Việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài luôn là mối quan tâm của nhiều người, nhất là những người xa quê hương nhiều năm và đã ít nhiều hội nhập cuộc sống của mình tại nước sở tại.
Ngày 4-9 vừa qua, Hội VietKidsNZ tại Wellington, New Zealand đã mở lớp Vui học tiếng Việt thứ 2. VietKidsNZ được thành lập từ năm 2014, với mục tiêu là gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam sống ở New Zealand.
Các đối tượng tham gia bao gồm: các bé từ 2 tuổi trở lên, được chia làm hai nhóm, nhóm dưới 5 tuổi là các bé trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo và nhóm trên 5 tuổi với những trẻ đã bắt đầu đi học. Mỗi nhóm trẻ sẽ được thiết kế chương trình học riêng theo dạng tương tác “học mà chơi, chơi mà học” với thời lượng học từ 1 - 2 giờ, 1 buổi/tuần. Các bé được khuyến khích nói tiếng Việt khi tham gia lớp học.
Các chương trình học bao gồm chủ đề về gia đình, lịch sử, ẩm thực, các lễ hội dân gian… cùng với các hoạt động thể chất, trò chơi trí tuệ, các trò chơi dân gian, kể chuyện… nhằm phát triển kỹ năng cơ bản cho trẻ và trau dồi khả năng thực hành tiếng Việt sau khi học. Mỗi trẻ tham gia chương trình học sẽ có một bộ hồ sơ riêng để ghi lại quá trình tiến bộ, thay đổi về khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Một lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài
Tương tự, tại Thụy Sĩ, tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn, Chủ tịch Hội Nhịp cầu thái bình và là người trực tiếp mở các lớp và soạn thảo chương trình dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ đã mở rộng mục tiêu và lứa tuổi, thông qua việc dạy tiếng Việt để quảng bá văn hóa Việt Nam đến các học viên. Các lớp dạy tiếng Việt bao gồm những lớp vỡ lòng dành cho trẻ em và các lớp cho người lớn với các giáo trình xen kẽ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm giúp học viên học được cách phát âm, từ vựng, cách nói và viết theo đúng ngữ pháp.
Ông Hoàng Văn Khẩn cũng cho rằng Việt Nam cần có một cơ quan chịu trách nhiệm và có thẩm quyền hành chính để quyết định chuẩn hóa một số từ ngữ tiếng Việt dựa trên khoa học để thống nhất sử dụng ở trong nước. Qua sự giao thoa, hợp tác và mối quan hệ giữa Việt kiều và người nhà ở trong nước, hệ thống từ ngữ chuẩn ở trong nước sẽ tự động chuyển ra nước ngoài để tạo sự đồng bộ trong việc dạy tiếng Việt cả ở trong nước và nước ngoài.
Do văn hóa khác nhau, tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn cho rằng cần phải chú trọng đến việc viết bài và tài liệu phải được soạn thảo theo đúng tiêu chuẩn của học sinh Thụy Sĩ chứ không phải học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần cố gắng tạo môi trường văn hóa và những cơ hội để các em tham gia vào các sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng để góp phần bảo tồn tiếng nói và văn hóa dân tộc.
PHƯƠNG AN