Gìn giữ bản sắc Việt

Gìn giữ bản sắc Việt

Trong chiếc áo bà ba điểm những bông hoa màu hồng, quần lụa trắng muốt, người phụ nữ đã 62 tuổi trông thanh thoát, đằm thắm đến ngọt ngào không tuổi. Mái tóc bới gọn gàng sau ót, phô gương mặt tròn đầy phúc hậu với nụ cười tươi như hoa. Ngỡ bà chuẩn bị đi hội hè nơi nao. Không phải thế! Bà đang ở nhà, ngôi nhà nằm trong một con hẻm ngay quận 3 (TPHCM), thỉnh thoảng bà đảo xuống bếp coi sóc việc sửa chữa của mấy bác thợ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi vợ chồng bà Đinh Kim Nguyệt.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi vợ chồng bà Đinh Kim Nguyệt.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, việc đầu tiên sau khi từ Canada về nhà là bà sửa sang, chăm sóc gian bếp, đảm bảo căn bếp đã vắng chủ lâu ngày sẽ vận hành tốt nhất trong dịp đón xuân. Bà nhẩm tính, hay tin vợ chồng bà ở Việt Nam, cận Tết Nguyên đán 2014, bạn bè ngoại quốc của hai vợ chồng từ Canada sẽ lục tục… theo về. “Họ thích tết Việt lắm! Và lòng người như trẻ lại, chúng tôi cũng thức đêm thức hôm chờ đợi bắn pháo hoa, chen chúc trong dòng người du xuân”, bà Nguyệt chia sẻ.

49 tuổi, bà lấy ông Peter Laight (59 tuổi, quốc tịch Canada). Bước sang dốc bên kia của cuộc đời, bà phải làm lại từ đầu. Bà quyết định bỏ ra 5 năm liền, lần lượt theo học và hoàn thành các lớp ngoại ngữ, kế toán - hành chính rồi mới xin việc hành chính trong một cơ quan ở TP Whitehorse (tỉnh Yukon, Canada). Ra đi với hai bàn tay trắng, trái lại, bà Nguyệt luôn tự tin là mình và bao người con xa xứ khác rất giàu có. Đó là sự giàu có về nỗi nhớ quê hương; về từng thói quen, nếp nhà, những nét đẹp trong thuần phong mỹ tục Việt Nam gắn kết với hình ảnh người mẹ già tần tảo sửa soạn bữa cơm tất niên rồi mỉm cười ân cần mãn nguyện nhìn người cha - người chủ gia đình, động đôi đũa đầu tiên khi cỗ hạ. Trang trọng mà ấm áp. Lúc bánh chưng mới chín, mà có chín cũng chẳng được ăn ngay, đám con cháu dù ham chơi đến mấy vẫn ở rịt trong nhà, luẩn quẩn bên nồi bánh chưng trên bếp lửa bập bùng, chỉ để hỏi đi hỏi lại: “Bánh chín chưa?”. Chúng háo hức đến nỗi cứ như không hỏi, không nhắc thì… bánh chưng quên chín không bằng!

Cảm nghe những kỷ niệm ở quê nhà xa xôi vời vợi ấy mà tim bà như nghẹn lại, rần rật chạy lên gương mặt rồi một cảm giác cay cay lan rộng khắp đôi mắt. Đôi bàn tay bà tự dưng rã rời mệt nhọc bởi không được làm những việc như xưa kia ấy. Thẫn thờ tìm gặp lại những gì của quá khứ, kỷ niệm trào lên đến đâu là bà muốn ôm ghì lấy tất cả, giữ lại niềm hạnh phúc bừng lên đó để tan đi cái lạnh đông đặc của vùng cận Bắc cực. Người con xa xứ vừa muốn vượt thoát, chạy trốn khỏi nỗi nhớ, vừa muốn được đắm chìm, lùng sục trong từng ký ức.

Day dứt khôn nguôi, bà lặng lẽ sao chép những cử chỉ thành kính của mẹ bà ngày xưa trong tề gia nội trợ, đối nội đối ngoại. Và cũng từ nỗi xao xuyến ấy, bà bắt đầu hình thành các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống, tải hơi ấm của tết đoàn tụ gia đình với những người con xa xứ. Ban đầu, bà chỉ đứng ra tổ chức ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu cho con cháu, gia đình mình. Được sống lại hạnh phúc ngày nào, niềm tự hào về văn hóa Việt, bà mạnh dạn mời bạn bè, hàng xóm cùng tham dự. Áo dài, áo bà ba trở thành thường phục của bà Nguyệt, từ nhà đến công sở, từ chợ đến lễ hội. “Nhiều người nhìn tôi chết trân, họ lặng người đi rồi mới cất được lời hỏi thăm về trang phục sao mà nền nã thế! Từ đó, nhiều người ngoại quốc gửi tôi số đo nhờ may áo dài” - bà Nguyệt kể.

Không còn là nhóm di dân tách biệt - mọi hoạt động phụ thuộc vào quỹ tự đóng góp, các hoạt động của Ủy ban Bảo tồn văn hóa truyền thống đa sắc tộc tỉnh Yukon do bà Nguyệt làm chủ tịch đã được chính quyền tỉnh, liên bang hỗ trợ kinh phí. Cộng đồng Việt cùng với hơn 30 cộng đồng nhập cư khác tại Canada đã tham gia lễ hội truyền thống các dân tộc; bài hát Trái đất này là của chúng mình được dịch ra 8 thứ tiếng và các em bé có được cơ hội trình bày bài hát đó bằng tiếng mẹ đẻ của mình trước công chúng, ít nhất một lần mỗi năm. Trong ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, bạn bè và trẻ em nhiều nước đều mặc áo dài, chơi lồng đèn Việt và thưởng thức các sản vật từ Việt Nam được bà Nguyệt kỳ công mang sang. Gìn giữ văn hóa Việt, bà Nguyệt còn tổ chức các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào. Đồng thời, gửi sách tiếng Việt vào các thư viện ở Canada. Bà Nguyệt tiết lộ, cũng chính bởi giữ được những nét truyền thống người Việt mà bà đã lọt vào mắt xanh của ông Peter Laight sau những ngày ông du lịch ở Việt Nam. Có thể nói, ông yêu Việt Nam trước khi yêu bà và tình yêu Việt Nam của ông đã chuyển thành sự gắn bó với một người phụ nữ thuần Việt như bà.

Hấp lực từ văn hóa Việt, từ không khí hồ hởi của TPHCM nghĩa tình, từ người phụ nữ hoạt bát đã khiến ông Laight lại thích ở Việt Nam hơn ở Canada, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán. Anh em, bạn bè ông theo đó cũng bị chinh phục bởi không khí ấm áp đoàn viên trong tết của người Việt. Và giờ này, trong niềm kiêu hãnh bừng nở như pháo hoa đêm giao thừa, bà Nguyệt đang hối hả trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tất niên với đầy đủ phong vị quê hương để lại một lần nữa tiếp đãi bạn bè gần xa để giới thiệu với họ những phong tục cổ truyền quý báu của người Việt.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục