Giới trẻ loay hoay tìm việc

Khó tìm việc phù hợp
Giới trẻ loay hoay tìm việc

Mỗi năm, có khoảng 400.000 lao động qua đào tạo đại học và trên đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số thất nghiệp trong nhóm đối tượng này vẫn tiếp tục tăng, duy trì thường xuyên khoảng 177.700 người (theo Bộ LĐTB-XH). Đây là con số không nhỏ và đáng lo ngại, mặc dù theo Viện Khoa học lao động và xã hội, Việt Nam vẫn nằm trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Giới trẻ loay hoay tìm việc ảnh 1

Nhiều người trẻ chọn cách kinh doanh trên mạng thay vì tìm việc ở những công ty, đơn vị

Khó tìm việc phù hợp

Mai Nguyễn, sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Quốc tế cho biết, cô rất hào hứng với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và điểm TOEFL cao của mình. Theo Mai Nguyễn, với hành trang này chắc chắn sẽ có vài công ty nước ngoài chọn cô. Quả nhiên, sau 4 giờ đăng ký hồ sơ trên mạng việc làm, có hơn 20 công ty phúc đáp chọn hồ sơ của cô và hẹn ngày phỏng vấn. Tuy nhiên, trong số hơn 20 công ty trên thấy chưa có công ty đa quốc gia nào, Mai Nguyễn quyết định không hấp tấp mà tiếp tục đợi đơn vị phù hợp để có được công việc như mong muốn. Cô cho biết: “Với vốn tiếng Anh tốt, không lẽ chọn công ty trong nước vì không có cơ hội sử dụng sẽ rất uổng phí…”.

Đình Thanh sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, tiếp tục đăng ký học 2 năm thạc sĩ và khi cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ, Thanh lại loay hoay về công việc, mức lương phải tương xứng với trình độ và công sức 6 - 7 năm học của mình. Chính với lý do này, Thanh vẫn chưa ổn định công việc nào cho riêng mình. Thanh đã từng đi làm nhưng nơi làm việc không phát huy được sở trường. Do đó, làm chưa được một năm Thanh đã nghỉ việc và cho biết, nhiều bạn của Thanh còn lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài nhưng vẫn chưa tìm được việc làm tại Việt Nam. 

Hiện nay, trên mặt bằng thị trường lao động chung, mức lương thử việc ban đầu của sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hoặc có bằng thạc sĩ cũng chỉ ở mức từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng (với các công ty trong nước) nhưng không hẳn đơn vị nào cũng tuyển nhân viên mới hàng tháng. Theo chị Phượng, CEO của một công ty kinh doanh xe hơi tại TPHCM, công ty chị có rất nhiều cửa hàng trên toàn quốc và nhu cầu việc làm cũng rất cao. Tuy nhiên, để chọn nhân viên cho các phòng kinh doanh, tiếp thị hoặc kế toán, nhiều lúc chỉ tuyển những người tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp vì họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp và thời gian thử việc lâu dài. “Còn công việc thì khi vào làm, nghề sẽ dạy nghề thôi…”, chị Phượng nói.

Kinh doanh tự do

Dạng như Mai Nguyễn hoặc Đình Thanh không nhiều, vì dù gì họ cũng đang sinh sống tại thành phố lớn, không phải lo cơm, áo, gạo tiền như các tân cử nhân ở tỉnh. Ngọc Lan, cử nhân Trường Đại học Tôn Đức Thắng tâm sự, với những sinh viên ở tỉnh như cô chỉ cần có việc làm ổn định sau khi ra trường là mừng lắm rồi, không cần thiết công việc đó có đúng ngành nghề hay không. Với tiêu chí đó, sau khi tốt nghiệp Ngọc Lan và nhóm bạn đã gửi hồ sơ đăng ký tìm việc làm. Một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng chọn cô vào vị trí kế toán viên với mức lương 5 triệu đồng/tháng, trong 6 tháng thử việc. Tuy vậy, 5 triệu đồng để tồn tại ở TPHCM với các gánh nặng tiền nhà, tiền xăng, ăn uống… không thấm vào đâu. Khi phong trào kinh doanh trên mạng nở rộ, Ngọc Lan quyết định vừa đi làm vừa tập tành kinh doanh online. Sẵn có đầu óc kinh doanh, cô kết nối các nơi để tạo ra các sản phẩm thời trang cho phụ nữ với giá rẻ. Ban đầu cô giới thiệu một vài mẫu trên Facebook cho bạn bè chia sẻ và đặt hàng, rồi mở fanpage riêng và giới thiệu các loại mẫu mã mới. Không ngờ việc kinh doanh online lại chiếm khá nhiều thời gian, do đó cô quyết định nghỉ việc và quyết tâm phát triển kinh doanh trên mạng.

Kinh doanh trên mạng đang nở rộ, nhưng không phải ai cũng thành công với loại hình kinh doanh này. Tuy vậy, giới trẻ hiện nay lại đang lao theo mô hình này vì họ muốn khẳng định khả năng tự lập từ 4 con số không: không cần vốn, không cần mặt bằng, không cần nhân viên và không cần đăng ký kinh doanh.

Theo bảng tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam mới nhất của Bộ LĐTB-XH, số người thất nghiệp có trình độ đại học và trên đại học vẫn tiếp tục tăng, với 177.700 người, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
 

GIA LYNH

Tin cùng chuyên mục