Giới trẻ Đông Á hướng tới cuộc sống đơn giản

Lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở miền Đông Trung Quốc, Lý Hiểu Minh mơ ước được sinh sống và làm việc tại thành phố lớn, nơi anh có thể có một cuộc sống tốt hơn, nên ra sức học tập. Nhưng khi đã 24 tuổi, Minh nghĩ khác và bằng lòng với công việc hiện tại.
Sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc tại hội chợ việc làm ở Thâm Quyến, Trung Quốc
Sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc tại hội chợ việc làm ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Là học sinh xuất sắc từ thời trung học, Minh học thạc sĩ tại một trong ba trường luật hàng đầu ở Trung Quốc và từng hy vọng sẽ kiếm được việc làm tại một công ty luật quốc tế danh tiếng có trụ sở ở Bắc Kinh. Nhưng khi nộp đơn xin việc, anh đã bị hơn 20 công ty luật quốc tế ở Trung Quốc từ chối. Giờ đây, anh ổn định ở vị trí thực tập sinh tại một công ty luật trong nước ở quê nhà.

Trên khắp đất nước Trung Quốc, những người trẻ tuổi như Minh đang cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh khốc liệt để có được tấm bằng đại học và việc làm. Họ đang áp dụng một triết lý mới mà họ gọi là ping tang, có nghĩa “nằm thẳng”, hay nói cách khác là sống đơn giản.

Cụm từ này có nguồn gốc từ một bài đăng vào đầu năm nay trên mạng xã hội Baidu của Trung Quốc, theo đó gợi ý rằng thay vì làm việc vất vả cả đời để mưu cầu một căn hộ và hoàn thành các giá trị truyền thống, mọi người nên theo đuổi một cuộc sống đơn giản.

Những tranh cãi về ping tang đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc khi những người trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để giành những công việc hấp dẫn nhất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và văn phòng.

Nhiều người phê phán cách sống này vì cho rằng làm mất đi tinh thần cầu tiến của giới trẻ. Trong khi đó, giới trẻ ngày càng ngao ngán với triết lý nhiều người coi là văn hóa làm việc quá mức. Tại nhiều công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp, nhân viên phải làm việc với năng suất gần gấp đôi hoặc tăng thêm số giờ làm trong tuần.

Giá nhà tăng cao cũng tạo thêm áp lực cho giới trẻ. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, giá trung bình của một căn hộ chung cư ở Bắc Kinh tính theo mét vuông tăng hơn 100% trong 6 năm, từ năm 2013 đến 2019. So với cùng kỳ, thu nhập khả dụng bình quân đầu người hàng năm trên địa bàn thành phố tăng chỉ 66%.

Theo CNN, không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, trên khắp Đông Á, những người trẻ tuổi cảm thấy hụt hơi trước viễn cảnh làm việc cật lực nhưng thành quả lại ít ỏi. Ở Nhật Bản, nhiều người trẻ đang trốn tránh cuộc sống nặng về của cải vật chất. Ông Lim Woon-taek, giáo sư xã hội học tại Đại học Keimyung, Hàn Quốc, cho biết: “Giới trẻ đang kiệt sức. Họ không biết tại sao họ phải làm việc cật lực như vậy”.

Ngày càng có nhiều người trẻ chán nản trước áp lực không ngừng của cuộc sống. Thậm chí, nhiều người sợ đến mức trốn tránh việc kết hôn hoặc sinh con. Một tờ báo Hàn Quốc trước đây đã đặt ra từ “sampo” - nghĩa đen là “ba bỏ” - để mô tả một thế hệ đã từ bỏ hẹn hò, kết hôn và sinh con. Đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, hẹn hò giờ đây quá tốn kém.

Cũng như nhiều nước khác, áp lực với thị trường việc làm của Hàn Quốc đã tăng lên, đặc biệt là trong thời kỳ dịch Covid-19. Theo thống kê của trang web Chính phủ Hàn Quốc, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng lên 4%, mức cao nhất trong 19 năm. Dữ liệu cũng cho thấy 9% người trong độ tuổi từ 15-29 thất nghiệp. Theo giáo sư Lim Woon-taek, vì không có việc làm, giới trẻ càng ít có khả năng lập kế hoạch cho cuộc sống và định hướng tương lai.

Tin cùng chuyên mục