Giữ gìn huyết mạch

Hơn 300 năm trước, khi Sài Gòn - Gia Định chưa hình thành thì các con sông và kênh rạch đã hiện hữu nơi đây. Khi con người đặt chân lên miền đất hoang dã này, những con sông và kênh rạch tự nhiên là đường giao thông chính cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Hơn 300 năm sau, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các dòng sông và kênh rạch của Sài Gòn - Gia Định xưa, TPHCM ngày nay đã bị biến dạng. Nhiều kênh rạch đã bị lấp. Một số khác tồn tại nhưng không còn nét thơ mộng nữa mà mang trên mình nó đầy rác rưởi, nước đen ngòm và hôi thối quanh năm.

Mặc dù vậy, hệ thống sông và kênh rạch hiện nay vẫn đóng vai trò huyết mạch đối với sự phát triển kinh tế của TPHCM và sinh hoạt của người dân. Những cái tên kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hũ… nối liền giao thông thủy giữa TPHCM và các tỉnh vốn đã quá quen thuộc với người Sài Gòn và miền Tây, miền Đông Nam bộ.

Tàu ghe đi ngược về xuôi trên những tuyến sông, kênh rạch này vừa thuận tiện, chi phí thấp, vừa chia sẻ sự quá tải của hệ thống giao thông đường bộ. Và cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền càng làm cho hình ảnh thành phố mang tên Bác sinh động hẳn lên trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của cả nước. Chưa hết, với một thành phố gần chục triệu người sinh sống và làm việc, tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt như TPHCM, hệ thống sông và kênh rạch còn là nơi thoát nước thải và nước mưa cho mọi khu vực nội ngoại thành. Đồng thời, nếu biết cải tạo và sử dụng đúng, nó còn là nơi chứa nước cho mùa khô và giữ độ ẩm cần thiết cho một thành phố vốn rất ngột ngạt và bụi bặm.

Gần 20 năm trước, thấy được vai trò quan trọng của hệ thống kênh rạch, và cũng vì không thể chịu được nữa, TPHCM đã bắt tay vào cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đó là một cuộc cách mạng đầy gian khó trong chỉnh trang đô thị của TPHCM. Bởi vào lúc đó để thực hiện được kế hoạch này, chính quyền thành phố phải di dời giải tỏa hàng chục ngàn hộ dân - đủ mọi tầng lớp, đủ mọi hoàn cảnh - mà việc giải quyết nếu không thỏa đáng đều có thể gây bất ổn cho xã hội; phải đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nạo vét lòng kênh và xây bờ kè, làm đẹp cảnh quan.

Đến nay, mặc dù chưa hoàn chỉnh, nhưng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã trở thành một minh chứng về lòng quyết tâm để cải tạo các hệ thống kênh rạch còn lại của thành phố.

1.700km sông, kênh rạch của TPHCM là vốn quý của thiên nhiên và con người qua nhiều thế hệ để lại. Nhưng cũng chính những con người vô ý thức đang hủy hoại vốn quý đó. Những hành vi xả rác bừa bãi ra sông, kênh rạch; những căn nhà xây cất trái phép lấn chiếm lòng kênh rạch… cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

Mặt khác, vì lợi ích dài lâu, chính quyền TPHCM cũng cần phải đầu tư thỏa đáng hoặc kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn để cải tạo toàn bộ hệ thống sông, kênh rạch của thành phố, trả nó về chức năng nguyên thủy và làm sạch đẹp cho thành phố trong tương lai.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục