Mấy ngày này, có dịp đến các trường THPT, ngoài không khí ôn tập sôi nổi chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp còn nghe học sinh chuyền tai nhau một bí quyết làm bài mới: chú ý tên trường của thí sinh ngồi kế cận.
Một học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bật mí, theo kinh nghiệm của các anh chị khóa trên truyền lại, đã là học sinh trường chuyên khi đi thi tốt nghiệp, tốt nhất nên gỡ phù hiệu trường mình ra để tránh gây chú ý và bị các thí sinh ngồi cạnh quấy rầy trong suốt buổi làm bài. Bởi đã từng xảy ra trường hợp khi vào phòng thi, cả giám thị lẫn thí sinh đều dành nhiều “ưu ái” cho những bạn xuất thân từ các trường chuyên, lớp chọn.
Theo kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại, giám thị hầu như ít chú ý đến những thí sinh trường chuyên, có chăng chỉ là để hỏi “Em có cần thêm giấy làm bài?” nhưng lại đặc biệt “quan tâm” thí sinh ở các trường tốp dưới hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ngược lại, học sinh ở các trường tốp dưới hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên lại được thầy cô căn dặn để ý bảng tên trường của thí sinh ngồi cạnh đề phòng trường hợp quên bài còn biết “gõ cửa” nào mà hỏi. Chỉ bạn làm bài thì vi phạm quy chế thi, không chỉ lại sợ bị “xử hội đồng” khi hết giờ làm bài. Kiểu nào cũng khó nên tốt nhất “giỏi che, tốt đừng khoe” như đúc kết của một cựu học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Một sự kiện khác đang được cả xã hội quan tâm, bàn luận là việc một nhóm giáo viên ở Trường Tiểu học Hàn Hải Nguyên (quận 11) tham gia giải đề thi học kỳ 2 để giúp học sinh trường mình đạt điểm số cao trong việc giành suất chạy đua vào các trường trung học trọng điểm trên địa bàn quận. Đó là chưa kể từ khi Sở GD-ĐT TPHCM giao quyền ra đề và kiểm soát kỳ thi cho các đơn vị thực hiện đã nảy sinh không ít mâu thuẫn lớn.
Trên các trang mạng, diễn đàn xã hội thường xuyên xuất hiện những bài viết so sánh đề thi học kỳ nơi này dễ, nơi kia khó khiến phụ huynh bất bình về điểm số và kết quả đánh giá năng lực học tập của con em, từ đó dẫn đến bất bình đẳng trong cuộc chạy đua xét tuyển vào các cấp học cao hơn. Trường điểm năm nào cũng có đặc quyền xét tuyển đầu vào cao chót vót, trong khi các trường công lập khác tuy không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng song chỉ được nhận về những học sinh rớt lại sau cuộc đua xét tuyển. Lắm trường hợp các em chỉ học tạm 1, 2 năm chờ phụ huynh “tìm đường ngoại giao” chuyển sang các trường khác. Khoảng cách đào tạo vì thế ngày càng chênh lệch, khái niệm “trường chuyên”, “lớp chọn” vô hình trung đã đẩy cả phụ huynh lẫn học sinh vào một cuộc đua không đáng có.
Còn nhớ tại một cuộc họp giao ban chuyên môn do Sở GD-ĐT tổ chức, có ý kiến nêu rằng nên chăng tăng cường công tác tập huấn, trao đổi nhân sự, giao lưu kinh nghiệm giữa giáo viên các trường công lập trên địa bàn thành phố nhằm kéo giảm khoảng cách đào tạo giữa các đơn vị, góp phần hạn chế áp lực chạy trường và một số tiêu cực trong thi cử. Điều này ngành y tế đã tiến hành nhiều năm qua. Song, xem ra đối với giáo dục, vấn đề này đang còn nhiều bàn cãi. Và trong khi chờ một cuộc thay đổi thật sự, “khoảng cách” vẫn là điều khiến chúng ta trăn trở…
Thanh Thu