Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2014 đã đạt được mức tăng kỷ lục nhất từ trước tới nay với 30,8 tỷ USD - tăng 11,2% so với năm 2013. Đây thực sự là một con số ngoạn mục và trở thành dấu ấn mới của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Không chỉ đối với thị trường xuất khẩu mà tổng sản lượng của hầu hết các loại nông lâm thủy sản sản xuất trong nước đều tăng lên đáng kể và việc tiêu thụ đã có sự phát triển đồng bộ với sản xuất nên giá cả các loại nông sản ở trong nước được giữ ở mức khá cao, có lợi cho bà con nông dân.
Điều đáng tự hào của ngành nông nghiệp là cho đến nay, đây vẫn là ngành có tỷ lệ xuất siêu cao với tổng mức xuất siêu năm 2014 ước đạt 8,2 tỷ USD và được coi là một con số ngoạn mục. Trong đó lĩnh vực thủy sản đã đạt mức xuất siêu kỷ lục với 5 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến chỉ chưa đầy 1 tỷ USD. Riêng mặt hàng lúa gạo mặc dù vẫn đang gặp khó khăn về thị trường và giá cả xuất khẩu nhưng năng suất và sản lượng năm 2014 tiếp tục được mùa nên góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường chăn nuôi và thực phẩm trong nước. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang “ngủ đông”, một lần nữa, ngành nông nghiệp của chúng ta lại chứng tỏ là hậu phương vững chắc của nền kinh tế. Con tôm, cây lúa lại chính là những mặt hàng đem về đồng ngoại tệ cho đất nước và trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị xuất siêu cao hơn nhiều lần so với sản phẩm của nhiều lĩnh vực sản xuất khác.
Điều đó cũng cho thấy rằng, không phải chỉ có riêng công nghiệp mới giúp tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta tiến kịp đà phát triển của các nước trong khu vực và thế giới mà các sản phẩm nông nghiệp cũng đã và đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp, nông sản của họ đã trở thành những thương hiệu lớn nhờ được đầu tư mạnh về khoa học công nghệ từ sản xuất tới chế biến, có giống tốt và có chính sách quản lý chất lượng, thương mại, thương hiệu… đúng đắn, mang tính đột phá nên sản phẩm chiếm thị phần rộng lớn trong xuất khẩu. Việt Nam cũng có lợi thế về nông nghiệp, đặc biệt là về lúa gạo và thủy sản, ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm chủ lực khác có thể tạo ra giá trị xuất khẩu cao nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được đúng giá trị. Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thế giới đã thay đổi cách nhìn về nông nghiệp, cách sống trong nông nghiệp và hiện nay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam được coi là một nền tảng rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp của khu vực. TS Võ Trí Thành cho rằng: “Chúng ta có lợi thế như vậy, đòi hỏi của thế giới cũng như vậy, cách nhìn thế giới thay đổi, không có lý gì mà nông nghiệp không trở thành một lĩnh vực Việt Nam phát triển, tạo giá trị gia tăng cao hơn và như chúng tôi đã nói không phải đi theo, tiến kịp thế giới mà có thể đi cùng thế giới và thậm chí nông nghiệp Việt Nam còn là hình mẫu”.
Từ thực tiễn của nông nghiệp, chúng ta cần phải đi bằng hai chân: cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp thì phải từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, Nhà nước cũng đã đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn thông qua nhiều chương trình như xây dựng nông thôn mới, dạy nghề cho lao động nông thôn, đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu - giảm nhẹ thiên tai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, cần phải thay đổi tư duy về nông nghiệp, không chỉ là cách nhìn của xã hội về một nền nông nghiệp, cán cân - tỷ trọng giữa ngành nông nghiệp so với các ngành khác trong nền kinh tế mà còn cần thay đổi chính tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT cũng đã xác định chuyển hướng từ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô, ít giá trị sang trồng và chăn nuôi, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững.
Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp của chúng ta cần phải có những đột phá về giống, khoa học công nghệ và phải thực sự cạnh tranh bằng chất lượng đi đôi với đảm bảo an toàn thực phẩm để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và ổn định thị trường xuất khẩu. Đây là giải pháp để ổn định đà tăng trưởng, giữ vững “sân sau”, thực sự trở thành hậu phương vững chắc cho cả nền kinh tế đất nước dù trong điều kiện kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh hay suy thoái.
PHÚC HẬU