Ngày 26-10, tại tỉnh Đồng Nai, 20 nhà khoa học, nhà quản lý đã tham gia hội thảo khoa học về tác động của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với vùng hạ lưu và tỉnh Đồng Nai. Các nhà khoa học đã phản đối triển khai xây dựng thủy điện 6 và 6A vì hiện tại trên sông Đồng Nai đã có đến 14 thủy điện…
Tác động xấu
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, tổng công suất 241MW và tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) của dự án thủy điện 6 và 6A, diện tích đất rừng bị mất do biến thành hồ tích nước khoảng 372ha, trong đó có 137 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi triển khai dự án sẽ có nhiều tác động xấu đến môi trường sinh thái tự nhiên vốn có tại khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Quá trình mở đường giao thông, khai thác đá, thi công và vận hành công trình, cộng với đời sống sinh hoạt của đội ngũ công nhân xây dựng công trình sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển. Ngoài ra, dự án còn tác động đến dòng chảy của sông Đồng Nai, đặc biệt là phần hạ lưu, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.
Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Trần Văn Thành nhận định, việc xây dựng dự án thủy điện 6 và 6A về mặt lý thuyết sẽ mất đi 137ha rừng đặc dụng Vườn quốc gia Cát Tiên và 242ha rừng phòng hộ của tỉnh Đắc Nông và Bình Phước do ngập nước của hồ chứa cũng như diện tích xây dựng các công trình.
Trong quá trình thi công và vận hành, diện tích rừng mất đi sẽ nhiều hơn. Đồng thời, Vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đang trình hồ sơ để công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Dự án thủy điện 6 và 6A ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên, giảm đa dạng sinh học của khu vực nên các tổ chức quốc tế sẽ xem xét và có thể rút lại quyết định công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cân nhắc
Theo TS Vũ Ngọc Long, sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam nói chung và lưu vực sông Đồng Nai nói riêng trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước và đa dạng sinh học các vùng rừng đầu nguồn trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái tài nguyên khó phục hồi. Đặc biệt, tác động cộng hưởng cả các bậc thủy điện trên sông Đồng Nai là vô cùng nghiêm trọng, nhưng hiện chưa có nghiên cứu tổng hợp, đánh giá về những tác động này.
Ông Long lo lắng, khi xây dựng thủy điện 6 và 6A không chỉ mất diện tích lớn rừng đặc dụng, các động vật quý hiếm, mà còn có thể xảy ra lũ lụt và sạt lở bờ ở hạ nguồn. Đồng thời, việc tích nước của thủy điện sẽ khiến việc xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai. Hiện trên lưu vực sông Đồng Nai tập trung gần 20 triệu người sinh sống (chiếm 1/4 dân số cả nước).
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, nếu dự án thủy điện 6 và 6A đi vào hoạt động, trên sông Đồng Nai có 16 đập thủy điện, điều đó đang đặt ra những thách thức lớn đến cả hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và diện tích rừng Vườn quốc gia Cát Tiên. Nếu tất cả 16 đập thủy điện cũng giữ nước và cùng xả nước vào mùa lũ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hệ sinh thái rừng xung quanh, nếu hoạt động trong thời gian dài có thể sẽ thay đổi toàn bộ kiểu rừng tự nhiên nơi đây. T
rào lưu thế giới đang ngưng đầu tư thủy điện, thì ta vẫn tiếp tục đầu tư theo kiểu “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”, mà xem nhẹ sự cân đối giữa các lưu vực, các con sông với “sức chịu tải của chúng”. Điều đó gây ra mối lo sợ sông Đồng Nai đổi dòng; khi đó thảm họa sẽ tất yếu xảy ra, gây nên lũ quét cho cả dân cư và hệ sinh thái lưu vực. GS Lê Huy Bá đề nghị cần đánh giá tác động môi trường nghiêm túc và giải bài toán kinh tế, môi trường để có quyết định cân nhắc trước khi thực hiện dự án.
Lương Thiện – Lê Long