Giữ những ký ức về làng

Đã có 15 năm gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống sau nhiều cuộc rong ruổi ở các tỉnh, thành phố, Ngô Quý Đức cuối cùng đã cho ra đời dự án Về làng với mục đích không gì khác là lan tỏa những giá trị văn hóa tới tất cả mọi người thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại những làng nghề. 
Khách du lịch tham quan làng lụa Nha Xá, tỉnh Hà Nam
Khách du lịch tham quan làng lụa Nha Xá, tỉnh Hà Nam

Một chuyến trải nghiệm

Thực tế thì những chuyến đi về các làng nghề chỉ là một trong số nhiều hoạt động mà Đức trước đây và hiện tại là Về làng phối hợp thực hiện, bên cạnh các sự kiện workshop, lớp học được tổ chức xen kẽ ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố xung quanh thủ đô. Vì thế, ngay khi biết thông tin chuyến đi có tên gọi Về làng - Sợi tơ vàng xuyên thế kỷ, tôi đã quyết định đi cùng mọi người. Theo giới thiệu của Đức, mọi người sẽ được trải nghiệm thực tế ở 2 thôn Nha Xá và Trạch Xá. Tại Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) là tìm hiểu lịch sử, văn hóa của làng nghề lụa có tuổi đời xấp xỉ 700 năm; nghề dệt lụa, xem các công đoạn như dệt, nhuộm ở các xưởng; gặp gỡ những người có tâm huyết với làng nghề, tham quan các cơ sở sản xuất uy tín. Còn tại Trạch Xá, xã Hoa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cách đó không xa là tìm hiểu lịch sử, văn hóa của làng nghề ngàn năm tuổi; gặp gỡ, giao lưu với nghệ nhân may áo dài; tìm hiểu về áo dài truyền thống, các kỹ thuật may; trải nghiệm kỹ thuật khâu tay đặc biệt dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân…

Phải thừa nhận là trừ những người trong giới thời trang, hay những người quan tâm đến mặc đẹp, cái tên Nha Xá hoàn toàn xa lạ với tôi cũng như nhiều thành viên trong đoàn. Những tưởng làng Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) lâu nay nổi tiếng về lụa, vậy mà Nha Xá cũng được biết tới nhờ lụa thật, đẹp, màu nhuộm đa dạng, độc đáo và giá thành phải chăng. Lời giới thiệu đó của Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá Nguyễn Tiến Quảng nhanh chóng được chúng tôi cảm nhận rõ hơn qua các sản phẩm được trưng bày ở trung tâm giới thiệu sản phẩm của thôn, trước khi tất cả được chứng kiến tận mắt quá trình làm ra một tấm lụa mộc tại xưởng dệt Thúy Sơn của gia đình ông Lê Thanh Sơn, được sờ vào những khúc lụa nhuộm màu kỳ công và độc đáo của người thợ. Ông Quảng cho biết thêm, xưởng dệt Thúy Sơn là một trong số các cơ sở tại Nha Xá có doanh thu xuất khẩu lớn. Do dịch Covid-19, cơ sở cũng bị ảnh hưởng khi nhiều hợp đồng ngưng trệ hoặc bị hủy. 

Sau xưởng dệt Thúy Sơn, chúng tôi ghé thăm xưởng dệt Hà Thủy của gia đình ông Phạm Hồng Thủy. Điểm khác biệt là ở đây chỉ chuyên sản xuất lụa mộc cho các cơ sở khác thu mua, rồi nhuộm. Cũng vì vậy mà xưởng dệt có đến 8 máy dệt với sản lượng trung bình mỗi tháng khoảng 3.000m lụa. Theo ông Thủy, bình thường cơ sở có 2-3 người thợ nhưng vì dịch, họ chỉ giữ lại một người. Điều đáng lo cho xưởng dệt của gia đình và 150 hộ làm nghề trong thôn là nếu tình hình này kéo dài, họ sẽ phải dừng sản xuất vì sản phẩm tiêu thụ chậm, giá xuống. Và nếu sản xuất ngưng trệ, nhiều gia đình sẽ không biết làm gì khác ngoài dệt lụa.

Chia sẻ vấn đề này với anh Phạm Văn Hoạt, chủ cơ sở Hà Hoạt Silk chuyên bán buôn, bán lẻ các loại vải lụa, đũi và khăn tơ tằm chất lượng cao có tiếng ở Nha Xá, chúng tôi được biết, do dịch Covid-19, doanh thu của những cơ sở như Hà Hoạt Silk giảm từ 50%- 80%. Trước đây, mọi hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của làng nghề đều là nỗ lực của các hộ, thì nay, họ và Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá đang phải tìm hướng đi mới, trong đó có việc kết hợp với bên lữ hành để mở các tour tham quan, trải nghiệm nhằm vực dậy sản xuất. 

Thế mới nói, chuyến đi Về làng - Sợi tơ vàng xuyên thế kỷ không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của Nha Xá mà còn giúp chúng tôi thấy được nỗi vất vả, những tâm tư của người làm nghề, như chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Ánh, một thành viên trong đoàn đang làm việc ở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Hiển nhiên thì Ánh, tôi và mọi người đều trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hành động thiết thực hơn để bảo tồn, lưu giữ những giá trị đó theo cách riêng của mình.

Và giờ, chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi mới đến Trạch Xá…

Thông điệp của chàng trai trẻ

Tôi đã biết Đức trên Fanpage Làng nghề Việt Nam khá lâu, nhưng cũng không nghĩ anh là người đứng sau dự án Về làng mới ra đời hồi tháng 5 vừa qua. Gọi là mới ra đời nhưng Đức đã có nhiều năm gắn bó với các hoạt động liên quan đến làng nghề và nói như chàng trai 35 tuổi, quê ở Đông Anh (Hà Nội) thì Về làng là sự khởi đầu cho một dự án giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc qua nhiều hoạt động trải nghiệm ở các làng nghề Việt Nam. Hay rộng hơn, về làng không chỉ về với làng quê mà ai cũng một thời gắn bó, mà còn về với hội làng, về với những trò chơi dân gian đã từng gắn bó với bao thế hệ… Vì thế, những đối tượng mà Về làng hướng đến rất đa dạng, nhiều độ tuổi. 

Chúng ta có thể bắt gặp những em nhỏ thơ ngây của Trường mầm non Green World (quận Ba Đình, Hà Nội) ngồi tỉ mẩn làm chuồn chuồn tre, nặn tò he hay được các anh chị trong dự án hướng dẫn quy trình in tranh Đông Hồ; những em lớn hơn thì vót tre, lên khung, quết hồ dán, buộc chỉ để làm một chiếc diều tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6; hay các bạn trẻ tham gia sự kiện Phỗng đất xưa - Hồn Kinh Bắc có sự góp mặt của nghệ nhân Phùng Đình Giáp tại Trung tâm Thông tin TOTO (quận Ba Đình, Hà Nội); và một số kiến trúc sư, nhà kinh doanh trong chuyến đi Về làng - Hồn tre Việt giữa tháng 7 vừa qua…

Đức tâm sự, bảo tồn và phát triển làng nghề là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Tác động của cơ chế thị trường đã làm thay đổi phương thức sản xuất, khiến nhiều nghề truyền thống không đủ điều kiện tồn tại nhưng cũng có những nghề vẫn đứng vững nhờ kế thừa, phát huy kinh nghiệm cha ông để đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với việc giữ gìn của các thế hệ, chính sách của địa phương trong khuyến khích, khôi phục, tạo điều kiện cho nghề thủ công truyền thống phát triển thì công tác tuyên truyền, quảng bá cũng rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người, góp phần truyền giữ những giá trị văn hóa cho đời sau. Trong khi đó, nhiều địa phương, trong đó có Nha Xá như Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá Nguyễn Tiến Quảng thừa nhận, đang gặp khó khăn trong công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Vì thế, các chuyến đi của Về làng một mặt giúp nhiều bạn trẻ được tiếp cận với những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại trong mỗi nghề truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ nghề, một mặt giúp các địa phương hiểu rõ vai trò liên kết giữa làng nghề, du lịch và truyền thông trong bảo tồn, phát triển là quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của mỗi làng nghề.

Thật khó tin là những suy nghĩ này lại nhen nhóm trong tâm tưởng của chàng trai từng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin của Hanoi Aptech. Nhưng cũng nên biết rằng, khi Đức theo đuổi nhiếp ảnh tại Tạp chí Nhiếp ảnh trong một thời gian, tham gia vào các sự kiện, workshop, đó là lúc anh đã quyết định dành trọn tâm huyết với những làng nghề, với việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Kinh nghiệm có được từ trước đây cộng với kiến thức về công nghệ thông tin giúp Đức dễ dàng triển khai dự án Về làng. Mỗi chương trình đều được anh và các bạn lên kế hoạch cẩn thận, chu đáo, trong đó có nhiều chương trình có sự tham gia hợp tác của các làng nghề truyền thống, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điều đáng nói là mỗi đối tượng, mỗi lứa tuổi sẽ có nhiều lựa chọn về sự kiện, workshop mà họ có thể tham gia. Các chuyến đi với họ không chỉ là một cuộc trải nghiệm, khám phá, về với ký ức tuổi thơ mà còn là chuyến đi mang thông điệp tuyên truyền, giáo dục ý thức trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Và mỗi làng nghề truyền thống thì đều chứa đựng những câu chuyện riêng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cha ông mà Đức cùng dự án Về làng của anh đang muốn lan tỏa tới cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục