Giờ làm việc linh hoạt

Chỉ cần giảm ngày làm việc trong tuần từ 5 ngày xuống 4 ngày, người Anh sẽ giảm được stress, có thời gian cho gia đình và nước Anh sẽ giảm được tỷ lệ thất nghiệp. Đây là khuyến cáo của Giáo sư John Ashton, Chủ tịch Khoa Sức khỏe cộng đồng Anh - một trong những vị giáo sư bác sĩ hàng đầu của nước Anh. Trong bài phỏng vấn trên tờ Guardian mới đây, ông kêu gọi chính phủ nên chuyển sang mỗi tuần làm việc 4 ngày để giúp dân tộc Anh khỏe mạnh hơn vì ngăn chặn được những căn bệnh liên quan đến làm việc quá sức hoặc thất nghiệp như huyết áp cao, lo âu, trầm cảm, béo phì... Người Anh cần thời gian cho gia đình hơn và để tập thể dục duy trì sức khỏe.

Một cuộc khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu YouGov cho biết có 57% lao động Anh ủng hộ mỗi tuần làm việc 4 ngày và 71% cũng cho rằng làm việc ít hơn sẽ giúp nước Anh trở thành quốc gia hạnh phúc hơn. Theo vị giáo sư đứng đầu đội ngũ gồm hơn 3.300 chuyên gia y tế này, nước Anh có tỷ lệ lớn người làm việc quá sức và tỷ lệ người thất nghiệp cũng không nhỏ. Người thì làm việc như điên, người thì không kiếm được việc làm. Người Anh hiện làm việc nhiều nhất châu Âu và tỷ lệ người Anh mắc các căn bệnh liên quan đến làm việc quá sức như căng thẳng, khó ngủ dẫn đến giảm năng suất và hay nghỉ ốm cũng cao nhất châu Âu.

Thỉnh cầu của giáo sư Ashton được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Anh đồng ý áp dụng “giờ làm việc linh hoạt” và kỳ vọng giải pháp này là cuộc cách mạng kinh tế của xứ sở sương mù. Cứ theo như thế thì thay vì phải ngồi làm việc hơn 8 giờ một chỗ, người lao động có thể yêu cầu làm việc 3 giờ hiệu quả tại công ty và thời gian còn lại có thể thu xếp công việc ở 1 chỗ khác hoặc có thể làm việc tại nhà. Chính phủ Anh đồng ý với đề xuất trên cho một số đối tượng vì cho rằng người làm việc ở nhà tránh được sự lãng phí thời gian đi đường, tập trung hơn cho công việc nên hiệu suất cao hơn. Chính phủ nước này cũng cho rằng, sự dịch chuyển trong công việc sẽ giúp người lao động thích thú hơn với công việc và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, “giờ làm việc linh hoạt” cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Chẳng hạn, nếu ở nhà làm việc, họ có thật sự tập trung làm việc hay không. Trong khi nếu làm việc tại cơ quan, người quản lý có thể giám sát được tiến độ, còn khi ở nhà, việc đó gần như không thể. BBC nhận định, quy định này có nghĩa là bạn có quyền yêu cầu cho làm việc linh hoạt, nhưng không có nghĩa bạn được làm theo ý mình. Theo thống kê, chỉ trong hai năm 2010-2011, khi khuyến khích giờ làm việc linh hoạt, số vụ kiện tụng giữa người lao động và chủ lao động tăng hơn 50%. Chỉ phục vụ cho vụ kiện, mỗi người lao động phải mất gần 6.000 bảng. Đó là chưa kể, nếu lạm dụng xin làm việc linh hoạt, bạn dễ rơi vào nhóm “tử thần”, nhóm dễ bị sếp để ý và sẵn sàng cho nghỉ hẳn, nếu họ cảm thấy không thật sự cần bạn nữa. Có vẻ như đây là một ý tưởng mang tính cách mạng chứ không phải một cuộc cách mạng. Cho nên, theo giáo sư Ashton, tại sao người này không bớt việc lại để người kia cũng có việc làm và để tất cả họ đều làm việc vừa phải, đều sống hạnh phúc và khỏe mạnh? Ngẫm ra, thấy cũng có lý.

THUẬN HÙNG

Tin cùng chuyên mục