Giữ hồn làng chiếu

Đồng Tháp nổi tiếng không chỉ bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ao sen Tháp Mười đẹp ngây ngất lòng người hoặc những cây trái đặc sản như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa… mà vùng đất này còn được biết với những đôi chiếu dệt rất công phu, cùng nhiều câu chuyện hấp dẫn về phiên chợ có một không hai, chợ “ma” ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò.
Giữ hồn làng chiếu

Đồng Tháp nổi tiếng không chỉ bởi những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ao sen Tháp Mười đẹp ngây ngất lòng người hoặc những cây trái đặc sản như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa… mà vùng đất này còn được biết với những đôi chiếu dệt rất công phu, cùng nhiều câu chuyện hấp dẫn về phiên chợ có một không hai, chợ “ma” ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò.

Chợ “ma” làng chiếu xưa

Những ai từng đặt chân đến xã Định Yên đều vô cùng ngạc nhiên và thích thú với những giai thoại về phiên chợ chỉ họp từ nửa đêm của làng chiếu.

Anh Năm Cẩm, sống gần chợ “ma” hơn 20 năm bày tỏ: “Không ai biết chính xác chợ chiếu Định Yên hay còn gọi là chợ “ma” có tự bao giờ, chỉ thấy trước kia chợ bắt đầu họp lúc 12g đêm đến 6g sáng hôm sau. Khi đêm xuống, người trong xã gồng gánh những đòn chiếu nối nhau thành nhiều hàng dài đến chợ để buôn bán hay trao đổi các đôi chiếu dệt thủ công hết sức tinh xảo. Có người ví von hình ảnh những hàng người lặng lẽ nối bước nhau này như những tiểu đoàn “ma” hành quân trong đêm tối. Một điều độc đáo gần như là luật bất thành văn ở chợ “ma” là ai đến chợ sớm cũng phải đúng 12g đêm mới được nổi lửa thắp đèn buôn bán, ai không biết lên đèn sớm sẽ bị những người gác chợ “đập bể” đèn dầu ngay. Người mới đi chợ “ma” sẽ không khỏi ngạc nhiên và thấy kỳ lạ vì mua chiếu phải mua một đôi, mua một chiếc thì dù có là người quen biết trong làng cũng không bán”.

Cách đây khoảng hơn 5 năm, chợ “ma” không còn họp vào nửa đêm vì đường sá nơi đây đã được nâng cấp nên hầu hết các hộ gia đình làm chiếu đều được thương lái đến tận nhà thu mua. Không còn lên đèn, chợ “ma” chỉ còn trong tiềm thức người dân làng chiếu Định Yên. “Giờ chợ “ma” chỉ hoạt động ban ngày, người đi chợ chủ yếu mua bán lác được vận chuyển từ các vùng khác về. Người bán không còn phải lặn lội, đội những đôi chiếu “hành quân” trong đêm đến chợ “ma”, không còn rầm rì, í ới mời chào nhau mua chiếu dưới những ngọn đèn dầu leo lét vì giờ đây thương lái khắp nơi đã đến tận nhà thu mua chiếu. Tui thấy nhớ phiên chợ “ma” ngày nào, ở giữa lòng chợ mà nhớ không khí chợ “ma” vô cùng! Nhưng đổi lại được nhìn thấy cuộc sống người dân tốt hơn và làng nghề truyền thống ngày càng phát triển nên tui cũng nguôi ngoai phần nào”, anh Năm Cẩm nhìn xa xăm chia sẻ.

Người trồng lác cuối cùng

Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình làm chiếu đều nhập lác từ những vùng lân cận như Vũng Liêm - Long Hồ (Vĩnh Long), vùng Tứ giác Long Xuyên… nhưng ở xã Định Yên vẫn còn một người trồng lác và cũng là người đã dành trọn đời cho nghề chiếu. Đó là ông Hai Gu, 65 tuổi, đã gắn bó hơn 40 năm với nghề trồng lác dệt chiếu.

Dệt chiếu bằng máy

Dệt chiếu bằng máy

Đứng bên ruộng lác với nỗi lo về vụ thu hoạch lác sắp tới, ông Hai Gu tâm sự: “Từ lúc vào nghề đến nay, tui luôn dồn hết tâm huyết dệt ra những đôi chiếu đẹp, đó cũng là lý do vì sao đến bây giờ tui vẫn còn trồng lác. Chiếu được dệt từ lác trồng ở vùng này sẽ rất đẹp, nằm mát và không bị mốc. Để có được giống lác tốt, tui đã xuống tới Vũng Liêm - Vĩnh Long mua củ giống về cấy, chăm bón kỹ mới có được cây lác cao và đẹp như anh thấy. Cứ khoảng 4 tháng, tui thu hoạch lác một lần. Làm chiếu cực trăm bề, để có những sợi lác đẹp dệt chiếu phải trải qua nhiều công đoạn: cắt, phân loại, chẻ, phơi khô, nhuộm… Những năm được mùa đời sống cũng tạm đủ, nhưng không may gặp phải nạn rầy thì xem như lỗ. Đôi lúc có người hỏi tui sao không mua lác từ những vùng khác về dệt mà lại đi trồng rồi phải lo âu thấp thỏm từng vụ? Như anh thấy, cả đời tui sống bằng nghề chiếu nên dù có lỗ tui vẫn trồng lác, dệt chiếu vì lương tâm tui không cho phép dệt ra những đôi chiếu kém chất lượng và không đẹp”.

Dệt hoa cho đời 

Xã Định Yên nói riêng và huyện Lấp Vò nói chung thật sự đã thay da đổi thịt từ ngày những con đường lộ mới hình thành. Hiện nay, hầu hết các khung dệt thủ công đã được thay thế bằng máy dệt hiện đại, năng suất cao gấp 3-4 lần nhưng vẫn còn một số hộ gia đình giữ “hồn quê” với đôi chiếu hoa dệt thủ công.

Chị Đoàn Thị Ơi và Bé Nguyễn Như Ý dệt chiếu thủ công

Chị Đoàn Thị Ơi và Bé Nguyễn Như Ý dệt chiếu thủ công

Chị Đoàn Thị Ơi, nghệ nhân dệt chiếu và cũng là một trong 3 hộ gia đình còn dệt chiếu thủ công. Số phận không may đến với chị khi chồng mất sớm, để lại cô gái từng một thời duyên dáng nhất vùng “một nách 3 con”. Nỗi bất hạnh chưa dừng lại khi 2 đứa con sau của chị đều mắc bệnh bại liệt cả đôi chân. Từ đó trong chị luôn thôi thúc “phải dệt ra những đôi chiếu đẹp và có chất lượng tốt nhất, để có tiền lo cho gia đình và không muốn mọi người sử dụng những sản phẩm không hoàn hảo”, như chia sẻ của chị.

Dường như những đứa con của chị đã thừa hưởng một phần ý chí từ mẹ, dù bị liệt cả 2 chân nhưng bằng sự kiên cường vượt lên số phận, em Nguyễn Như Ý đã kế thừa từ mẹ những tinh hoa của nghề dệt chiếu. Từng đôi chiếu làm ra dưới đôi tay tài hoa của Như Ý đều thấm đẫm biết bao công sức, tình cảm và cả nghị lực vươn lên nên đẹp lạ thường.

Chia tay làng chiếu, chia tay chợ “ma” Định Yên như còn văng vẳng những tiếng gọi nhau í ơi, tiếng mời chào mua chiếu… Ở miền quê xa xôi ấy, làng chiếu đang thay đổi từng ngày, đang bừng lên sức sống qua những sản phẩm làng nghề truyền thống với những bông hoa luôn vượt lên số phận để lưu giữ hồn làng và tỏa hương cho đời.

PHÚC NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục