Đồi Cư Hlăm là một trong những cánh rừng nguyên sinh còn sót lại ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm qua, cộng đồng dân tộc Ê Đê sống xung quanh ngọn đồi này đã ra sức bảo vệ, gìn giữ những cây cổ thụ nơi đây được vẹn nguyên, xanh tốt.
Huyền thoại rừng thiêng
Nằm cạnh tỉnh lộ 8 (đường từ TP Buôn Ma Thuột đi huyện Cư Mgar), đồi Cư Hlăm được gìn giữ vẹn nguyên trong bao năm qua để tỏa bóng mát và giữ nguồn nước cho hàng trăm người dân sống xung quanh. Đây cũng là ngọn đồi thiêng mang trong mình huyền thoại về một chuyện tình thời xa xưa của đồng bào người Ê Đê. Khi chúng tôi đặt chân đến buôn Mắp (nằm dưới chân đồi Cư Hlăm), tất cả đồng bào già trẻ trong buôn đều thuộc lòng câu chuyện xưa kể về một mối tình loạn luân giữa hai anh em cùng họ tộc Niê trong vùng.
Chuyện kể rằng, xưa kia tại vùng đất này (nay là buôn Mắp, thị trấn Ea Pốk) có hai anh em ruột trong vùng là Y Din Niê và H’Hoan Niê lấy nhau. Chuyện đến tai già làng, già làng họp con em trong buôn để xử phạt. Cuối cùng mọi người thống nhất xử phạt đôi tình nhân cúng một con trâu trắng cho thần. Vì nhà nghèo không có trâu trắng, đôi trai gái bị phạt vạ đã đem một con heo trắng để cúng. Khi mọi người đang làm lễ cúng thần linh, bỗng nhiên con heo trắng sống lại rồi thốc tháo chạy lòng vòng quanh buôn. Con heo trắng chạy đến đâu thì đất đai rạn nứt và sụt lún đến đó. Mọi người trong vùng không ai sống sót. Không lâu sau, vùng đất này hiện ra một một cái hồ rộng bao la và một cánh rừng thăm thẳm. Cái hồ gọi là hồ Sình Đỉa, còn cánh rừng mang tên Cư Hlăm.
Trên đồi Cư Hlăm có nhiều cây cổ thụ một người ôm không xuể
Câu chuyện trên được lưu truyền qua nhiều thế hệ cùng với lời nguyền khó lý giải. Nếu ai vào rừng vô tình nhắc đúng tên Y Đhin và H’Hoan sẽ bị thần rừng giam giữ đi mãi không ra. Những ai có ý đồ đen tối, trục lợi rừng Cư Hlăm đều phải đền tội. Chặt cây dựng nhà, lập tức nhà sập hoặc bị cháy trụi. Còn săn bắt thú rừng sẽ gặp tai nạn hay phát bệnh điên khùng vô phương cứu chữa. Già làng Y Ruê Mlô (80 tuổi, ở buôn Mắp) cho hay, đây là truyền thuyết bảo vệ rừng Cư Hlăm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, con em trong buôn từ già đến trẻ đều biết. “Hlăm’’ theo tiếng Ê Đê có nghĩa là “loạn luân’’. Còn “Cư’’ được dịch ra là “đồi núi’’. “Cư Hlăm’’ có nghĩa là “đồi loạn luân’’ hay “rừng loạn luân’’. Già làng Y Ruê Mlô bảo rằng, người dân buôn Mắp gìn giữ rừng Cư Hlăm như giữ báu vật linh thiêng của mình vậy. Họ quan niệm “Rừng còn thì buôn làng còn. Rừng mất cả làng sẽ gặp đại họa”.
Giữ rừng bằng luật tục
Theo chân già làng Y Ruê Mlô lên đồi Cư Hlăm, chúng tôi bắt gặp có nhiều cây đại thụ cao vút, gốc cây 3 - 4 người ôm không xuể. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loại động vật phong phú có giá trị lớn về mặt sinh thái. Phía bên cạnh cánh rừng Cư Hlăm là hồ Sình Đỉa ôm một phần chân đồi rộng hơn 10ha với làn nước trong veo, hiền hòa. Già làng Y Ruê Mlô tâm sự: ‘’Để bảo vệ rừng Cư Hlăm, các đời già làng buôn Mắp chúng tôi đều lưu truyền một luật tục giữ rừng. Nếu người nào trong buôn dám mạo phạm tới rừng thiêng sẽ bị loan báo cả làng biết, cho xấu hổ lần sau không dám nữa. Còn nếu chặt một cây rừng phải nộp trâu, bò, vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ. Chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con, nếu tái phạm lần thứ hai, thứ ba mức phạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Kẻ nào chai lì, vi phạm liên tiếp sẽ bị trai làng áp giải giao nộp cho chính quyền xử lý theo pháp luật’’. “Liệu rừng thiêng Cư Hlăm có nằm trong “tầm ngắm” của bọn lâm tặc ngoài làng không?’’, tôi hỏi. Già làng Y Ruê Mlô cười nói: “Miếng mồi ngon dễ gì chúng từ bỏ! Nhưng mọi sự xâm chiếm của chúng từ trước tới nay đều thất bại dưới “mắt thần” của rừng. Hễ thấy người lạ đột nhập vào rừng, dân cấp báo trưởng buôn hoặc già làng. Lập tức, làng triệu tập người vào kiểm tra, ngăn chặn ngay’’.
Cũng theo lời của già làng Y Ruê Mlô, khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, dân cư quy tụ về vùng này đông đúc, lập thành buôn Mắp. Cuộc sống ấm no, con cái đầy đàn, hưởng lợi không khí trong lành từ rừng Cư Hlăm nên người dân buôn Mắp hàng chục năm qua luôn nhắc nhở con cháu truyền tai truyền thuyết Cư Hlăm bảo vệ rừng. Còn ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk - đơn vị được giao quyền quản lý rừng Cư Hlăm, cho hay, người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ rừng. Từ năm 2002 đến nay, công ty cũng trồng thêm hơn 2.000 cây sao, dầu giúp phủ xanh khu đồi, đồng thời lập tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm phạm.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy huyện Cư Mgar, chia sẻ: Rừng nguyên sinh ở Cư Hlăm được bảo tồn là dấu ấn văn hóa tâm linh đã in đậm trong tâm khảm của đồng bào Ê Đê để nhắc nhở, giáo dục mọi thế hệ ghi nhớ ý thức tôn trọng luật tục, tôn trọng luân thường đạo lý. Đây không chỉ là việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà sâu xa hơn chính là bảo vệ sự sống còn của con người, bảo vệ môi trường, cảnh quan cho Tây Nguyên
CÔNG HOAN