải thừa nhận họ dạy hay lắm và điều này thấm vào từng học sinh nên các em coi việc nói dối, thiếu trung thực là hành động xấu nhất, đê hèn nhất.
Tôi và các bà mẹ Nhật Bản luôn tự hào và yên tâm rằng con cái của mình không hề biết nói dối. Theo tôi, điều cốt lõi này không chỉ hoàn thiện nhân cách, tạo nên giá trị sống tốt đẹp của người Nhật mà còn đưa đất nước của họ vượt qua mọi khó khăn, trở thành cường quốc có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Như thế, để mỗi người dân có ý thức sống trung thực, thể hiện trong mọi lĩnh vực, công việc, quan hệ… thì ngay từ nhỏ, học sinh phải được dạy sống trung thực, thực thà. Bên cạnh đó, từ gia đình đến xã hội cũng phải tạo ra những chuẩn mực sống, nói không với tham lam, vụ lợi vì bất kỳ lý do gì. Nếu cứ kêu gọi chống tham nhũng, tiêu cực khơi khơi mà không bắt đầu từ cải cách giáo dục, dạy học sinh biết làm người, sống có đạo đức và quan trọng là chấn hưng đạo đức xã hội thì lớn lên các em không thể trở thành công dân trung thực, hết lòng vì tổ quốc được.
Ông Nguyễn Hoàng
Đường 3 Tháng 2, Q.10, TPHCM
Thiếu trung thực là mầm mống của tham nhũng
Tôi nhận thấy tính trung thực, thật thà thời nay ít được coi trọng, nếu không muốn nói là đang mai một từng ngày. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng đúng là nó xuất phát từ người lớn - những người cầm cân nảy mực từ mọi lĩnh vực, đời sống xã hội đến những người bình thường như nông dân, tiểu thương, nhân viên… Hãy trả lời câu hỏi vì sao có quá nhiều vụ tham nhũng xảy ra trong thời gian gần đây? Vì sao ăn gì, uống gì cũng sợ bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc từ hóa chất? Vì sao cái gì cũng có thể làm giả từ bằng cấp đến hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm?... Có lẽ chưa bao giờ người dân chúng ta lại cảm thấy bất an, niềm tin bị dao động, xói mòn như hiện tại.
Để trục lợi, để kiếm chác, để làm giàu nhanh, người ta đã bất chấp tất cả, quên đi lòng tự trọng, xem nhẹ đức tính trung thực miễn sao có lợi cho bản thân. Đây không chỉ là nỗi nhức nhối của mỗi công dân mà là điều rất đáng báo động vì báo hiệu sự suy đồi đạo đức, sự hổng chân của những giá trị sống tốt đẹp. Nếu chúng ta không chấn hưng, không chấn chỉnh những tật xấu, thói giả dối, thiếu trung thực đang ăn sâu vào đời sống xã hội thì nó sẽ bào mòn niềm tin, gây nguy hại uy tín, tiền đồ đất nước. Hãy hành động và đừng chậm trễ vì “virus” giả dối, thiếu trung thực này đang trở thành đại dịch và nó chính là mầm mống của tham nhũng, tiêu cực.
anh Thiện Hùng
Sinh viên ngành Công tác xã hội tại một trường đại học ở TPHCM
Xã hội phải xây dựng những chuẩn mực minh bạch
Tôi nhận thấy một bộ phận sinh viên, giới trẻ ngày nay không coi trọng tính trung thực và họ thường có suy nghĩ cái gì có lợi cho mình mới làm. Cụ thể như tham gia các hoạt động xã hội, phong trào để lấy điểm, lấy thành tích là chính. Do cuộc sống khó khăn, phải đi làm thêm kiếm sống, nhiều sinh viên không đi học, đến kỳ thi thì học đối phó, quay cóp là chính. Đến ngày chuẩn bị ra trường thì thuê người làm luận án, thi hộ môn khó như ngoại ngữ… Sinh viên như vậy nhưng nhiều giảng viên cũng chưa nghiêm túc, lên giảng đường không chuẩn bị bài giảng kỹ, nói hươu, nói vượn và khi chấm bài kiểm tra thì thiên vị, ai biết “điếu đóm” thì được điểm cao. Như thế sinh viên học tính trung thực ở đâu?
Tất nhiên, “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng sinh viên lấy đâu niềm tin để học thật, trau dồi kiến thức thật để ra làm việc bằng năng lực thật và cống hiến cho xã hội. Đó là chưa kể, việc tuyển dụng hiện nay ở nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước lại không dựa theo năng lực, bằng cấp thật cũng khiến không ít sinh viên học đối phó, tự tin vào những mối quan hệ của cha mẹ, người thân. Vì thế, để tính trung thực có đất sống thì người lớn phải làm gương và xã hội phải xây dựng chuẩn mực trong sáng, minh bạch về thông tin để mọi người có niềm tin vào cái đúng. Những người thât thà, trung thực phải được tôn vinh, kính trọng, yêu mến, còn những kẻ thiếu trung thực, giả dối thì phải lên án, bị tẩy chay và xử lý bằng pháp luật nghiêm minh.
Có như thế, mọi công dân, nhất là giới trẻ mới thấy đức tính trung thực là quý báu và luôn có ý thức rèn luyện trong từng hành vi, từng bước hoàn thiện nhân cách sống đúng chuẩn mực. Có thể, lúc đầu những người chọn lối sống thực thà, trung thực sẽ thấy mình thiệt thòi nhưng họ sẽ nhận được giá trị lớn hơn là sự quý trọng, tin tưởng của xã hội, cộng đồng.
>> Dạy trẻ trung thực: Bắt đầu từ người lớn