(SGGP).- Vừa qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT phải thay đổi chế độ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh để bảo đảm công bằng.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học năm 2015
Tuy nhiên, trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy 2016, Bộ GD-ĐT vẫn giữ mức điểm chênh lệch ưu tiên là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề cho thí sinh. Giải thích điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, so với năm 2015, dự thảo quy chế năm 2016 đã có nhiều sửa đổi về chế độ ưu tiên. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn giữ mức điểm chênh lệch ưu tiên là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, lý do khiến một số ý kiến đề nghị giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên đối tượng và khu vực xuất phát từ cấu trúc đề thi. Trước đây, đề thi chỉ sử dụng cho mục đích tuyển sinh ĐH-CĐ nên được thiết kế để phân loại thí sinh. Còn nay đề thi đáp ứng 2 mục đích: có 60% kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, 40% kiến thức nâng cao để tuyển sinh ĐH-CĐ. Vì vậy, so với thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước đây, đề thi THPT quốc gia để đạt được điểm cao sẽ khó hơn nhưng để đạt điểm trung bình sẽ dễ hơn. Dựa trên lập luận đó thì những thí sinh có mức ưu tiên cao sẽ có nhiều quyền lợi hơn, không công bằng với những thí sinh không được ưu tiên. Trước những ý kiến này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thống kê kết quả thí sinh đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2015 cả diện ưu tiên và diện không ưu tiên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là dân tộc thiểu số đạt trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào so với thí sinh các vùng khác cũng tương đương với những năm tuyển sinh 3 chung. “Vì vậy, nếu giảm mức chênh lệch điểm ưu tiên theo đề nghị của một số ý kiến (giảm 50% mức chênh lệch điểm ưu tiên) thì tỷ lệ thí sinh vùng khó khăn, thí sinh là người dân tộc thiểu số trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ thấp đi đáng kể”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Ngoài ra, khi Bộ GD-ĐT đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cuộc họp với các trường ĐH-CĐ cũng như tham khảo ý kiến của Ủy ban Dân tộc thì phần lớn ý kiến cho rằng, nên duy trì mức điểm ưu tiên như năm 2015, nhưng thu hẹp bớt diện ưu tiên cao, cụ thể là các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 1, đối tượng được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu khu vực 1. “Vì vậy, dự thảo quy chế tuyển sinh 2016 đã quy định, để được hưởng nhóm ưu tiên 1 thì thí sinh công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số phải có hộ khẩu thường trú 18 tháng trở lên trong thời gian học THPT tại các xã khu vực 1. So với quy chế năm 2015 thì diện ưu tiên này thu hẹp đi khá nhiều. Tương tự, thí sinh được hưởng ưu tiên theo hộ khẩu thường trú khu vực 1 phải có hộ khẩu thường trú từ 18 tháng trở lên trong thời gian học THPT ở các xã này và học THPT tại trường huyện, thị xã có xã khu vực 1. So với quy chế 2015 diện được hưởng ưu tiên khu vực 1 vì thế cũng giảm đi đáng kể”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, quy chế tuyển sinh 2016 thu hẹp dần diện được hưởng ưu tiên cao, nhưng những đối tượng thí sinh vùng còn khó khăn, con em dân tộc vẫn cần được duy trì mức chênh lệch điểm ưu tiên như những năm trước để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
LÂM NGUYÊN