Giọng ca opera Phúc Tiệp gây bất ngờ với sản phẩm âm nhạc đi vào lòng đất

Ngày 9-11, ca sĩ Phúc Tiệp, người được biết đến là một trong những giọng nam thính phòng hàng đầu hiện nay (hiện là giảng viên khoa thanh nhạc, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã chính thức giới thiệu MV ca nhạc đặc biệt với những cảnh quay được thực hiện sâu 175m dưới lòng đất với tên gọi Tôi là người thợ lò - nhạc sĩ Hoàng Vân.

Chia sẻ về sản phẩm âm nhạc này, Phúc Tiệp cho biết, MV Tôi là người thợ lò được anh ghi hình từ năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng phải đến bây giờ mới chọn được thời điểm phù hợp để ra mắt khán giả.

Nam ca sĩ chia sẻ, cách đây 3 năm, anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3 nên có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ. Khi nhận lời mời tham gia chương trình này, ý tưởng làm sản phẩm âm nhạc quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ để nhiều người hiểu rõ về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ đã hình thành.

Giọng ca opera Phúc Tiệp gây bất ngờ với sản phẩm âm nhạc đi vào lòng đất ảnh 1 Những cảnh quay sâu hơn 100 m dưới lòng đất
Nhắc lại trải nghiệm này, Phúc Tiệp kể, thật ra người bình thường mà xuống hầm lò sâu chừng 70-80m và ở trong đó chừng 2- 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên. Nhưng anh đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày và nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của họ. Mồ hôi chảy ra quện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem không chỉ mặt mũi mà toàn bộ từ trên đầu xuống dưới chân, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng là trắng. Hình ảnh những người công nhân mỏ bước chân lên mặt đất, tháo đôi ủng dốc ra òng ọc nước, chính là nước do mồ hôi của họ chảy ra sau một ngày làm việc mệt nhọc. Có điều, tất cả đều rất yêu đời và lạc quan. Trong MV, ngoài anh ra thì những “diễn viên” xuất hiện trong MV không ai khác chính là những công nhân vùng mỏ với nụ cười, ánh mắt cực kỳ đời thường và chân thật.

Ngoài những cảnh quay trong hầm lò sâu 175m thì MV Tôi là người thợ lò cũng có một số cảnh quay khác ở những mỏ than lộ thiên trên mặt đất và cả cảnh quay ở đỉnh núi Bài Thơ, Hạ Long, Quảng Ninh.

Phúc Tiệp chia sẻ, để lấy một vài giây quay trên đỉnh núi Bài Thơ, anh cùng êkip đã phải mất 1 ngày trèo qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn để lên được đỉnh núi cao. Anh còn mặc nguyên cây vest, đi giày da để trèo núi nên rất vất vả. Lúc đi lên đã vậy, lúc xuống núi còn nguy hiểm hơn vì không có đường mà vẫn phải bám vào các mỏm đá tai mèo để đi xuống. Khi quay cảnh cao này, do địa hình hiểm trở phức tạp nên êkip đã bị hỏng mất 2 chiếc flycam giá trị.

Giọng ca opera Phúc Tiệp gây bất ngờ với sản phẩm âm nhạc đi vào lòng đất ảnh 2 MV có nhiều cảnh quay chân thực về cuộc sống những người thợ ở sâu dưới lòng đát
Có mặt tại sự kiện, NSND Quang Thọ (từng là công nhân hầm lò, cũng là người thể hiện ca khúc Tôi là người thợ mỏ thành công) đánh giá, MV của ca sĩ Phúc Tiệp nghe rất mới, mang hơi thở, có sức sống và sáng tạo.
Cũng trong ngày 9-11, ca sĩ Phúc Tiệp cũng chính thức ra mắt album có tựa đề Vết xưa. Đây cũng là sản phẩm âm nhạc được anh thực hiện cách đây gần 3 năm. Album quy tụ nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: Mùa hè đẹp nhất, Mùa đông sắp đến, Cơn mưa phùn (Đức Huy), Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn), Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Một lần cho tôi gặp lại em, Rồi cũng già (Vũ Thành An)...

Chia sẻ về việc bỗng dưng “rẽ” sang hát một dòng nhạc khác với niềm đam mê của mình, Phúc Tiệp tâm sự, nhiều năm nay, khi đã có chỗ đứng nhất định ở dòng nhạc thính phòng, anh trăn trở suy nghĩ đến việc mình vẫn thiếu một điều gì đó trong việc tiệm cận với cộng đồng nghe nhạc nói chung và đã tới lúc nên có sự bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt.

“Album Vết xưa có thể nói là cuộc chơi của tôi trong âm nhạc, giống như một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục bản thân với nhạc xưa không hề dễ dàng chút nào, kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này có gì đó khác biệt với số đông những người khác”- Phúc Tiệp chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục