Gió đổi chiều

Chỉ còn hai ngày nữa, Tổng thống đắc cử Ukraine - ông Viktor Yanukovich, sẽ nhậm chức tổng thống cho dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ. Lần này, ông Yanukovich nhậm chức, không những không gặp bất kỳ sự phản đối nào mà còn nhận được sự ủng hộ của phương Tây.

Điều này thật sự gây ngạc nhiên cho dư luận quốc tế. Ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama, rồi Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã gửi thông điệp chúc mừng ông Yanukovich. Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức cũng ca ngợi cuộc bầu cử dân chủ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cam kết sẽ ủng hộ về kinh tế, tài chính cho Ukraine…

Điều này trái hẳn với những gì xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2004. Lúc đó, khi kết quả cho thấy ông Yanukovich dẫn đầu thì hàng loạt các nhà lãnh đạo phương Tây đều lên tiếng chỉ trích gian lận bầu cử, yêu cầu Ukraine tôn trọng dân chủ, quyền lợi cử tri… và ủng hộ cuộc cách mạng Cam mà họ ca ngợi như là làn gió mới mang lại dân chủ cho đất nước này.

Vì sao có sự thay đổi thái độ như thế? Ông Yanukovich vẫn chủ trương ưu tiên các mối quan hệ với Nga, không gia nhập NATO, EU, nhưng phương Tây vẫn ủng hộ. Các nước Mỹ và EU đã nhận ra một điều rằng họ sẽ không đạt được lợi ích nếu như cứ đối đầu trực tiếp với Nga như họ đã từng ủng hộ chính quyền của ông Viktor Yushchenko trong 5 năm qua.

Kể từ khi nhà lãnh đạo cách mạng Cam lên cầm quyền, quan hệ Nga - Ukraine liên tục đóng băng, trước hết là mâu thuẫn về các hợp đồng khí đốt làm ảnh hưởng đến các nước EU khi 45% nhu cầu khí đốt của họ do Nga cung cấp. Người dân châu Âu đã nhiều phen trải qua những ngày đông lạnh lẽo, sản xuất đình trệ do thiếu khí đốt.

Đối với Mỹ và NATO, 5 năm qua họ cũng thất vọng với những gì diễn ra ở Ukraine. Họ muốn kết nạp ngay Ukraine vào NATO để đưa vành đai NATO áp sát biên giới Nga nhưng có hai lý do ngăn chặn bước tiến này.

Thứ nhất, sự phản đối gay gắt của Nga dẫn đến việc đóng băng trong quan hệ Nga - NATO. Nga dường như không có niềm tin đối với NATO khi bàn đến vấn đề hợp tác chỉ vì việc Ukraine xin gia nhập liên minh quân sự này. Thứ hai, để gia nhập NATO, các nước phải tăng ngân sách cho quốc phòng, không được dưới 2% GDP và điều này là không thể trong bối cảnh Ukraine đang gặp khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Còn EU, rõ ràng việc kết nạp Ukraine vào lúc này giống như gánh thêm một gánh nặng kinh tế nữa, mà không có Ukraine, EU cũng đã đủ vất vả, bươn chải ở các nước mới gia nhập khối. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa các nước trong khu vực đồng EUR và bản thân đồng tiền chung này.

Như vậy, với sự ủng hộ mà phương Tây dành cho ông Yanukovich, phương Tây đã chấp nhận không bàn đến việc kết nạp nước này vào liên minh quân sự NATO, vào EU và mất một phần ảnh hưởng đối với Ukraine. Nhưng, “hy sinh” Ukraine dường như phương Tây được nhiều hơn mất. Họ có được quan hệ cân bằng với Nga, có khí đốt, không phải gồng thêm một quốc gia đang khủng hoảng…

Như vậy một bức tranh được vẽ rất rõ nét rằng thực chất cuộc đấu tranh giành quyền lực tại Ukraine là những toan tính lợi ích của phương Tây được che giấu dưới danh nghĩa ủng hộ dân chủ ở các nước thuộc hậu Xô Viết.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục