Tin cho biết là VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước đã bị “sốc” khi biết mình không được dự Olympic London, đến mức là không thể tập luyện được. Thật ra, dù đã đạt được chuẩn B của Olympic từ cách đây gần một năm nhưng chưa ai khẳng định Phước sẽ được dự Olympic cả bởi vẫn phải đợi xét duyệt từ Liên đoàn Bơi quốc tế. Đã là người trong giới thể thao thì đương nhiên phải biết điều này. Nếu muốn chắc chắn, cách tốt nhất là phải cố gắng nâng cao thành tích, thi đấu thêm giải để đạt đến chuẩn A. Và việc này, thì ai cũng biết.
Việc Hoàng Quý Phước vẫn bị “sốc” cho thấy dường như các lãnh đạo thể thao và bản thân kình ngư trẻ người Đà Nẵng này chưa hề chuẩn bị tinh thần để đón nhận điều hiển nhiên đó. Nói đúng hơn, suốt gần một năm qua và nhất là sau 2 chiếc HCV tại SEA Games 26 đến nay, chúng ta vẫn luôn cho rằng Phước đã có suất mà quên mất chuyện VĐV này cần tập luyện và tham gia thi đấu nhiều hơn để bảo đảm vị trí của mình. Ngược lại với Quý Phước, VĐV nữ Nguyễn Thị Ánh Viên từ không được lại có suất dự nhờ thành tích gần đây nhất của cô ở giải Đông Nam Á (tháng 6) sau thời gian tập huấn tại Mỹ.
Dõi theo quá trình tập huấn của Quý Phước từ sau SEA Games đến nay, chỉ thấy toàn chuyện “lộn xộn” chứ không liên quan gì đến việc thi đấu nâng cao thành tích. Chuyến tập huấn tại Mỹ không thành phải quay về Trung Quốc. Rồi không đăng ký thi đấu ở một giải xét chuẩn Olympic trên đất Mỹ và cuối cùng là không thể hiện tốt ở giải Đông Nam Á vừa qua. Tóm lại, chính cách chuẩn bị của ngành thể thao cho trường hợp của Quý Phước không ổn khi cứ tưởng là Phước đã có vé dự Olympic rồi.
Bên cạnh đó, việc Quý Phước bị “sốc” đến mức bỏ tập luyện còn thể hiện điểm dở bấy lâu nay của các VĐV Việt Nam đó là vấn đề tâm lý. Những điều lẽ ra phải nắm rõ thì có vẻ như rất lờ mờ nên khi biết kết quả lại không chấp nhận được. Nếu suốt thời gian qua, Quý Phước ý thức rõ về thành tích của mình thì có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn và thành tích có thể tốt hơn.
Đây cũng là lý do mà những dự báo về thành tích của thể thao Việt Nam tại London 2012 khá mờ mịt. Những chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân (năm 2000) hay của Hoàng Anh Tuấn (năm 2008) có được chủ yếu từ tính bất ngờ hơn là sự chắc chắn trước lúc lên đường thi đấu. Càng được kỳ vọng thì VĐV Việt Nam lại càng có khả năng kém cỏi về thành tích ngay ở những môn được xác định bằng thông số kỹ thuật do những yếu tố khá nghiệp dư như tinh thần hay sai sót cơ bản. Ví dụ như các trường hợp của những VĐV hàng đầu thế giới Tiến Minh (cầu lông) hay Trần Lê Quốc Tuấn (cử tạ) tại SEA Games 26. Nói cách khác, những giới hạn của thể thao Việt Nam đa số đến ngay từ nội tại và đó là hậu quả của một nền thể thao vẫn còn thiếu chuyên nghiệp và thiên về cảm tính.
V. Quang