Ở Trường Sa, để có được món rau xanh trong bữa ăn hàng ngày là vấn đề nan giải, nhất là ở những đảo chìm. Ngoài đáp ứng yêu cầu gọn, nhẹ và cơ động nhanh khi có dông bão, rau trồng ở đây còn phải chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Cuối tháng 5-2012, mô hình trồng rau xanh trên giá thể cát của nhóm sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM đã đến với Trường Sa.
Trăn trở vì biển đảo
Hiện nay, cuộc sống ở Trường Sa đã thay đổi nhiều, không còn khó khăn, thiếu thốn như xưa. Tuy nhiên, vấn đề nước ngọt và rau xanh vẫn còn khá nan giải. Đặc biệt là ở các đảo chìm. Nước thì chờ… trời. Thức ăn chủ yếu là cá do bộ đội câu dưới biển, thi thoảng lắm mới có bữa cải thiện bằng thịt hộp. Còn rau xanh vẫn là thứ xa xỉ, nhất là vào mùa mưa.
Với mong muốn giúp chiến sĩ ở Trường Sa có rau xanh quanh năm, nhóm các bạn sinh viên Khoa sinh ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Trồng rau bằng phương pháp khí canh”. Phương pháp này không cần đất, lại tiết kiệm được nước tưới. Tuy nhiên, do điều kiện đặc biệt ở Trường Sa, cách thực hiện lại khá phức tạp nên đề tài chưa áp dụng vào thực tế được. Năm 2010, nhận thấy ý nghĩa thiết thực của ý tưởng trồng rau cho chiến sĩ Trường Sa, Đoàn Trường ĐH Quốc gia TPHCM nâng cấp đề tài trên thành công trình thanh niên thu hút nhiều sinh viên tham gia. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của PGS-TS Võ Thị Bạch Mai, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, chương trình rau xanh cho Trường Sa được triển khai.
Năm 2011, khi Phạm Tấn Trường, một thành viên trong nhóm nghiên cứu có cơ hội ra Trường Sa để khảo sát thực tế, một bài toán mới được đặt ra là phải trồng được rau xanh vào mùa mưa vì thời điểm này các đảo chìm hoàn toàn không có rau xanh. Sau nhiều thí nghiệm mô phỏng điều kiện thời tiết, khí hậu, không gian… tại Trường Sa, nhóm nghiên cứu quyết định dùng cát để trồng rau. Lê Viết Hoa, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Ý tưởng nghe qua có vẻ kỳ quặc nhưng gần một năm ròng nghiên cứu thử nghiệm đã đạt được kết quả tốt. Trồng rau trên giá thể cát khá đơn giản, vật liệu không khó tìm. Thời gian thu hoạch ngắn hơn, sản lượng rau tăng…”.
Rau sinh viên đến đảo chìm
Cuối tháng 5-2012, Trịnh Quang Vinh và Lê Viết Hoa, 2 thành viên của nhóm nghiên cứu đã mang công trình trên ra Trường Sa. Tại đây họ tranh thủ thực tế để tiếp tục cải tiến. Số ngày thu hoạch được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 4 ngày. Vinh kể: “Khi mang vườn rau sinh viên ra đảo, các anh lính rất thích thú và bắt tay vào thử nghiệm ngay. Cách thức trồng rau rất đơn giản. Trước khi gieo, hạt giống ngâm nước trước một ngày, rồi gieo trên các khay trồng. Vào mùa mưa bão, các khung giàn gọn nhẹ này được chuyển vào nhà và bật đèn cho cây quang hợp. Nếu không có điện thì có thể chuyển sang chế độ trồng rau mầm...”.
Nhóm sinh viên còn cẩn thận vẽ một bản hướng dẫn cách thức sử dụng, cách trồng rau trên các giá đỡ, ngoài ra còn thực hiện một clip mô tả tỉ mỉ chi tiết cách làm. Mới đây, Trung úy Bùi Phúc Đoàn, phụ trách hậu cần đảo Tốc Tan B, gọi điện vào khoe: “Đến giờ chúng tôi đã thu hoạch được 3 đợt rau. Rau của sinh viên dễ trồng, không mất nhiều thời gian, lại ngon. Nấu canh hay ăn sống đều được. Cải thu hoạch được sau khi gieo hạt 6 - 7 ngày. Còn rau muống sau 9 ngày đã ăn được. Hệ thống có 4 khay trồng, mỗi lần thu hoạch được ít nhất 5kg rau. Rau trồng có thể cuốn chiếu, luân phiên nhau. Như vậy các chiến sĩ sẽ có rau ăn quanh năm...”.
Hiện tại, nhóm chỉ mới chuyển giao công nghệ cho các chiến sĩ tại 4 đảo: Đá Tây A, Đá Lớn A, Đá Đông C và Tốc Tan B, và nhận được phản hồi tốt. Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến thêm để có thể triển khai được ở tất cả các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tuy nhiên, điều khiến những người thực hiện công trình này đau đầu nhất vẫn là vấn đề kinh phí. “Trước đây, để nghiên cứu và thực hiện 8 hệ thống trên, nhóm nghiên cứu phải tự bỏ tiền túi và xin hỗ trợ của các thầy cô, đoàn trường… Muốn nhân rộng kết quả công trình ra nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa cần phải có thêm nhiều hỗ trợ” - anh Trịnh Quang Vinh chia sẻ.
Sơn Trà