Mặc dù kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020” đã được UBND TPHCM phê duyệt ngày 17-8-2016 nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Người lao động nóng lòng trong khi lãnh đạo các đơn vị thí điểm cũng trăn trở không ít. Vì sao?
Chờ hướng dẫn, phải… “tạm làm, tạm thu”
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, 2 quận được chọn thí điểm giữ trẻ ngoài giờ trong năm học 2016 - 2017 là Bình Tân và Thủ Đức. Bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30/4 nằm trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) - một trong ba đơn vị được chọn thí điểm cho biết: Trên tổng số 160 trẻ đăng ký giữ ngoài giờ, chỉ có 55 em được phụ huynh gởi thực tế tại đơn vị. Số còn lại gia đình chọn giải pháp nhờ người thân đưa đón hoặc gởi các em tại các nhóm trẻ gia đình với thời gian đưa đón linh hoạt hơn. Ngoài ra, từ đầu năm học 2016 - 2017, trên địa bàn quận còn có 2 trường mầm non ngoài công lập khác chia sẻ áp lực này. Đó là Mầm non Bảo Ngọc và Mầm non tư thục Mặt Trời Nhỏ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), thời gian giữ trẻ kéo dài đến 18 giờ 30 từ thứ hai đến thứ bảy. Hiện nay, phí giữ trẻ ngoài giờ tại 2 đơn vị này đều thấp hơn phí giữ trẻ theo quy định tại trường công, dao động trong khoản 20.000 - 30.000 đồng/trẻ/giờ gởi thêm.
Cô và cháu Trường Mầm non tư thục Mặt trời nhỏ (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), một trong những đơn vị tổ chức giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân
Tại quận Thủ Đức, Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 - nay đổi tên thành Mầm non Hoa Đào (phường Linh Xuân) và Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 2 - nay đổi tên là Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Trung) là hai đơn vị được chọn thí điểm với tổng số trẻ theo dự kiến là 180 trẻ.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND quận Thủ Đức với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về thực hiện Nghị quyết 01/2014 hỗ trợ giáo dục mầm non, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào (phường Linh Xuân) cho biết, dù kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ đã có nhưng chưa có hướng dẫn của Sở GD-ĐT nên trường không thể thực hiện. Do đó, đã có 30 trường hợp học sinh rút tên tại trường, chuyển ra nhóm trẻ vì phụ huynh có nhu cầu gởi con sau 16 giờ.
Còn tại Trường Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Trung), bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã tổ chức giữ trẻ ngày thứ bảy từ đầu năm học 2016 - 2017 dù chưa có văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT. Theo đó, phí giữ trẻ ngoài giờ được tạm thu trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh. Giải thích điều này, một lãnh đạo UBND quận cho biết, do nhu cầu gởi con ngoài giờ của phụ huynh quá lớn, nếu không tổ chức giữ trẻ ngoài giờ sẽ có nhiều trường hợp phụ huynh rút hồ sơ, chuyển con qua học trường tư.
Người lao động cần chia sẻ phí gửi con
Lý giải nguyên nhân chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn, một đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, khi xây dựng kế hoạch, phí giữ trẻ được đề xuất ngân sách TP hỗ trợ 50%, số còn lại do công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động đóng góp. Tuy nhiên, khi trao đổi với Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP, ngành giáo dục đã nhận được phản hồi là hiện nay kinh phí công đoàn các cơ sở chưa có quy định khoản hỗ trợ này, mức hỗ trợ (nếu có) chỉ ở mức tượng trưng từ 20.000 - 100.000 đồng/trẻ/tháng.
Để gỡ cái khó này, nhiều doanh nghiệp kiến nghị người lao động không nên quá trông chờ vào tiền hỗ trợ. Thay vào đó, bình quân tiền công lao động trong một giờ của công nhân hiện nay là 24.000 đồng, nếu tăng ca được hưởng 150% công ngày thường. Như vậy, một công nhân tăng ca trong 2 giờ sẽ được nhận mức lương tương ứng là 72.000 đồng.
“Doanh nghiệp chỉ có thể hỗ trợ một phần, người lao động cần có trách nhiệm đóng góp thêm vào chi phí đó”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Thêm vào đó, trước đây khi tính toán phương án chi trả tiền lương trả thêm ngoài giờ cho giáo viên, Sở Tài chính TP cho biết không thể thực hiện do vướng quy định giáo viên mầm non không làm việc quá 200 giờ/năm.
Bà Trương Thị Việt Liên, quyền Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chỉ tính riêng một giờ làm thêm mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu (16 giờ 30 - 17 giờ 30) và 10 giờ làm thêm ngày thứ bảy, giáo viên đã làm thêm 16 giờ mỗi tuần, một năm hơn 500 giờ. Do đó, để bảo đảm hiệu suất công việc nhưng vẫn giúp giáo viên có điều kiện tái tạo sức lao động, đồng thời không vướng các quy định chi trả tiền lương của TP, Sở GD-ĐT kiến nghị TP cần bổ sung thêm định biên giáo viên cho các trường mầm non. Nhất là đối với các lớp giữ trẻ ngoài giờ, các trường có thể tổ chức cho giáo viên chia ca để thực hiện, hợp đồng thêm lao động nếu quá khó khăn về nhân sự.
| |
MINH QUÂN