Giống và vẫn khác

VIỆT KHANG

Lần cuối cùng Arsenal vô địch giải Ngoại hạng, cũng là thời điểm mà Pep Guardiola giã từ sự nghiệp cầu thủ trước khi bước vào ngôi đền của các huyền thoại cầm quân. Có người đã từng so sánh, những gì mà Pep làm với tiki-taka đó là bản nâng cấp ở mức độ tuyệt kỹ của thứ bóng đá mà ông Arsene Wenger thực hiện tại Arsenal 20 năm trước. Nếu nói Wenger là người khai phá thì Pep không phải là người kế thừa mà phát triển thứ bóng đá nghệ thuật ấy ở một hình thái khác. Phải chăng vì thế mà Wenger thua 2 trong 8 lần đối đầu với Pep?

Nói như vậy để thấy rằng, họ tuy giống nhau nhưng rất khác nhau. Wenger bắt đầu thế nào ở Arsenal thì đến giờ vẫn vậy. Ông kiên trì đến mức bảo thủ và Arsenal luôn tốt nhưng hơn một thập niên qua, chẳng bao giờ quá tốt. Đơn giản là Wenger tôn thờ quan điểm của mình, ông không muốn đốt cháy bất kỳ giai đoạn nào, kể cả khi chỉ vì một chút chậm trễ mà Arsenal cứ thất bại ở những thời điểm không được phép. Ngược lại, Pep luôn yêu cầu rất nhanh, thay đổi mau lẹ và vì thế, lối chơi của Pep luôn phải có những con người phù hợp gần như là mặc định. Như trường hợp của Messi tại Barcelona.

Một yếu tố khác biệt nữa: Ông Wenger từng bị Mourinho chế nhạo là “chuyên gia thất bại” và thực tế, 13 năm qua Arsenal vẫn thất bại trong việc chinh phục ngôi vương của bóng đá Anh. Pep thì khác, thất bại chắc chắn không có trong từ điển và càng không có trong hành trình mà nhà cầm quân Tây Ban Nha này ở nước Anh. Pep đến và được chờ đợi như một “người khai sáng” mới cho giải Ngoại hạng, tuy nhiên cho đến nay, Man.City vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng của 2 mùa giải gần nhất. Một phần, có thể vì sự nôn nóng qua mức của Pep khi yêu cầu cao cho đội ngũ mà chính Mourinho đã từng chê là “quá hạn sử dụng”.

Triết lý có thể giống nhau nhưng cách tiến hành thì không giống được. Wenger vẫn có thể tiếp tục công việc tại Arsenal nếu không vô địch, còn với Pep thì chưa chắc.

VIỆT KHANG

Tin cùng chuyên mục