Đó là khẳng định của ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương TPHCM. Đâu là cơ sở để khẳng định vấn đề này? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với ông.
- Tại sao ông có thể khẳng định chiến dịch Giờ Trái đất góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tiết kiệm năng lượng?
- Giờ Trái đất là một sự kiện toàn cầu do Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức thường niên, diễn ra vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng thứ ba; kêu gọi các hộ gia đình và các doanh nghiệp tắt các thiết bị điện trong vòng một giờ đồng hồ, từ 20g30 đến 21g30 nhằm làm gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước tình trạng biến đổi khí hậu. Giờ Trái đất được WWF khởi xướng tại thành phố Sydney của nước Úc vào năm 2007 với sự tham gia của 2,2 triệu người dân địa phương bằng việc tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết.
Đến năm 2010, chiến dịch nhanh chóng trở thành một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử hành tinh với sự tham gia của 128 quốc gia trên tất cả các châu lục, với gần 5.000 thành phố trên toàn thế giới. Và tính cho đến cho đến thời điểm hiện nay đã có gần 200 quốc gia tham gia hưởng ứng chiến dịch này. Năm 2009, Việt Nam chính thức tham gia chương trình này.
Tôi nghĩ, một chương trình nhận được sự quan tâm hưởng ứng của nhiều quốc gia như vậy thì chắc chắn là chương trình có ý nghĩa và có tác động tích cực đến cộng đồng.
- Từ năm 2009, Việt Nam tham gia chiến dịch trên. Vậy cho đến nay ông có đánh giá như thế nào về tác động chiến dịch đến nhận thức của cộng đồng về hành vi tiết kiệm năng lượng?
- Từ năm 2009, Việt Nam tham gia chiến dịch trên và đến năm 2011 được mở rộng hơn năm trước với quy mô 20 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam tham gia, đạt mục tiêu vận động hơn 1.000 doanh nghiệp và tổ chức cùng hướng ứng. Chỉ tính từ đầu tháng 2, khi phát động chiến dịch Giờ Trái đất 2012 đến nay đã có hơn 9.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia, tăng gấp 3 lần so với số lượng tình nguyện viên tham gia chương trình Giờ Trái đất 2011. Điều này cho thấy việc kêu sức lan tỏa của chương trình đã sâu rộng trong cộng đồng, nhất là đối tượng thanh niên – thế hệ làm chủ đất nước tương lai. Ngoài ra, khác với chiến dịch Giờ Trái đất trước đó, chiến dịch lần này dựa trên những sáng kiến của các tình nguyện viên để hiện thực hóa thành hoạt động kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở đó, hàng loạt hoạt động đã được lên kế hoạch triển khai.
Có thể kể một số chương trình như: Nguồn sáng tương lai (chương trình đổi bóng đèn sợi đốt, đèn tiêu tốn nhiều năng lượng thành đèn tiết kiệm năng lượng); tắt máy xe khi dừng đèn đỏ 20 giây; một lít mặt trời (sử dụng năng lượng mặt trời thay điện); đồng hành cùng trường học (tổ chức nói chuyện cùng với các bạn học sinh để góp phần nâng cao nhận thức của các bạn trong việc tiết kiệm năng lượng, từ đó góp phần thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của các bạn); quán cà phê xanh (vận động quán cà phê, nhà hàng hưởng ứng tắt đèn 1 giờ và sử dụng đèn tiết kiệm điện thay đèn tiêu hao nhiều năng lượng)…
- Nhưng có ý kiến cho rằng những hoạt động của chiến dịch trên chỉ mang tính hình thức, khó đi vào nhận thức của cộng đồng và biến thành hành vi ứng xử với hoạt động tiết kiệm điện?
- Muốn cải thiện chất lượng môi trường nói chung và thực hiện tiết kiệm điện nói chung đều bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức tốt sẽ dẫn đến hành vi tốt. Với chiến dịch Giờ Trái đất không thể tạo nên hành vi tiết kiệm điện bền vững trong cộng đồng mà góp phần tạo điểm nhấn để người dân, cộng đồng quan tâm hơn đến ý thức sử dụng năng lượng của mình. Hiện hàng năm, các cơ quan chức năng đã có các kế hoạch triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng. Thậm chí, với những đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng sử dụng năng lượng trọng điểm nếu không thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng sẽ phải bị xử phạt theo quy định.
Thế nhưng, nếu kế hoạch triển khai hàng năm của các cơ quan chức năng lại cộng thêm sự hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng như chiến dịch Giờ Trái đất thì hiệu quả tác động đến nhận thức cộng đồng sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều chương trình như Chiến dịch Giờ Trái đất để thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. Từ đó, hỗ trợ cộng đồng tốt hơn trong việc tự giác thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của mình theo hướng thân thiện với môi trường hơn.
ANH PHÚC