Giữ nền nếp phòng dịch

Công tác phòng chống dịch Covid-19 của cả nước đã được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Đến nay, với những kết quả đạt được trong cuộc chiến này, chúng ta có thể vững tin đã đi đúng hướng, phát huy đồng bộ nguồn lực, huy động ý thức trách nhiệm và sự chung sức, chung lòng của cộng đồng.

 Tác hại của dịch Covid-19 rất nặng nề, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống; mặc dù vậy, cùng với hiệu quả phòng chống dịch, chúng ta đã giữ vững an ninh trật tự và quan tâm chăm lo an sinh xã hội, khơi dậy phong trào chung tay giúp người nghèo vượt khó.

Chống dịch như chống giặc, nên chúng ta không thể chủ quan, mất cảnh giác trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch: chỉ ra đường khi thực sự cần thiết; nếu buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc; thường xuyên rửa tay sát khuẩn. 

Dù đã hết cách ly xã hội, học sinh - sinh viên lần lượt trở lại trường, chúng ta vẫn phải cẩn trọng như vậy, vì việc phòng chống dịch Covid-19 rất gian nan, chỉ một người bất cẩn là có thể gây ra hiểm họa cho cộng đồng.

Vậy mà thực tế diễn biến trong những ngày gần đây cho thấy đã có nhiều người có biểu hiện chủ quan, bất cẩn, không duy trì nền nếp phòng dịch. Rõ nhất là trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, nhiều người ra đường, đi chơi, khiến tái diễn cảnh ùn tắc trên một số trục đường. Nhiều hành khách tụ tập tại bến xe Miền Đông để chờ xe khách, không thể giữ được giãn cách, cũng không mang khẩu trang. Phà Cát Lái kẹt xe do nhiều người đi du lịch hướng Đồng Nai, Vũng Tàu. Cửa ngõ về miền Tây ken đặc ô tô nối đuôi nhau nhích từng chút rời TPHCM. Đường đi Đà Lạt ùn tắc nhiều giờ. Mùa dịch chưa qua, thật bất an khi chen chúc đi xe khách hay đi qua phà, chen chúc trong cảnh tắc đường, và chen chúc tại các điểm du lịch, vì không thể giữ được giãn cách cần thiết.

Tuần qua, việc tụ tập nhậu nhẹt lại diễn ra, đông vui nhưng khó an toàn phòng dịch và an toàn giao thông. So với cùng kỳ năm ngoái, trong 4 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông giảm 17,31%, số người chết giảm 16,81%, số người bị thương giảm 20,91%. Nguyên nhân giảm mạnh là do thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông) có mức phạt cao đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia, và do hạn chế đi lại trong mùa dịch Covid-19. Nay dường như không ít người có tâm lý xem thường hiểm họa dịch bệnh và đã “quên” dặn lòng việc không lạm dụng rượu bia.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh, đây là lúc cần tiếp tục vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy nếu giữ được nền nếp phòng dịch, sẽ không có gì mâu thuẫn khi thực hiện đồng thời các nhiệm vụ: bảo đảm an toàn phòng chống dịch, ngăn chặn, phát hiện sớm nguy cơ, khoanh vùng dập dịch; quản lý người nhập cảnh; đón học sinh trở lại trường an toàn; bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo đảm an toàn giao thông... Việc tiếp tục huy động sự chung sức của cả hệ thống chính trị vẫn rất cần thiết; khi dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành trên thế giới thì chúng ta không thể chủ quan lơi lỏng công tác phòng chống dịch.

Việc TPHCM xây dựng các bộ tiêu chí trên một số lĩnh vực để chuyển sang giai đoạn mới, đưa các hoạt động đời sống xã hội trở lại “trạng thái bình thường mới” trong điều kiện có nguy cơ dịch bệnh, là một cách làm hay, cụ thể và thiết thực. Từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nên hoàn thiện các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch trong hoạt động của mình; mọi hoạt động đều có kiểm soát đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Mọi người phải luôn nhắc mình tuân thủ các biện pháp phòng dịch vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, thể hiện qua việc giữ vệ sinh, giữ trật tự, giữ an toàn. Sự cẩn trọng không bao giờ là thừa, nhất là trong mùa dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục