Giới hạn nào cho cảnh nóng trong phim?

Vài năm trở lại đây, việc sử dụng quá nhiều cảnh nóng đã trở thành một vấn đề được nhắc đến nhiều của phim Việt. Cuối tuần qua, hội thảo lấy ý kiến góp ý lần cuối của các nhà làm phim, các nhà phát hành về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, trong đó tập trung vào Đề án tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi đã được tổ chức lại một lần nữa thổi bùng lên những tranh cãi “cảnh nóng trong phim bao nhiêu là đủ?”.

Vài năm trở lại đây, việc sử dụng quá nhiều cảnh nóng đã trở thành một vấn đề được nhắc đến nhiều của phim Việt. Cuối tuần qua, hội thảo lấy ý kiến góp ý lần cuối của các nhà làm phim, các nhà phát hành về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, trong đó tập trung vào Đề án tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi đã được tổ chức lại một lần nữa thổi bùng lên những tranh cãi “cảnh nóng trong phim bao nhiêu là đủ?”.

Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy, xu hướng làm phim có cảnh nóng đang nở rộ, từ truyền hình cho đến điện ảnh. Không thể phủ nhận, cảnh nóng là một trong những yếu tố hấp dẫn, gợi trí tò mò của khán giả. Bởi vậy, nó thường được ví như là món “đặc sản” mà các đạo diễn dùng để kéo khán giả tới rạp. Lời khen thì ít mà tiếng chê thì nhiều. Nếu trước đây, các nhà làm phim chỉ lấy cảnh nóng làm minh họa cho bộ phim thì bây giờ, nhiều bộ phim được làm để minh họa cho cảnh nóng. Cảnh nóng bỏng không chỉ nhận thấy rõ nhất qua trailer của phim “Lạc giới” - đạo diễn Phi Tiến Sơn, hay “Hương ga” - đạo diễn Cường Ngô… mà còn xuất hiện nhiều đến ám ảnh với cảnh cưỡng bức bạo liệt trong “Quyên” hay “Đập cánh giữa không trung”… Có một điều rất lạ là các đạo diễn, các nhà phê bình đều không muốn nói đến cảnh nóng trong phim Việt.

Trong khi, những cảnh nóng lại đang xuất hiện nhan nhản trên phim và truyền thông thì liên tục đưa tin. Thậm chí đã có phim nhà sản xuất đầu tư nhiều tỷ đồng, song khi hoàn thành lại không được cấp phép phát hành do cảnh nóng.

Vì thế, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư kỳ vọng khi văn bản này được thông qua sẽ tránh được nhiều điều đáng tiếc. Bà Ngô Phương Lan chia sẻ, nhiều phim khi đem ra hội đồng duyệt chỉ đáng cấm khán giả dưới 13 tuổi, tuy nhiên do hệ thống của Việt Nam chưa có nên nhà làm phim phải chấp nhận. Cách phân loại này cũng tạo thuận lợi cho không chỉ hội đồng kiểm duyệt phim, cho các nhà sản xuất mà ngay cả khán giả cũng không phải băn khoăn trong việc thưởng thức sản phẩm của môn nghệ thuật thứ 7. Đại diện của Cục Điện ảnh cũng cho biết, trong quá trình tìm hiểu thì tiêu chí của Singapore rất chặt chẽ, nghiêm và phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn cả, nên đã tham khảo tiêu chí phân loại của nước này và tạm thời sẽ chỉ áp dụng cho điện ảnh Việt Nam.

  Theo đó, tiêu chí phân loại phim của Việt Nam sẽ được chia thành 4 cấp độ: Cho phép phổ biến phim với điều kiện không được phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13 tuổi (C13), dưới 16 tuổi (C16) hoặc dưới 18 tuổi (C18) nếu nội dung không phù hợp với sự phát triển tâm lý, sinh lý hoặc ảnh hưởng chung tới sự hình thành nhân cách ở từng lứa tuổi. Phim được dán nhãn P, phải có chủ đề hợp với khán giả mọi lứa tuổi. Trong dự thảo tiêu chí phân loại phim 18+, mức độ, thời lượng cảnh nóng lẫn hình ảnh khỏa thân được quy định không được dài quá 5 giây và thể hiện không quá 3 lần trong phim. Hầu hết các nhà làm phim, phát hành, sản xuất phim có mặt tại hội thảo đều cho rằng cần phải xem lại tiêu chí này. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhấn mạnh: Tại sao lại là 5 giây mà không phải là 6 giây hay 4 giây? Điều này quá khiên cưỡng. Nếu phản cảm thì 1 giây cũng là quá dài, còn nếu là nghệ thuật thì 5 giây vẫn còn ngắn! Dưới con mắt của người làm phim, ông cũng cho rằng không nên đưa ra những con số định lượng cụ thể. Nếu cảnh phản cảm thì 5 giây là quá dài, nhưng với cảnh mang nhiều ngôn ngữ nghệ thuật, yếu tố thẩm mỹ thì 5 giây lại là quá ngắn. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đưa ví dụ: Có thời gian người Mỹ từng không cho cảnh hôn kéo dài quá 3 giây trên màn ảnh. Các nhà làm phim đã tìm cách lách luật. Như được 2 giây 59 thì hai diễn viên lại tách nhau, nhìn nhau, rồi lại hôn tiếp. Về sau, điện ảnh Mỹ đã phải bỏ quy định “phản nghệ thuật” này…

Ai cũng biết ranh giới trong nghệ thuật là rất mong manh, không dễ dàng định lượng, áp đặt bởi các tiêu chí. Có đạo diễn nổi tiếng từng chia sẻ: “Giữa nhà quản lý, người xem và đạo diễn không có mẫu số chung thế nào là cảnh nóng thẩm mỹ, thế nào là cảnh nóng không thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ của mỗi người cũng rất xa vời, khó để nhận định chung về cảnh nóng. Bởi vậy, với người này có thể là cảnh nóng thô tục nhưng với người khác lại bình thường. Vấn đề là ở cấp bậc của thẩm mỹ và văn hóa”. Vì thế điều khán giả trông chờ nhất vẫn phụ thuộc chính vào cái tâm và tầm nhìn của chính các đạo diễn.

Dự kiến, đến cuối năm nay, tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi sẽ được áp dụng với mong muốn sẽ có một hành lang pháp lý để bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng, việc phân loại phim không phải làm khắt khe thêm việc kiểm duyệt phim và khán giả có thể sẽ được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh hơn, tùy thuộc độ tuổi.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục