Như dòng Sê Pôn ngàn đời vẫn dào dạt tuôn chảy, tình cảm gắn bó quân dân hai bờ ngày càng thắt chặt. 23 cặp bản kết nghĩa dọc tuyến biên giới Việt - Lào bên con sông này là sự khởi đầu trôi chảy. Từ đây, cả dải biên cương dài giữa hai quốc gia sẽ triển khai chương trình kết nghĩa bản - bản. Sẽ có nhiều miền đất ghép đôi liền sông, liền núi ra đời…
Cõng chữ Việt sang Lào
Mặt trời khuất sau dãy núi nơi biên cương cũng là lúc 3 lớp học dạy chữ Việt bên dòng Sê Pôn thuộc huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhẹt (Lào) bắt đầu. Đây là những lớp học đặc biệt khi học sinh đa phần là phụ nữ nước bạn Lào đã lập gia đình, có người đã là bà nội, bà ngoại. Trong khi thầy giáo đứng lớp lại là những người lính trẻ mang quân hàm xanh. Thượng tá Nguyễn Huy Thỏ, Đồn trưởng Biên phòng Tam Thanh đóng trên địa bàn xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết, khâu đột phá trong nội dung kết nghĩa cặp bản tuyến biên giới Việt - Lào là trao đổi, tạo điều kiện hỗ trợ nhau phát triển. Nhưng người dân các bản Ổi, Pa Riềng, Đenvilay thuộc huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhẹt chiếm tới 60% là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Đời sống chủ yếu dựa vào khai thác sản vật từ rừng nên thiếu ăn triền miên. Muốn bà con thoát nghèo phải dạy cho họ học tiếng Việt. Họ biết tiếng Việt rồi sẽ thuận lợi khi sang các bản phía Việt Nam học kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Ngoài ra, đường sá từ các bản này đi về trung tâm huyện Mường Noòng xa xôi cách trở nên mỗi khi đau ốm bệnh tật, bà con vượt sông Sê Pôn sang chữa trị tại trạm y tế các xã Thuận, Thanh, A Túc, A Xing, Xy... sẽ thuận lợi hơn học chữ Việt còn là điều kiện để đồng bào các bản Lào thực hiện tốt các chính sách, pháp luật khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Thiếu úy Hồ Văn Huy, Đồn biên phòng Tam Thanh được phân công đứng lớp ở bản Đenvilay, nói: “Có gia đình được vận động nhiều lần nhưng không đồng ý cho người thân đi học. Họ nêu ra nhiều lý do như không có người đi làm, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều tuổi rồi không đi học nữa...”. Đồn biên phòng Tam Thanh cắt cử cán bộ, chiến sĩ sang giúp bà con thu hoạch mùa màng và công việc nhà, để mọi người yên tâm học hành. Pỉ Xa Ly, một học viên lớp học tiếng Việt ở bản Ổi, phấn khởi: “Đi học vui lắm cán bộ ơi! Ngày trước bà con ở đây không ai biết đọc, biết viết nhưng vừa rồi được bộ đội biên phòng Việt Nam dạy cho cái chữ Bác Hồ nên bây giờ tụi mình đã biết đọc chữ cái, viết được tên mình lên bảng. Các thầy nhiệt tình lắm, chữ nào bà con chưa hiểu, chưa đọc được là thầy chỉ bảo ngay, thầy còn nắn nót tập cho bà con viết từng chữ, cách đánh vần. Trên lớp biết rồi, về nhà bày lại cho chị em khác chưa đến lớp”.
Cây chuối “đuổi” hàng lậu
Đường biên giới dọc sông Sê Pôn vốn có cái tên rùng rợn, ám chỉ sự cô lập, đi dễ khó về là Lìa. Chỉ những bản người Pa Kô, Vân Kiều cô độc sinh sống rải rác chứ không ai dám qua lại. Đi vào chốn này, không bỏ mạng vì thổ phỉ cũng chết dần, chết mòn vì sốt rét. Nhưng giờ đây, nhờ hiệu quả từ việc trồng chuối và cây sắn theo dự án KM 94 nên bộ mặt thôn bản thay đổi diệu kỳ, với những ngôi nhà sàn kiểu “biệt thự mi ni”, những ô tô chạy trên đường bóng loáng… Đặc biệt, cây chuối được nông dân hai nước Việt - Lào phủ xanh trên những quả đồi núi trọc và cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, nhớ lại, địa hình hai bờ sông Sê Pôn hiểm trở tạo điều kiện cho các nhóm buôn lậu qua biên giới Việt - Lào hoạt động rầm rộ khi Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thành lập. Hàng hóa Thái Lan với đủ chủng loại, mẫu mã bắt đầu xuất hiện tại Lao Bảo rồi được đưa đi nhiều nơi tiêu thụ trong cả nước. Đau xót hơn là sông Sê Pôn không ít lần phải chứng kiến cảnh lực lượng chức năng hai nước Việt - Lào ngăn hàng lậu vượt sông đã đổ máu khi dân buôn lậu cướp lại hàng từ lực lượng chức năng hoặc tranh giành địa bàn hoạt động giữa các nhóm tội phạm.
Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi người dân dưới xuôi đua nhau lên mua chuối mật mốc Tân Long, chính quyền xã Tân Long và các xã lân cận bắt đầu mường tượng ra con đường xóa đói giảm nghèo cho người dân. Chiến dịch vận động, hỗ trợ người dân trồng chuối được thực hiện. Hiện toàn huyện Hướng Hóa có gần 2.000ha chuối, gần như toàn bộ đất trống, đồi núi trọc trong vùng đều được lấp đầy cây chuối. Trung bình mỗi ngày nông dân huyện Hướng Hóa thu từ chuối được 400 - 500 triệu đồng. Mỗi năm cũng khoảng 150 tỷ đồng. Từ việc trồng chuối, những năm gần đây, dòng Sê Pôn không còn nạn buôn hàng lậu nữa mà đưa dân bản hai nước qua lại thăm hỏi nhau… Những chiếc thuyền chở nông dân qua sông thu tiền tỷ một cách chính đáng từ việc trồng chuối.
Tại các bến thuyền dọc sông Sê Pôn những ngày này rất dễ dàng bắt gặp cảnh nông dân vận chuyển nông cụ, giống chuối sang đất nước bạn Lào để trồng. Hàng trăm hộ dân hai xã Thuận, Tân Long sang Lào thuê rẫy trồng chuối. Nhiều hộ đã trở thành tỷ phú, triệu phú từ tiền bán chuối. Quan trọng hơn, chính họ đã mang kỹ thuật canh tác để cây chuối cho năng suất cao và hướng dẫn cho bà con các huyện Mường Noòng và Savannakhẹt cùng làm giàu từ cây chuối.
Đổi thay ở vùng biên cương dòng Sê Pôn không thể không nói đến hiệu quả từ việc trồng cây sắn. Phó Chủ tịch xã Thuận Nguyễn Văn Sang khoe, dọc tuyến đường Lìa gồm các xã Tân Long, Thuận, Thanh, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi, Pa Tầng, Trầm hiện có “Câu lạc bộ 100 triệu” với khoảng 50 thành viên. Đó là những hộ bán sắn cho nhà máy tinh bột sắn Quảng Trị đạt con số từ 100 triệu đồng trở lên. Nghe nói có người đạt đến 250 triệu đồng. Xã Thuận có vài người nằm trong danh sách này như Hồ Ta Cô, hay Pả Knun ở bản 1. Nhờ cây sắn mà cuộc sống người dân ở đây thay đổi hẳn. Có hộ có sổ tiết kiệm đến 400 - 500 triệu đồng, một số tiền rất lớn so với cuộc sống bấp bênh, chủ yếu làm nương rẫy với phương pháp canh tác thủ công, năng suất thấp trước đây của bà con.
VĂN THẮNG