LTS: Phong trào Vệ sinh yêu nước vừa được phát động trong bối cảnh môi trường sống đang bị ô nhiễm trầm trọng tác động trực tiếp sức khỏe người dân. Phong trào này nhằm nâng cao ý thức của mỗi người về đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Bạn đọc đã nêu nhiều ý kiến thiết thực góp ý cho việc tổ chức vận động thực hiện phong trào này.
Đưa phong trào đi vào cuộc sống ở từng khu phố
Để phong trào Vệ sinh yêu nước đi vào chiều sâu phải xây dựng được ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong cư dân ở từng quận huyện, phường xã, khu phố… Những năm qua, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã góp phần tạo nên diện mạo mới, đẹp hơn từ làng xã cho đến đô thị. Tuy nhiên, việc bình xét, công nhận khu phố, hay làng, ấp… văn hóa còn dễ dãi và mang nặng tính hình thức. Thực tế cho thấy tại không ít khu phố vẫn còn nạn chiếm dụng hẻm để buôn bán, xả rác thải nhếch nhác… nhưng vẫn được công nhận là khu phố văn hóa. Cũng có khi, ban đầu, để đạt được danh hiệu khu phố văn hóa người ta hô hào nhau thực hiện thật tốt các tiêu chí nhưng rồi khi đã được công nhận thì mọi thứ bị xao lãng dần.
Vì vậy, việc công nhận khu phố văn hóa cần phải được tiến hành thật khách quan, chặt chẽ, tạo động lực thi đua, phấn đấu thực sự, thiết thực giữ gìn và cải thiện môi trường sống. Cùng với đó, cần duy trì kiểm tra, kiên quyết tước danh hiệu khu phố văn hóa đối với những nơi không còn đáp ứng được các tiêu chí, nhất là về vệ sinh môi trường.
THANH PHÚC (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM)
Tuân thủ các quy định về môi trường
Thực tế đã có nhiều quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi xả rác bừa bãi, đổ nước thải ra đường, rải vàng mã, hút thuốc lá nơi công cộng… Thế nhưng những quy định này vẫn chưa được chấp hành nghiêm túc. Phải thừa nhận nguyên nhân là do ý thức của nhiều người còn rất kém, trong khi đó những người thực thi luật pháp, chính quyền địa phương cũng thờ ơ việc nhắc nhở và không kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính về lối sống văn minh đô thị của người vi phạm.
Xã hội ngày càng phát triển thì ý thức cá nhân, ý thức pháp luật cũng như hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày của mỗi người phải được nâng cao. Quan trọng hơn, những quy tắc xử sự chung đã được luật pháp quy định mang tính bắt buộc thì mọi người cần phải tuân thủ thực hiện. Như vậy, để những quy định chung về việc gìn giữ môi trường sống xanh - sạch được thực hiện tốt hơn ngoài việc thường xuyên vận động, tuyên truyền mọi người thực hiện thì kèm theo đó phải có những biện pháp chế tài cụ thể cho những hành vi vi phạm.
MINH VŨ (quận Tân Bình, TPHCM)
Cần có cách tuyên truyền phù hợp
Muốn xây dựng TPHCM thành một thành phố văn minh, hiện đại, yêu cầu trước hết là thành phố không rác hoặc ít nhất người dân có ý thức trong việc xả rác đúng nơi quy định. Dọc theo một số tuyến đường như quốc lộ 13, quốc lộ 1A… rác tập trung thành từng bãi lớn hai bên đường, không được dọn đi, lâu ngày bốc mùi hôi thối. Ngay trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức), rác chất thành đống cả tuần không được dọn đi. Nhiều tiểu thương ở các chợ thường lén đổ rác ra đường vào buổi sớm. Mặc dù chính quyền địa phương cho gắn biển cấm đổ rác và quy định mức phạt nặng nhưng vẫn không thể ngăn cản được người dân đổ rác bừa bãi.
Để vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh chung, cần chú trọng việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người thấy rằng việc giữ gìn môi trường sống trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Rất cần sự kiên trì tuyên truyền, vận động của các cán bộ khu phố; chính quyền địa phương cần chỉ rõ những hành vi sai trái, nhắc nhở trường hợp vi phạm cũng như có hình thức tuyên dương xứng đáng. Sự động viên, khuyến khích toàn dân cùng tham gia phong trào sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân nếu tuyên truyền vận động một cách rõ ràng, kiên trì và phù hợp, đi vào nhận thức của người dân. Vai trò tuyên truyền của các cán bộ ở cấp khu phố là rất quan trọng vì họ hiểu rõ được từng hộ. Nhiều trường hợp, người dân biết việc xả rác thải, nước thải ra môi trường là không đúng nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện nên dẫn đến vi phạm. Do vậy, cần trang bị đủ thùng rác công cộng, tổ chức chu đáo dịch vụ vệ sinh môi trường.
HOÀI THIỆU (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM)
Xử lý mạnh tay hơn
Giữ gìn môi trường sống trong lành là quyền lợi và niềm tự hào của cư dân. Thế nhưng lại có một số người không nhận thức được điều đó nên họ ngang nhiên xả rác thải, nước thải chưa xử lý ra môi trường và bôi bẩn thành phố nơi mình đang sinh sống. Trên đường phố, nạn buôn bán chiếm dụng vỉa hè, lấn chiếm hẻm, vứt rác bừa bãi vẫn là chuyện thường ngày. Bao nhiêu lần các địa phương tổ chức “Ngày chủ nhật xanh” để dọn dẹp, vận động cư dân giữ gìn vệ sinh chung nhưng rồi sau đó hẻm vẫn bị lấn chiếm, đường phố vẫn đầy rác, kênh rạch vẫn bị nghẽn dòng chảy bốc mùi hôi thối thành nơi phát sinh dịch bệnh.
Để thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước, ngoài việc vận động toàn dân hưởng ứng, trước tiên các cơ quan, ban ngành, đoàn thể nên làm gương đúng với tinh thần “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ, đảng viên ở từng khu dân cư phải có những hành động thiết thực để vận động mọi người làm theo. Đồng thời với việc vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay đối với những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường, có như thế phong trào sẽ được nhân dân hưởng ứng, mỗi khu phố sẽ duy trì được phong trào làm sạch đẹp khu phố của mình.
ĐÀM VŨ (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM)