Gia đình chị Ngô Nguyệt Minh (quận Gò Vấp, TPHCM) bước qua “năm dịch thứ nhất” không mấy khó khăn. Thậm chí, trong đợt giãn cách năm 2020, vợ chồng chị xem đây là cơ hội để chăm chút, tạo sự gắn kết cho gia đình, do các thành viên bận rộn việc làm ăn, việc học nên trước đó ít dành thời gian cho nhau. Nhưng dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình chị Minh, thu nhập bị giảm sút 1/3. Thời gian ở nhà, chị Minh vừa làm việc từ xa, vừa nội trợ, vừa làm trọng tài trong những cuộc tranh giành của trẻ nhỏ, rồi kèm cặp con cái học bài trực tuyến… khiến chị thấy kiệt sức. Chị càng mệt mỏi khi thấy không nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ tương xứng từ người chồng, dù anh cũng cố gắng làm vài việc trong nhà mà trước giờ không bao giờ đụng tới. Cãi vã nảy sinh nhiều hơn, cảm xúc tiêu cực cũng đến nhiều hơn trong căn nhà vốn bình lặng suốt nhiều năm dài. “Đây có lẽ không chỉ là vấn đề của riêng gia đình tôi, mà chính là vấn đề xã hội rất lớn”, chị Minh chiêm nghiệm.
Nhận xét nêu trên của chị Ngô Nguyệt Minh không phải là không có cơ sở. Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng trước những vấn đề về sức khỏe, về kinh tế, dường như những bất ổn trong đời sống gia đình dưới tác động của dịch bệnh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Đầu năm 2021, đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu được công bố về tác động của dịch bệnh đến gia đình ở Việt Nam. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) ở thời điểm tháng 1-2021 cho thấy, 46% các hộ gia đình có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu do nhóm của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) thực hiện cũng cho thấy, dịch bệnh đã tác động nhiều nhất đến nhóm những người lao động phi chính thức, làm thu nhập của họ suy giảm đến 50%-70% so với trước. Nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất là trong các gia đình nhập cư, nông thôn, hoặc gia đình nghèo ở thành thị…
Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu chuyên môn do GS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Y tế công cộng chỉ đạo, đã đề xuất: “Cần nhân cơ hội này đẩy nhanh cải cách chương trình trợ giúp xã hội, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội”. Trong đó, một số đề xuất cụ thể là triển khai và thực hiện các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội, bao gồm phát hiện sớm, tư vấn, quản lý trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội, đặc biệt là trẻ có nguy cơ hoặc là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Đồng thời giúp đỡ trẻ em, gia đình các em ứng phó với tình trạng bất ổn do dịch bệnh. Không chỉ trẻ em mới cần được trợ giúp xã hội, các chuyên gia cũng cho rằng cần có chương trình trợ giúp tâm lý xã hội cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và giáo viên.
Sau hơn 3 năm thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, mới đây, Bộ VH-TT-DL có kế hoạch tổng kết trước khi quyết định áp dụng rộng rãi bộ tiêu chí này. Bộ tiêu chí đã nêu ra những tiêu chí ứng xử chung trong gia đình, đó là tôn trọng - bình đẳng - yêu thương - chia sẻ. Trong bối cảnh dịch bệnh, những giá trị cốt lõi mà bộ tiêu chí này đề cập được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để các “pháo đài” phòng chống dịch thêm vững vàng.
Nhiều nước đã báo động tình trạng bạo lực gia đình và số vụ ly hôn tăng lên đáng kể sau thời gian giãn cách, phong tỏa vì dịch bệnh. Ở Nhật Bản có hẳn một thuật ngữ mới là “corona rikon” (tạm dịch: ly hôn vì corona). Ở Trung Quốc, có những thành phố ghi nhận tỷ lệ ly hôn tăng đột biến. Xu hướng bất ổn trong gia đình đã và đang trở thành vấn đề xã hội được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm. |