Người ta thường tặc lưỡi kể những câu chuyện “lấy chồng xa xứ” bằng giọng điệu xa xăm, cô đơn buồn tủi. Nhưng bức tranh phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc nhiều năm gần đây đã tươi tắn hơn. Thế hệ trẻ ngày nay không chỉ năng động, giỏi giang mà còn góp phần lan tỏa văn hóa Việt trong cộng đồng nơi họ sống.
Tình đồng hương trân quý
“Lấy chồng Tây, mỗi người mỗi cảnh, mỗi tính cách, mỗi kiểu hòa hợp”, đó là lời tâm sự của chị Nguyên An (33 tuổi, sống tại Kolbermoor, Đức) khi trải lòng về cuộc sống 3 năm qua ở Đức với người chồng là dân đất nước này. Thời gian đầu mới sang Đức làm dâu, Nguyên An sống cùng gia đình chồng. “Chồng mình lúc đó nghĩ mình có thể sống chung với ba mẹ anh ấy, họ tuổi đã cao. Nhưng cuối cùng không như vậy, ba mẹ chồng có thói quen ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn khác. Họ không cần giúp đỡ, không thích chung đụng, đặc biệt là chung nhà bếp”. Từ sự không hòa hợp về văn hóa đã xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng Nguyên An phải dọn ra thuê nhà ở riêng sau 3 tháng ở chung với ba mẹ chồng. Chồng đi làm xa, chị một mình ở nhà chăm sóc 2 con gái nhỏ. Thành phố Kolbermoor nơi chị sinh sống có ít người Việt Nam.
Tuy sống ở Đức 3 năm nhưng An chỉ nói tiếng Anh mà không nói giỏi tiếng Đức, vì vậy, gần như không có bạn bè bản xứ để tâm sự buồn vui. May mắn, trong một lần tình cờ, Nguyên An quen được 2 bạn nữ người Việt sống cùng thành phố, đều lấy chồng rồi mới từ Việt Nam sang Đức định cư. Mỗi người một cảnh ngộ nên thỉnh thoảng, họ gặp gỡ và giúp đỡ nhau những việc nho nhỏ trong cuộc sống. “Mọi người thường nghĩ giúp đỡ nhau là việc gì đó to tát lắm nhưng với phụ nữ sống xa quê như tụi mình, mỗi lần buồn và stress, chỉ cần có một người bạn, người đồng hương ngồi tâm sự cùng, đã là điều rất quý. Hay đôi khi nấu món ăn Việt nào ngon, mời bạn sang nhà cùng ăn, cùng nói chuyện quê nhà, vậy là vui cả ngày”, An kể.
Hồng Phương (đeo mắt kính) cùng các bạn ở Stanford
Hồng Phương, sinh năm 1988, sống ở Mỹ 7 năm nay, cũng đồng suy nghĩ với An, cuộc sống xa quê cần lắm những tình bạn bình dị như thế để cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Hồng Phương từng là Trợ lý Hành chính tại Đại học Stanford ở California cho nên thường tham gia các hoạt động như đón tân sinh viên, tổ chức các sự kiện cho sinh viên ở Stanford... Hồng Phương có dịp gặp gỡ và hỗ trợ rất nhiều sinh viên Việt Nam. Bây giờ, mặc dù đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc con nhưng Phương vẫn tranh thủ thời gian rảnh để giải đáp về thông tin học tập, chia sẻ kinh nghiệm sống ở Mỹ cho sinh viên Việt Nam tại Mỹ… “Ở Mỹ, cái gì cũng đắt đỏ nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thông tin, sẽ tìm được những sản phẩm tiêu dùng rất rẻ và tiết kiệm. Các chị em mới qua Mỹ sống, những thông tin thế này là rất cần thiết cho việc tổ chức cuộc sống gia đình. Mình thường tìm hiểu thông tin và chia sẻ với các bạn. Bạn nào không có xe, mình lái xe chở các bạn đi mua, giới thiệu chợ Việt, các quán Việt ngon…”, Phương cho biết.
Hồng Phương cùng gia đình
Chữ Việt nơi xứ người
Sang Đức từ năm 2008, Đào Hồng Thủy (34 tuổi) sớm tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và hiện là cô giáo của Trường Mẫu giáo An der alten Kastanie (Berlin). Đây là một ngôi trường khá đặc biệt vì có đến 40% học sinh là người gốc Việt. Công việc của Thủy ở trường có khác các cô giáo Đức một chút là ngoài việc chăm sóc các bé, Thủy là người định hướng cho các bé trong việc học tiếng Việt. Thủy nói chuyện hàng ngày với các bé bằng tiếng Việt.
Đào Hồng Thủy và các học trò Tết 2014
Trước khi chính thức làm cô giáo, Thủy từng tham gia nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng ở Berlin về văn hóa hội nhập, giúp đỡ và tư vấn cho các gia đình từ Việt Nam mới sang. Bên cạnh đó, Thủy làm nhiều việc thiện nguyện như mở các lớp sinh hoạt văn hóa Việt Nam, dạy trẻ em gốc Việt giao tiếp tiếng Việt, làm quen với văn hóa truyền thống Việt Nam bằng trò chơi dân gian và học hát, múa… Đến dịp lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Thủy tổ chức cho các gia đình gốc Việt tham gia, lập đội văn nghệ thiếu nhi Việt Nam để biểu diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa các nước ở Berlin.
Chủ nhật hàng tuần, đến thăm lớp học nhỏ của Thủy, bất cứ người Việt nào sống ở Berlin hẳn cũng sẽ ấm lòng. Những cô bé, cậu bé từ 2 tuổi trở lên đến lớp cùng mẹ của chúng. Các em bé được cô giáo Thủy cùng các mẹ tập hát, múa, kể chuyện, đóng kịch bằng tiếng Việt… “Để kích thích con nói tiếng Việt, mẹ phải giúp con thấy được hiệu quả của việc nói tiếng Việt. Đó là tính mục đích của việc sử dụng ngôn ngữ. Việc vừa học vừa chơi giúp bé nói được tiếng Việt nhanh, tự nhiên và thoải mái”, Thủy đúc kết từ kinh nghiệm của mình.
Đào Hồng Thủy bên gia đình
Đào Hồng Thủy là thành viên năng nổ của nhóm Cùng học tiếng Đức & tiếng Việt (https://www.facebook.com/groups/germanvietnamese/), một nhóm dạy học miễn phí tiếng Đức (cho người lớn) và dạy tiếng Việt (cho trẻ em sinh ra và lớn lên ở Đức) với hơn 7.000 thành viên. Thành lập từ giữa năm 2014, đến nay nhóm đã có hơn 7.000 thành viên, hướng đến dịp tết Nguyên đán Ất Mùi, nhóm tổ chức cuộc thi Bé yêu tiếng Việt (từ ngày 25-12-2014 đến 19-2-2015). Cuộc thi đã thu hút được trên 100 tác phẩm dự thi với những clip hát, đọc thơ, đọc truyện… bằng tiếng Việt rất sôi nổi của trẻ em gốc Việt tại Đức.
Yêu quý sự nhiệt tâm của cô giáo Đào Hồng Thủy trong việc bảo tồn văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở Berlin, nhiều gia đình từng cho con theo học cùng Thủy, đến nay, đã song hành cùng Thủy trong các hoạt động cộng đồng. Được hết mình với việc mà mình đam mê, Thủy cho biết người chị cảm ơn nhiều nhất chính là chồng chị: “Tôi nghĩ mình thật may mắn khi có được một người chồng luôn ủng hộ tôi trong mọi việc”.
Kết nối yêu thương
Ngoài việc giúp đỡ sinh viên ở Stanford, Hồng Phương còn tham gia chương trình Spouse Program, giúp đỡ phụ nữ Châu Á (sang đất Mỹ không theo dạng định cư mà là chồng đi học rồi đi theo) làm quen với cuộc sống mới ở Mỹ như chỉ dẫn đường sá, dạy tiếng Anh giao tiếp, giúp học lái xe... Phương cũng luôn sẵn lòng đi phiên dịch giúp những gia đình Việt Nam ở đây, vì thực tế có nhiều người Việt sống mấy mươi năm ở đất Mỹ nhưng nói không giỏi tiếng bản địa.
Cùng một tấm lòng vì cộng đồng như Hồng Phương, Uyển Nhi, từng là một người mẫu nổi tiếng ở TPHCM, kết hôn và theo chồng sang Đan Mạch đã hơn 10 năm nay và cũng ngần ấy thời gian, cô tham gia Hội Phụ nữ Việt Nam ở thành phố Copenhagen. Ngoài những dịp gặp gỡ, giao lưu và giúp đỡ lẫn nhau giữa các phụ nữ Việt đang sống ở Copenhagen, Hội Phụ nữ còn tổ chức các hoạt động như bán hàng ăn, rồi dùng tiền bán thức ăn để về Việt Nam làm từ thiện. Uyển Nhi cho biết: Mỗi năm hội tổ chức bán hàng ăn 2-3 đợt để gây quỹ, giúp một số học sinh từ lớp 1-12 có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập (50 USD/em/học kỳ). Hiện có khoảng hơn 50 em ở nhiều tỉnh khác nhau tại Việt Nam được tài trợ bởi Hội Phụ nữ Copenhagen và các thân hữu của hội.
Mặc dù bận rộn với việc học thạc sĩ và chăm sóc 2 con nhỏ nhưng Uyển Nhi là gương mặt năng nổ trong các hoạt động cộng đồng của người Việt tại Đan Mạch, nhất là trong vai trò MC cho các chương trình văn nghệ vì mục đích từ thiện của cộng đồng Việt Nam tại nhiều thành phố ở Đan Mạch. Chồng Nhi là người Việt nhưng sinh sống từ khi còn nhỏ ở Đan Mạch, nhiều chương trình tình nguyện có Nhi góp mặt, anh thường dẫn theo 2 con đến ủng hộ vợ. Uyển Nhi tâm sự, chị may mắn có được người chồng luôn ủng hộ và tạo điều kiện để vợ tham gia các công việc thiện nguyện.
Tết 2015 đánh dấu bước ngoặt mới của gia đình Hồng Phương khi chồng chị - anh Martin (người Indonesia gốc Hoa) - vừa hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành Kết cấu công trình và Địa kỹ thuật tại Mỹ và tìm được một công việc tốt ở bang Louisiana (Mỹ). Hỏi Phương có buồn không khi phải chuyển qua nơi ở mới, xa rời công việc thiện nguyện đã gắn bó nhiều năm ở Stanford, Phương nói “Mình vẫn tiếp tục kết nối với các bạn ở đây qua Internet. Dù sống ở bang nào, mình cũng luôn gắn bó và tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng Việt Nam”.
Diệp Nguyễn