Hơn 10 năm trước, trong cuộc làm việc với đại biểu của dân, chủ tịch một huyện ngoại thành TPHCM bộc bạch: “Đô thị hóa nhanh quá, cho nên bây giờ ưu tiên hàng đầu phải giữ được đất đã “để dành” xây trường học. Nghèo vẫn còn nghèo, khó vẫn còn khó, nhưng trường lớp cho con em không có thì làm gì cũng không căn cơ”. Bây giờ vị chủ tịch ấy đã nghỉ hưu và huyện cũng đã chia tách thành quận. Thật may, ý nguyện giữ đất xây trường ấy vẫn được thực hiện, dù không được hoàn toàn như mong muốn.
Cũng vì có những tâm huyết đáng quý như thế, nên hiện tại tổng số trường học mầm non và phổ thông của TPHCM là 1.686 trường (711 trường mầm non, 470 tiểu học, 248 THCS, 171 THPT, 41 GDCN và 45 trung tâm giáo dục thường xuyên).
Số lượng học sinh tổng cộng các bậc học là 1.362.641 và 49.468 giáo viên. Những con số có thể khô khan, nhưng vẫn bật ra một diện mạo khác của một thành phố trẻ trung, nhiều khát vọng.
Tăng trưởng, phát triển phải đặt trên nền tảng quan trọng nhất là giáo dục - đào tạo. Quy luật này đã được nhắc rất nhiều lần. Tuy vậy, ở hoàn cảnh cụ thể của một thành phố có tốc độ tăng trưởng luôn dẫn đầu cả nước trong nhiều năm, luôn giữ được tâm niệm ấy không phải là điều dễ dàng. Những mong muốn về lợi ích ngắn hạn luôn xung đột với lợi ích dài hạn, bền vững. Giáo dục là điểm nhạy cảm nhất chứng kiến và chịu tác động mạnh của xung đột ấy.
“Giữ đất xây trường” không chỉ là chuyện của riêng mảnh đất. Điều đáng nói hơn, là tạo ra mạch sống, mạch lớn của những trường lớp đó. Đặt trong bối cảnh cả nền giáo dục quốc gia vẫn còn nhiều phân vân trong lựa chọn, ở tầm một địa phương sẽ gặp không ít trắc trở. Vì vậy, cần dẫn thêm một con số khác để nhìn nhận sự cố gắng lớn. Năm học 2009 - 2010, giáo dục TPHCM dẫn đầu cả nước với 14/14 chỉ tiêu xuất sắc. Tất cả các quận, huyện đã xây dựng ở mỗi cấp học ít nhất một đơn vị trường học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại. Đây chính là xác quyết cụ thể cho mục tiêu hội nhập một cách căn cơ trong hiện tại và tương lai.
Năm 2002, TPHCM đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở bậc trung học cơ sở và là tỉnh thành đầu tiên trong cả nước hoàn thành phổ cập bậc trung học năm 2009. Những dấu mốc này, nếu nhìn từ góc độ yêu cầu phát triển, sẽ không khỏi có người thấy sốt ruột. Tuy vậy, đó là một nỗ lực liên tục trong nhiều năm. Đấy là một mỏm núi phải trèo vất vả mới tới. Dĩ nhiên, sau mỏm núi này sẽ là đỉnh núi khác. Hành trình “leo núi” ấy đánh dấu những thành quả bằng chính sức mình.
Những năm trước, vì nôn nóng cho đoạn đường phải vượt, khẩu hiệu “đi tắt, đón đầu” trở thành phổ biến. Giáo dục cũng đứng trước nhiều cơn xốn xang thời cuộc, đến bây giờ vẫn còn không ít dư vị đắng. Tuy vậy, với thời gian và trải nghiệm, trả giá, để phát triển thật sự, phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Giáo dục - đào tạo là hành trang số một cho tương lai. Trong học vấn, giáo dục không có đường tắt. Để thành phố cất cánh, giáo dục - đào tạo phải có “đường băng” vững chãi. Và từ đó, mới có thể cất cánh chính xác, bay được tầm xa.
Vũ Bách