Giọt nước làm tràn ly

Bộ Ngoại giao Nga ngày 15-5 đã chính thức tuyên bố trục xuất Ryan C.Fogle, một nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva do làm gián điệp cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Quan hệ Washington - Mátxcơva vốn không êm ả, giờ lại tiếp tục sóng gió.

Fogle bị buộc tội cố tình mua chuộc một quan chức chống khủng bố Nga (phụ trách khu vực Bắc Kavkaz) làm việc cho CIA. Theo Cục An ninh LB Nga (FSB), khi bắt giữ Fogle, họ đã phát hiện rất nhiều tiền mặt, các thiết bị gián điệp và một lá thư cam kết thanh toán hàng triệu USD. Trong những năm qua, các vụ phanh phui gián điệp mang đậm màu sắc Chiến tranh lạnh vẫn tiếp tục diễn ra. Năm 2010, Mỹ đã trục xuất 10 công dân Nga bị cáo buộc làm gián điệp. Việc trả đũa qua lại khiến mối quan hệ giữa Washington - Mátxcơva luôn ngột ngạt.

Điều gì đang thực sự làm cản trở quan hệ Nga - Mỹ? Phải chăng bóng ma Chiến tranh lạnh cứ ám ảnh họ nên họ chưa bao giờ thực sự đặt niềm tin vào nhau?

Có thể nói, đối với Nga, rất khó để đặt niềm tin vào Chính phủ Mỹ khi Washington tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là để chống lại các đe dọa từ CHDCND Triều Tiên, Iran thì trên thực tế hệ thống đó được triển khai ở thế bao vây lấy Nga. Điều này khiến Mátxcơva không khỏi nghi ngờ chính mình mới là mục tiêu của Washington. Ngoài ra, việc Washington lợi dụng Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) để can thiệp vào nội bộ Nga, nhất là thúc đẩy các lực lượng đối lập tại nước này để gây mất ổn định chính trị của Nga cũng đã đánh mất niềm tin nơi xứ sở Bạch Dương…. Không thể kể hết những bất đồng của hai quốc gia từng là cựu thù và hiện nay đang là đối tác. Và những câu chuyện gián điệp giữa hai bên có thể viết thành những thiên tiểu thuyết trinh thám không có kỳ kết. Rồi những luật, tu chính án trừng phạt lẫn nhau nghe như từ thời Chiến tranh lạnh đang làm cho sự nghi kỵ giữa hai bên gay gắt hơn bao giờ hết, kể từ khi cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc.

Dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell khẳng định sự cố sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Mỹ và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết 2 nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi ngoại giao. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định cho đến nay và trong tương lai gần, hai nước Nga, Mỹ chỉ hợp tác chủ yếu là về hình thức ngoại giao và về những vấn đề phi chính trị, phi quân sự. Còn về hợp tác kinh tế, hai bên chỉ đánh giá trên cơ sở lợi ích trước mắt, khó có những hợp tác lâu dài. Dù các doanh nghiệp Mỹ đang mơ mộng đến thị trường Nga, nơi dự báo có cả hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với sức mua hàng hóa cao cấp bậc khủng. Nhưng hình như cánh cửa thị trường Nga không mở rộng đối với doanh nghiệp Mỹ vì chính lý do đánh mất niềm tin. Mới đây nhất, các nghị sĩ Nga còn soạn thảo luật cấm lưu thông và tích trữ đồng đô la Mỹ cũng như các doanh nghiệp Nga không được giao dịch bằng ngoại tệ. Sự nồng ấm Nga - Mỹ như dưới thời Boris Yeltsin và Bill Clinton đã qua. Nhưng vấn đề là hiện nay người Nga lại cảm thấy tự hào vì tìm lại được vị thế nước Nga trên chính trường thế giới.

Sự kiện gián điệp mới đây nhất đã được các nhà lãnh đạo hai bên cố gắng hạ thấp tầm ảnh hưởng của nó. Nhưng nhìn lại chuỗi sự kiện mấy năm qua có thể nói đó là giọt nước làm tràn ly. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục