Giữ sức trước ngày thi

Giữ sức trước ngày thi

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức lịch thi THPT quốc gia với thời gian thi sớm hơn mọi năm, các trường THPT ở TPHCM đều lên kế hoạch ôn tập theo từng nhóm đối tượng học sinh và nhu cầu đăng ký môn thi lẫn tổ hợp môn thi. Với các trường có đầu vào học sinh không cao thì thời gian dành cho ôn tập càng nhiều hơn.

Học sinh lớp 12 trường THPT Hùng Vương, Q.5, TPHCM trong giờ ôn thi. Ảnh: Mai Hải

Vì thời gian không còn nhiều nên các trường đều tăng tốc dạy, kèm ôn tập để củng cố kiến thức, tập dượt các câu hỏi vận dụng kiến thức tích hợp, liên môn để rèn khả năng phản xạ nhanh cho học sinh. Do kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, trong đó năm đầu tiên các môn Toán, Sử, Địa và Giáo dục công dân chuyển từ thi tự luận sang trắc nghiệm nên nhiều trường lo tập trung ôn tập, tăng tiết nhiều hơn.

Tại công văn mới nhất gửi các sở GD-ĐT, bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh. Các cơ sở giáo dục thống nhất với học sinh và phụ huynh sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh. Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng lưu ý các trường THPT tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo năng lực, không ép buộc hoặc gây căng thẳng quá sức cho các em.

Thế nhưng khảo sát thực tế cho thấy hầu hết học sinh lớp 12 đều đang đối mặt với áp lực căng thẳng và có tâm lý lo âu trước kỳ thi. Ngoài học ở trường hai buổi hoặc tăng tiết vào buổi chiều đối với trường học 1 buổi, nhiều học sinh còn học thêm, luyện thi trắc nghiệm ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ, nhà thầy cô. Thực tế cho thấy, vì bệnh thành tích - mong muốn học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT 100% và tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng cao, nhiều trường đã tạo áp lực cho học sinh như dạy trước chương trình để dành thời gian ôn tập, giải đề, luyện thi trắc nghiệm.

Hơn nữa, vì mong muốn đậu đại học bằng mọi giá, vì áp lực chọn trường, ngành học thời thượng mà cha mẹ kỳ vọng, nhiều thí sinh lao vào học thêm, luyện thi đến kiệt sức. Như thế, các em không còn thời gian để tự học, tự cân bằng sức khỏe tinh thần. Hơn nữa, nếu các trường THPT xếp lịch học, ôn tập không phù hợp, không dựa trên tinh thần tự nguyện như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT sẽ tạo thêm áp lực căng thẳng, mệt mỏi cho thí sinh trước ngày thi. Kinh nghiệm từ các kỳ thi THPT quốc gia trước đây cho thấy, nhiều trường tổ chức thi thử liên tục hoặc ôn thi kéo dài sát ngày thi đã gây áp lực, căng thẳng cho thí sinh. Vì học thêm, ôn tập quá nhiều đã khiến không ít thí sinh có năng lực, học lực khá nhưng kết quả thi không cao, thậm chí có trường hợp rớt tốt nghiệp THPT đến khó tin.

Để đồng hành với chủ trương đổi mới thi cử, đánh giá đúng năng lực người học, không chỉ ngành GD-ĐT, từng trường THPT phải chủ động nói không với bệnh thành tích mà ngay cả học sinh, phụ huynh cũng biết lượng sức học và ôn thi vừa sức để tự tin vượt vũ môn.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục